Khắc khoải nỗi đau chất độc da cam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiến tranh đã lùi xa 46 năm, màu xanh đã phủ trên những vùng đất đau thương năm xưa. Nhưng trong những gia đình 1, 2 rồi 3, 4 thế hệ đang chịu những cơn đau hoành hành, những gia cảnh kiệt quệ… Nỗi đau chiến tranh vẫn còn đó, hiện hữu trước những đứa trẻ ngây dại và những người mẹ, người cha một đời lo cho những đứa con tật nguyền, đều đã ở tuổi như ngọn đèn trước gió…
Máy bay Mỹ rải chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: NYT
Máy bay Mỹ rải chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: NYT

Trút xuống hơn 80 triệu lít hóa học diệt cỏ có dioxin cực độc

Năm 1961, tình hình chiến sự ở Việt Nam diễn biến theo chiều hướng bất lợi, khiến chính quyền Sài Gòn và quân đội Mỹ, lực lượng không quân hùng mạnh của Hoa Kỳ ngày càng bất lực trước chiến thuật đánh du kích của quân giải phóng. Mỹ quyết định rải chất độc hóa học xuống miền Nam Việt Nam. Các chất diệt cỏ này được tích trữ tại sân bay Biên Hòa, rồi sau đó là sân bay Đà Nẵng, sân bay Phù Cát. Theo bản đồ Ranch Hand, lực lượng Mỹ tại sân bay Biên Hòa rải dioxin ở một số vùng thuộc Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, Bình Dương, Đồng Nai, Sài Gòn, vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Lực lượng ở sân bay Đà Nẵng rải các vùng Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Còn lực lượng ở sân bay Phù Cát rải vùng Tây Nguyên và một số vùng duyên hải miền Trung.

Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về chất độc da cam lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội năm 2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam kêu gọi sự hợp tác, chia sẻ của cộng đồng quốc tế, các nhà khoa học, mỗi quốc gia, từng tổ chức, cá nhân “bằng tiếng nói của khoa học, lương tâm, sự thật” nhằm khép lại quá khứ, hướng tới tương lai không còn chiến tranh, trong đó có những cuộc chiến tranh sử dụng chất độc hóa học. Và để tất cả những nạn nhân của chiến tranh, đặc biệt là những NNCĐDC được hỗ trợ, được trả lại công bằng”.

Ngày 10/8/1961, quân đội Mỹ lần đầu tiên sử dụng máy bay H-34 rải chất hóa học dọc theo lộ 14 thuộc tỉnh Kon Tum, mở đầu cho hành động huỷ diệt tàn bạo kéo dài hơn 10 năm sau đó. Đến tháng 11 cùng năm, Tổng thống Mỹ John Kennedy ra lệnh chính thức tiến hành chiến dịch Ranch Hand.

Theo luận điệu của Mỹ thời điểm đó, thuốc diệt cỏ được dùng để “khai quang”, chỉ có tác dụng làm héo cây, rụng lá và tuyệt nhiên không gây độc hại cho người và vật nuôi, cũng như nguồn nước. Thế nhưng, trong các loại thuốc này có này chứa dioxin - loại chất độc xếp vào hàng nguy hiểm nhất thế giới, không chỉ bởi khả năng gieo rắc cái chết mà nó còn để lại những di chứng cho nhiều đời sau.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin (NNCĐDC) Việt Nam - cho biết: “Từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành hơn 19.000 phi vụ, rải hơn 80 triệu lít hóa học diệt cỏ có chứa chất dioxin cực kỳ độc hại, trút xuống 26.000 làng bản miền Nam Việt Nam, gây thảm họa nghiêm trọng tới môi trường sinh thái và hủy diệt sự sống con người. Hiện có trên 4,8 triệu người Việt Nam đang là nạn nhân di nhiễm chất độc”.

