Hôn nhân “thần tốc”
Ở cái tuổi ngoài 30 như chị ngày đó, bạn bè ai cũng chồng con cả. Chị mỗi ngày đi về lẻ bóng, nhưng chẳng lấy làm buồn. Chỉ có mẹ chị là rầu ra mặt. Hôm nào có bạn chị ghé chơi, mắt bà lại phát sáng, cứ ngỡ đó là “nửa kia” của con mình. Nhưng sự mong mỏi của bà, lần nào cũng khiến bà thất vọng. Chị thầm cười khổ.
Mẹ chị ngày nào cũng bảo, có con gái chưa chồng như đặt quả bom hẹn giờ trong nhà. Ngày nào cũng phấp phỏng lo âu. Bà lo lắng, chỉ sợ cả đời này không gả được con gái đi thì “muối mặt” với người xung quanh. Có bà mẹ nào lại muốn con gái mang cái danh “ế chồng”, sống một đời đơn lẻ, vò võ cô đơn khi về già.
Trong khi người mẹ suốt ngày “căng mắt” ngó đông ngó tây, tìm kiếm một người đàn ông “được được” để “tống” con gái đi, thì chị vẫn bình chân như vại. Ngày ngày vẫn đến chỗ làm, lấy những màu sắc xanh xanh đỏ đỏ nơi quầy pha chế làm vui.
Chị không đẹp, nhưng gương mặt bầu bỉnh dễ thương, da trắng, môi son, mắt sáng. Mẹ chị thường nhìn con gái rồi thở dài, bảo con gái bà kia ở trong xóm, con gái bà nọ là bạn hàng ngoài chợ, tuổi ít hơn chị nhưng đều đã lấy chồng. Mà so bề nhan sắc, con gái bà còn trội hơn mấy phần, vậy mà đến giờ vẫn không ai rước.
Chị lớn lên, cũng trải qua đôi ba mối tình không đầu không cuối. Người ta đi lấy vợ, còn chị vẫn lặng lẽ một mình. Chị nói do duyên số cả. Duyên chưa đến, có cầu, có ước cũng không được. Cũng có người thương chị, muốn cùng chị đi đến hôn nhân. Nhưng lòng chị không rung động, nên chị khước từ.
Cứ ở vậy. Năm chị 35 tuổi, mẹ chị không chịu được, đành lôi con gái đi xem mặt. Chị không muốn đi. Nhưng chị không đi, thì người ta tìm đến tận nhà, tránh sao được.
Chị quen anh là do một người bạn của mẹ mai mối. Nhưng kỳ thực là mai mối cho em gái chị. Em gái chị chê anh, nên anh “trở cờ”, quay sang theo đuổi chị. Anh vốn làm ăn ở trong Nam. Năm đó vì phải về Huế làm một số giấy tờ, nên phải ở lại nhà hơi lâu. Rảnh rỗi, nên anh cũng thuận ý nghe theo bà dì sắp đặt, rồi đi xem mặt. Không theo đuổi được cô em, thì anh chuyển “tầm nhìn” sang cô chị. Mà có lẽ, cô chị còn có phần hợp với anh hơn cả cô em.
Một tháng theo đuổi, cứ tối tối anh lại ghé lên nhà chị chơi. Hai người nói đôi ba câu thì anh về. Suốt một tháng như thế, tuy trong lòng chị chẳng có tình cảm gì nhiều với anh, nhưng cả nhà “xúm” lại vun vào, hết lời khuyên giải, khiến chị cũng do dự.
Anh nói, mấy bữa nay lui tới, ba mẹ anh ở nhà cũng muốn đến chơi, thăm nhà chị cho biết. Chị gật đầu.Hôm gia đình anh đến, chị phát hoảng khi thấy nhà trai mang theo hộp trầu cau. Anh giải thích, “đã đến thăm, luôn tiện “đi nói” luôn một thể, chứ mỗi lần đi mỗi lần khó”.
Chị cứ ngỡ ba mẹ anh lên chơi cho biết nhà mới đồng ý, chứ đâu biết lên đi hỏi vợ. Chị cũng chưa có tình cảm gì với anh, nên không muốn nói đến chuyện cưới hỏi. Nhưng bố mẹ hai bên gia đình ai nấy mặt tươi như hoa, vui vui vẻ vẻ. Chị mở miệng, nhưng chẳng biết nói gì, cứ ngơ ngơ ngác ngác.
Khách về, mẹ chị khuyên: “từng tuổi ấy rồi, đừng kén cá chọn canh nữa”. Bà nội khuyên: “Con gái lớn lên ai cũng phải lấy chồng, rồi sinh con đẻ cái. Ở tuổi của mày, bà hồi ấy còn sắp lên chức bà ngoại rồi”. Cô dì chú bác đều nói: “Thôi kệ, gật đầu đi. Lần này mà không lấy chồng, chắc ế suốt đời. Mày muốn đến lúc già cả phải côi cút một mình sao”. Chị lung lay. Vậy là cưới.
Đợi chờ vô vọng
Hành lang trên tầng 2 của TAND thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) hun hút gió. Chị đứng lặng một mình nhìn phố xá ngoài kia rộn rã, nhưng lòng chị lạnh lẽo vô cùng. Chị biết, phiên tòa ly hôn sáng nay, anh sẽ không đến.
