Anh Đức chị Lan là vợ chồng đã hơn 10 năm, dù không có con nhưng luôn hạnh phúc. Chị là người phụ nữ xinh đẹp, giỏi kinh doanh. Anh có trách nhiệm với gia đình, chăm chỉ kiếm tiền, dành trọn tình yêu cho vợ. Năm 2012, họ thuê một căn nhà ở quận 6 (TP HCM) để buôn bán, gia công hàng mã, có thuê người làm công.
Người làm công siêng năng, chăm chỉ lại vui vẻ, hòa đồng nên rất được lòng chị. Ban đầu, mối quan hệ của hai người chỉ là chị em, thường xuyên thăm hỏi, trao đổi công việc. Đầu năm 2015, chị và người nọ phát sinh tình cảm.
Phát hiện mình mang thai, chị thú thật cho chồng. Anh nghe mà như sét đánh bên tai, nhưng vì thương vợ, thương đứa trẻ đang lớn dần trong bụng mẹ, anh chấp nhận và dặn vợ, ai hỏi phải nói đó là con anh, câu chuyện kia thì chỉ nên để ba người trong cuộc biết.
Ngày chị sinh con trai, anh vui mừng hạnh phúc. Con tròn tháng, anh tự mình đi làm giấy khai sinh cho đứa trẻ mang họ mình.
Từ Huế vào Sài Gòn chăm con dâu trong thời gian ở cữ, vừa nhìn đứa trẻ, mẹ anh khẳng định không phải cháu bà. Anh gạt ngang: “Cháu nó giống nhà ngoại, mẹ đừng nói lung tung làm vợ con buồn!”. Nghe các anh chị trong nhà xì xào, anh chứng minh bằng cách, chăm sóc, dành tình yêu cho con trai nhiều hơn. Chị hứa sẽ thương yêu chồng con thật nhiều, không qua lại với người làm công nữa, song lại không thực hiện được.
Anh ghen, hai vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn. Một hôm chị bỏ con nhỏ ở nhà để ra ngoài, lúc đi chơi về, anh đóng cửa lại rồi châm lửa đốt nhà. Rất may chị và bé được cứu kịp thời, nhưng anh phải nhận mức án 8 năm tù về tội giết người.
Tại phiên xử tháng 9 vừa qua của Tòa án Gia đình và trẻ chưa thành niên TPHCM, chị nói trong nước mắt: “Tôi có lỗi với anh ấy rất nhiều. Biết tôi ngoại tình, anh ấy vẫn tha thứ, bao bọc và nâng đỡ mẹ con tôi. Anh ấy còn bảo vệ mẹ con tôi trước gia đình mình, khi chuyện tôi có con với người khác bị lộ. Phải chịu áp lực từ mọi phía, anh ấy mới không kiểm soát được mình”. Chị tha thiết xin tòa giảm án cho chồng, nhưng mọi sự đã muộn.
Theo vị đại diện VKS tại phiên xử, trong câu chuyện này, Đức là người vừa đáng thương, vừa đáng trách, việc chấp nhận vợ ngoại tình, rồi nuôi con của tình địch như bị cáo chẳng có người đàn ông nào làm được. “Giá như, câu chuyện chỉ dừng lại ở đó thì nó vô cùng đẹp. Tôi rất tiếc cho Đức. Tôi mong rằng, ngày ra tù Đức sẽ có một cuộc sống vui và hạnh phúc”.
|
Sai lầm ngoại tình của người vợ đã đẩy chồng vào vòng tù tội. Ảnh minh hoạ:davidalbrechtlaw. |
Thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy cho rằng, chị vợ ở trường hợp trên không khéo léo và chưa biết trân trọng tình yêu mà người chồng dành cho mình. Bà kể, từng có một người phụ nữ mang thai ở tháng thứ bảy tìm đến bà nhờ tư vấn trong trạng thái hoang mang, lo lắng. Chị cho biết đã có chồng con, cái thai trong bụng là của một người đồng nghiệp, sau một lần họ đi công tác chung.
Bỏ con thì không đành, nhưng nếu chồng biết chuyện thì hạnh phúc gia đình tan vỡ, suốt thời gian mang thai, chị sống trong sợ hãi. Bà Thúy khuyên chị hãy nghĩ đến sức khỏe của hai mẹ con, đứa trẻ sinh ra sẽ không khỏe mạnh nếu mẹ nó cứ sống trong sợ hãi. Còn với người chồng, hãy tìm thời gian thích hợp để nói chuyện thành thật, nhất định anh sẽ sốc và dằn vặt, nhưng khi đã chấp nhận thì họ vô cùng bao dung.
Ba tháng sau, bà Thúy nhận được điện thoại của người phụ nữ báo đã sinh con, đứa trẻ khỏe mạnh, chị đang hạnh phúc vì được chồng tha thứ, chăm sóc chu đáo cho hai mẹ con.
Theo chuyên gia Phạm Thị Thúy, những người phụ nữ như hai trường hợp trên, khi được chấp nhận, thì nên chuẩn bị tâm lý cho chồng ngay từ đầu và diễn ra xuyên suốt, tức là, lúc nào người vợ cũng phải lường trước được những điều không hay có thể xảy ra. Bởi đàn ông có thể tha thứ, nhưng cơn ghen trong người họ có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào, vì thế, người phụ nữ làm sao để chồng cảm nhận tình yêu chân thành của mình. Người vợ sẽ vô cùng sai lầm nếu cứ tiếp tục ngoại tình và có thái độ không mềm mỏng với chồng, khiến mâu thuẫn trở nên nặng nề, bi kịch dễ xảy ra.
* Tên nhân vật đã được thay đổi