Kết luận giám định “khó hiểu”, người bị hại kêu cứu và yêu cầu trưng cầu giám định lại

(PLVN) - Cho rằng bản thân bị đánh ngất xỉu trong tình trạng bị đa chấn thương ở vùng đầu, sọ não, cẳng tay phải và chấn thương kín ở vùng bụng nhưng Kết luận giám định pháp y cho rằng "Thông tư của Bộ Y tế không định tỉ lệ cho chấn thương đầu, ngực, bụng và tay phải hiện tại không để lại dấu vết, không ảnh hưởng chức năng và không để lại di chứng của nạn nhân" là không thuyết phục, không đáng tin cậy, người bị hại đã yêu cầu Cơ quan điều tra trưng cầu giám định lại thương tật cho mình bởi tổ chức giám định pháp y cấp cao hơn...
Đơn yêu cầu được giám định lại tỉ lệ thương tật của ánh Nguyễn Văn An.

Vụ việc cố ý gây thương tích xảy ra tại xã Tam An (huyện Long Thành, Đồng Nai), theo đơn thư của anh Nguyễn Văn An (SN 1982, trú tại ấp 3, xã Tam An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) trình bày thì do có mâu thuẫn từ trước nên khoảng 18 giờ 10 ngày 19/1/2022, khi anh đang cùng thợ hồ chở đá về xây nhà thì bị Phan Chí Tâm (ngụ cùng ấp) cùng một nhóm khoảng 12 người đến gây chuyện.

Theo anh An, nhóm người nói trên khi đến gây chuyện với anh thì đã chuẩn bị sẵn hung khí là tuýp sắt, thanh gỗ. Sau một hồi gây sự, chửi bới thì nhóm người này xông vào đánh anh An. Trước sự hung hãn và nguy hiểm của nhóm đối tượng, anh không chống cự mà chỉ cố gắng quật ngã Phan Chí Tâm để tháo chạy về nhà mẹ ruột.

Thế nhưng, nhóm người này vẫn dùng tuýp sắt, thanh gỗ đuổi đánh anh An đến tận nhà mẹ ruột. Phải đến khi anh An ngất xỉu và gia đình hô hoán báo công an thì nhóm người trên mới chịu rời đi.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Việt Nam – Phó Trưởng Công an xã Tam An xác nhận có vụ ẩu đả gây thương tích xảy ra tối 19/1 tại địa bàn, ngay sau khi nhận tin báo Công an xã đã có mặt triển khai các biện pháp nghiệp vụ. Sau khi lập hồ sơ ban đầu và hoàn thành tất cả thủ tục thì Công an xã đã bàn giao hồ sơ cho Đội Cảnh sát Hình sự - Công an huyện Long Thành để điều tra, truy xét các đối tượng liên quan.

Sau khi bị nhóm đối tượng đánh ngất xỉu, anh An được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai trong tình trạng bị đa chấn thương ở vùng đầu, sọ não, cẳng tay phải và chấn thương kín ở vùng bụng.

Anh Nguyễn Văn An bị đánh đa chấn thương, phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai từ 19/1 đến 15/2/2022 (ảnh có trong hồ sơ do anh An cung cấp).

Sau hơn 3 tuần điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai (từ 19/1 đến 15/2/2022), anh An được ra viện. Theo anh An và gia đình trình bày, sức khỏe của nạn nhân sau khi bị đánh đã giảm sút rõ rệt. Anh và gia đình đã có đơn tố giác và yêu cầu khởi tố hình sự đối với hành vi cố ý gây thương tích của Phan Chí Tâm và đồng phạm ngay sau khi sự việc xảy ra. Quá trình thụ lý giải quyết, Công an huyện Long Thành đã tiến hành trưng cầu giám định pháp y về tỉ lệ thương tật đối với anh Nguyễn Văn An.

Ngày 16/3/2022, anh An nhận được Thông báo kết luận số 39 ngày 23/2/22 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Long Thành thông báo về Kết luận giám định tại bản Kết luận giám định số 0155/TgT/2022 ngày 16/2/2022 của Trung tâm pháp y thuộc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai như sau: “Căn cứ Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế không định tỉ lệ cho chấn thương đầu, ngực, bụng và tay phải hiện tại không để lại dấu vết, không ảnh hưởng chức năng và không để lại di chứng của nạn nhân Nguyễn Văn An, sn 1982”.