Ngày đó, anh chị cưới nhau được một thời gian, thì hai người khăn gói vào Nam sinh sống. Lúc này, chị mới tá hỏa khi nhận ra con người thật của anh. Một người đàn ông suốt ngày rượu chè be bét, chẳng hề chí thú làm ăn. Vợ chồng sống với nhau, hai ngày lại xảy ra một trận cãi vã, năm ngày lại xảy ra một trận đánh nhau. Mà toàn anh xách dao rượt đánh chị, còn chị thì bỏ chạy trong khiếp hãi.
Không thể chống cự được những đòn roi của chồng, cũng không khuyên nhủ được chồng bỏ rượu để chuyên tâm làm ăn, chị đành ôm gói về lại Huế. Lúc đó, chị mới mang thai hơn một tháng.
Ở nhà chồng, có lá chắn là bố mẹ chồng che chở, nhưng cũng chẳng hơn mấy. Anh như con sâu rượu, ngày nào cũng chìm trong hơi men. Cái xóm nơi gia đình chị sinh sống, đôi ba ngày lại ầm ầm ào ào tiếng anh rượt đuổi chị.
Chị kể, ngày đó mỗi lần anh lên nhà chị chơi, chị vẫn nhận ra lất phất mùi men tỏa ra từ người anh. Nhưng chị cứ tưởng, tính tình anh nhút nhát, nên phải “mượn” chút rượu để có thêm dũng khí đi “tán gái”. Chịđâu ngờ.
Ngày con gái chị chưa đầy 1 tuổi, thì chị ẵm con về nhà mẹ đẻ. Chị sợ trong những lúc anh “động dao thớt”, không may lại gây nguy hiểm cho con. Ngày đó, mỗi lần anh rượt đánh chị, chị lại tất tả chạy đến ẳm con cùng mình chạy khắp xóm tìm chổ ẩn nấp. Lúc con biết đi lẫm chẫm, chị lại lùa con bé sang nhà hàng xóm mỗi lúc anh “lên cơn”. Nhưng con gái chị một bước cũng không rời mẹ. Chứng kiến cảnh ba cứ đuổi đánh mẹ, nên lúc về nhà ngoại nương náu, mỗi lần ba đến thăm, mặt con bé vẫn tái nhợt vì sợ.
Cưới nhau chưa đầy 2 năm, anh chị sống ly thân. Suốt 5 năm qua, chị vẫn mang trong lòng chút hy vọng. Chị mong anh sẽ thay đổi, rồi cả gia đình cùng nhau đoàn tụ dưới một mái nhà. Nhưng chờ rồi chờ. Anh vẫn vậy. Chút ấp ủ trong lòng cuối cùng cũng tắt. Chị quyết định đâm đơn ra tòa ly hôn và yêu cầu được quyền nuôi con.
Chị cười khổ bảo, lúc đầu anh không đồng ý. Anh nói vợ chồng đã cưới nhau rồi, thì không thể bỏ nhau. Chú của chị cũng bảo không được ly hôn. Hai người sống ly thân, lâu lâu anh lại lên thăm con, rồi sang nhà người chú sống bên cạnh “chén tạc chén thù”. Bởi cả anh và chú đều thống nhất, “đã cưới hỏi đàng hoàng, không bỏ nhau được”.
“Anh đánh đập chị, có ai biết không? Có đi bác sĩ lần nào không?”. Chị bảo việc anh đánh chị, cả xóm đều biết. Nhưng chỉ một lần anh gây ra thương tích nặng, nên mới đi bác sĩ.
Vị thẩm phán cho biết, tòa đã triệu tập nhiều lần, nhưng bị đơn (người chồng) không đến tòa làm việc, nên ông buộc phải tìm về tận nhà để lấy lời khai. Người chồng cho biết mình không đến tòa, vì không muốn đối mặt với việc ly hôn. Nhưng qua quá trình làm việc, anh cũng đồng ý.
Lúc đầu, chị yêu cầu tòa cho mình được ly hôn và nuôi con. Chị còn yêu cầu người chồng phải cấp dưỡng 500 nghìn đồng một tháng. Nhưng quá trình giải quyết vụ án, chị rút lại yêu cầu cấp dưỡng.
Người chồng thừa nhận mình không có công việc ổn định, nên không thể cấp dưỡng hàng tháng cho con. Nhưng anh cho biết, nếu sau này có điều kiện, sẽ tự nguyện chu cấp tiền cho con gái.
Tòa hỏi nguyên đơn: “Thu nhập của chị một tháng là bao nhiêu?”. Chị nói mình buôn bán, một tháng cũng kiếm được 3 triệu đồng. “Thu nhập chừng đó, lại không yêu cầu bị đơn cấp dưỡng, chị có thể nuôi con không?”. Chị nói may còn có ông bà ngoại hỗ trợ thêm, nên hai mẹ con vẫn sống ổn.
Sau mấy năm kết hôn, chị chẳng có tài sản gì, nên chẳng mua được nhà, phải nương nhờ nhà mẹ đẻ.
Tòa đồng ý để vợ chồng chị được ly hôn và giao đứa con cho chị nuôi. Lặng lẽ rời khỏi tòa án, mặt chị chẳng vui cũng chẳng buồn.
Tên nhân vật đã được thay đổi.