Những nạn nhân chất độc da cam với hàng chục loại bệnh đeo đẳng hành hạ đến nhiều đời con cháu họ. (Ảnh minh họa)

Những nạn nhân chất độc da cam với hàng chục loại bệnh đeo đẳng hành hạ đến nhiều đời con cháu họ. (Ảnh minh họa)

Không chỉ người Việt Nam mà nhiều lính Mỹ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand… từng tham chiến ở Việt Nam trước đây cũng mắc nhiều bệnh tật do phơi nhiễm chất độc da cam. Theo Đô đốc Elmo Zumwalt - nguyên Tư lệnh các lực lượng Hải quân Mỹ ở Việt Nam (1968 - 1970), có ít nhất 2.100 binh sĩ Mỹ bị phơi nhiễm chất độc da cam. Theo Hội Cựu chiến binh thương tật do chất da cam Hàn Quốc, có khoảng 100 nghìn/300 nghìn lượt binh sĩ Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam là nạn nhân, trong đó hơn 20 nghìn người đã chết.

Những đau khổ tận cùng!

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3; hậu quả NNCĐDC đã di nhiễm sang thế hệ thứ 4 khoảng 2.000 người. Rất nhiều gia đình hiện có 2 đến 4 người là NNCĐDC, thậm chí có gia đình cả ba thế hệ là NNCĐDC kiệt quệ trong khốn khó.

Mặc dù từ sau chiến tranh, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chế độ đối với người có công với cách mạng, trong đó có người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH) do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Có hơn 350.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Tuy nhiên, theo Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, một số văn bản quy định, điều chỉnh, hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với NNCĐDC chưa đồng bộ, thống nhất; việc hướng dẫn, triển khai thực hiện còn vướng mắc, nhất là khi NNCĐDC không còn giấy tờ chứng minh từng tham gia chiến đấu ở vùng bị rải CĐHH và bị phơi nhiễm CĐHH, nên không có cơ sở để được hưởng chế độ.

Một số chế độ đối với người bị phơi nhiễm CĐHH chưa phù hợp…, chưa kịp thời bổ sung, chỉnh sửa danh mục bệnh tật, dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm CĐHH đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm CĐHH cho phù hợp với tình hình thực tế…. Chính bởi thế, số người được hưởng chính sách NNCĐDC là con số còn hạn chế trong số 4,8 triệu nạn nhân chất độc da cam. Bởi vậy, Hội mong muốn được sự chung tay của cộng đồng cũng như quốc tế góp sức, xoa dịu phần nào nỗi đau thế kỷ.

Nói về di chứng của chất độc da cam, Giáo sư Vũ Quý - nhà khoa học có hơn 30 năm nghiên cứu hậu quả chất độc dioxin - cho biết: “Không có nỗi đau nào khủng khiếp và nguy hiểm như nỗi đau da cam. Nó đẩy con người vào hoàn cảnh cùng cực. Dioxin là loại chất độc di truyền qua phủ tạng kéo dài, đau đớn hết đời này qua đời khác. Hàng chục loại bệnh nguy hiểm hành hạ người nhiễm, hành hạ đến chết vẫn chẳng buông tha, hành hạ tiếp con cháu của họ. Các thế hệ sau ra đời từ dòng máu của người bố bị nhiễm chất độc da cam càng bi thảm hơn”.

Những nạn nhân chất độc da cam với hàng chục loại bệnh đeo đẳng hành hạ đến nhiều đời con cháu họ. (Ảnh minh họa)

Những nạn nhân chất độc da cam với hàng chục loại bệnh đeo đẳng hành hạ đến nhiều đời con cháu họ. (Ảnh minh họa)

Còn gì đau đớn hơn khi có nhiều gia đình mà tất cả các con đều là nạn nhân. Đó là gia đình ông bà Đỗ Đức Địu, Phạm Thị Nức (thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), sinh 15 người con đều bị nhiễm chất độc da cam, 12 con đã chết và ông dành một khu đất sau nhà để làm nghĩa trang chôn con. Thật xót xa khi những ngôi mộ được đánh dấu thứ tự từ số 1 cho đến số 12...