Thông báo kết luận giám định của Công an huyện Long Thành chỉ có vài dòng, nội dung sơ sài, căn cứ thiếu thuyết phục.

Cho rằng Kết luận giám định số 0155/TgT/2022 ngày 16/2/2022 của Trung tâm pháp y thuộc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai không chuẩn xác, căn cứ sơ sài không thuyết phục và không đủ độ tin cậy, anh Nguyễn Văn An là gửi Đơn khiếu nại bản Kết luận trên, đồng thời yêu cầu được trưng cầu giám định lại bởi tổ chức giám định cao hơn là Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an (phân hiệu tại TP Hồ Chí Minh).

Trong Đơn trình bày, anh Nguyễn Văn An đã phân tích chỉ ra những điểm không thuyết phục, không đáng tin cậy của Kết luận giám định số 0155 của Trung tâm pháp y thuộc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai như sau: "Theo quy định tại khoản 2 điều 213 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về Kết luận giám định như sau: “Kết luận giám định phải ghi rõ kết quả giám định đối với những nội dung đã được trưng cầu và những nội dung khác theo quy định của Luật Giám định tư pháp.” Tuy nhiên, Kết luận giám định của bản Kết luận giám định số 0155 ngày 16/2 2022 chỉ nêu căn cứ chung chung: Căn cứ Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế không định tỉ lệ cho chấn thương đầu, ngực, bụng và tay phải hiện tại không để lại dấu vết, không ảnh hưởng chức năng và không để lại di chứng của nạn nhân...”

Ngay sau sự việc xảy ra, phía người bị hại và gia đình đã có đơn tố giác và yêu cầu khởi tố vụ án hình sự gửi đến cơ quan có thẩm quyền.

Anh An băn khoăn, như vậy Kết luận giám định này được hiểu hiểu theo ý nghĩa nào sau đây: Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 quy định không cho tỉ lệ đối với các chấn thương hiện tại không để lại dấu vết không ảnh chức năng và không để lại di chứng? Hay Thông tư số 22 quy định các chấn thương hiện tại không để lại dấu vết, không để lại di chứng thì không thể giám định được tỉ lệ thương tật (nghĩa là đối tượng giám định không còn?) Người bị hại đề nghị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Long Thành yêu cầu Trung tâm pháp y thuộc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai giải thích kết luận giám định và trả lời cho người bị hại được rõ.

Đồng thời, anh Nguyễn Văn An cũng bày tỏ hoài nghi: Sự việc xảy ra từ 19/1/2022 nhưng đến ngày 15/2/2022 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Long Thành mới ra quyết định trưng cầu giám định nên anh An không biết quyết định trưng cầu giám định là giám định tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe tại thời điểm bị đánh thương tích hay thời điểm sau khi đã điều trị khỏi? Kết luận giám định ghi “tại thời điểm hiện tại”, theo nạn nhân nếu chỉ giám định tỉ lệ thương tật vào thời điểm hiện tại khi đã điều trị khỏi, sức khỏe bình phục là không hợp lý, không công bằng vì không thể xác định chính xác tỉ lệ tổn thương cơ thể, tỉ lệ tổn hại sức khỏe mà nhóm người kia đã gây ra cho anh.

Anh Nguyễn Văn An cũng đề nghị được trưng cầu giám định lại để xác định chính xác tỉ lệ thương tật đối với anh, tổ chức giám định thực hiện việc giám định là Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện khoa học Hình sự Bộ Công an phân hiệu TP Hồ Chí Minh. Tài liệu gửi kèm là hồ toàn bộ hồ sơ bệnh án của Nguyễn Văn An điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai từ 19/1/2022 đến ngày 15/2/2022.

Như vậy, với nhận định không rõ ràng, thiếu thuyết phục đã phân tích trên, việc người bị hại Nguyễn Văn An và gia đình nghi ngờ về tính khách quan và độ tin cậy của bản Kết luận giám định số 0155/TgT/2022 ngày 16/2/2022 của Trung tâm pháp y thuộc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai do Công an huyện Long Thành trưng cầu là có cơ sở. Và việc anh An yêu cầu được giám định lại là có căn cứ.

Thiết nghĩ, việc người bị hại yêu cầu trưng cầu giám định lại thương tật bởi Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an là yêu cầu chính đáng, cần sớm được chấp nhận để vụ việc được giải quyết đúng pháp luật, khiến dư luận tâm phục khẩu phục.

Đọc thêm