Đó là những nỗi đau có thể chạm tới như vợ chồng ông Trần Văn Trâm, bà Trần Thị Dần, 72 tuổi, ở thôn Tân Hiệp, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị sinh được 7 người con, trong đó 4 người con bị nhiễm chất độc da cam thuộc thế hệ F1 nhiễm từ chính cha mẹ mình. Khi người con đầu tiên bị bệnh, ông bà vẫn muốn sinh thêm con với mong muốn đứa sau khỏe mạnh, bù đắp cho cuộc sống của gia đình, thêm tiếng cười vui con trẻ. Nhưng càng cố, càng mong muốn sinh con cho lành lặn thì gia đình lại liên tiếp đón những đứa con tật nguyền.

Nỗi đau đớn cứ nhân lên, khi cả bốn con đều không nói được, không đi được bằng hai chân mà phải bò. Mỗi ngày vài lần, cả bốn con lên cơn đập phá đồ và ném đồ vào bố mẹ. Thế rồi, đến nay dẫu bốn người con đều ở độ tuổi từ 30-40 nhưng không thể tự làm được bất cứ việc gì dù là cho bản thân. Bà Trần Thị Dần nghẹn ngào trong nước mắt: “Sinh con ra mà con không biết gọi mẹ ơi. Vất vả lắm, sau này lỡ khi hai vợ chồng già chúng tôi cùng mất đi, chỉ mong Đảng, Nhà nước nuôi giúp mấy đứa con tội nghiệp này”…

Có thể nói, đôi khi những gì chiến tranh để lại sau khi nó kết thúc còn đáng sợ hơn những thứ nó đã cướp đi trong những trận chiến. Đó là những xa lánh của xóm làng thời hậu chiến khi họ chưa biết nhiều về chất độc này. Hàng trăm nghìn người đã chết, những nạn nhân còn sống đang phải vật lộn với các căn bệnh hiểm nghèo.

Chưa hết, di chứng ấy đeo đẳng đến thế hệ con, cháu, chắt của họ. Và những ông bố bà mẹ, những người lính đã từng vào sinh ra tử, đầu tóc bạc phơ, cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, cũng vẫn đau đáu về những đứa con không được làm người trọn vẹn. Nên khi còn sống, là họ còn gắng hết sức bữa rau, bữa cháo cho con để con có hơi ấm gia đình, dẫu lay lắt, vất vả trăm bề…

Không thể bù đắp!

Từ ca đỡ đẻ một em bé khuyết sọ đầu tiên năm 1965 khi mới ngoài 20 tuổi, tôi bắt đầu thu thập các số liệu, chứng cứ, nghiên cứu về tác hại của chất độc da cam với sức khỏe sinh sản của phụ nữ, trẻ em Việt Nam. Qua bao năm, qua hàng chục ngàn trường hợp mẹ phơi nhiễm - con dị tật, chúng tôi đã chứng minh được tác hại của chất độc da cam lên con người Việt Nam là có thật. Dioxin nhiễm vào con người là khó xử lý nhất và chúng tôi đã chứng kiến những di chứng tới thế hệ thứ ba, thứ tư. Về môi trường, Việt Nam có may mắn khi với đặc điểm nhiệt đới nên môi trường dễ tự hồi phục hơn nhu Cần Giờ và các khu trọng điểm Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát… đang được tẩy độc với sự hỗ trợ của Mỹ, coi như một sự đền bù. Nhưng về pháp lý, nhân quyền, công lý, các nạn nhân cần sự công nhận và đền bù xứng đáng hơn. Bởi các nạn nhân Việt Nam (4 triệu người phơi nhiễm, hơn 100.000 trẻ em dị tật), hậu quả vẫn rất nghiêm trọng và không thể bù đắp được…

( Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam)

Đọc thêm