Khắc phục tình trạng tuyên án khó thi hành

(PLVN) -Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả tổ chức thi hành án, trong đó nội dung Bản án, Quyết định của tòa án có một vai trò đặc biệt quan trọng. Một phán quyết đúng, chính xác, rõ ràng là điều kiện vô cùng quan trọng để việc thi hành phán quyết được thuận lợi. Tuy nhiên trong thực tiễn, tình trạng bản án tuyên án khó thi hành vẫn còn khá phổ biến.
Khắc phục tình trạng tuyên án khó thi hành

Nội dung bản án, quyết định tuyên không rõ ràng

Trong thực tiễn, nội dung bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ rất đa dạng, cụ thể như: Không tuyên rõ nghĩa vụ và đối tượng phải thi hành; không xác định rõ người phải thi hành án; không đề cập đến tài sản trên đất tồn tại từ trước khi có bản án; chỉ tuyên xử lý quyền sử dụng đất, không tuyên xử lý tài sản trên đất, tuyên thiếu, không đầy đủ các tài sản có trên đất phải chuyển giao; Tài sản thế chấp không có lối đi, nhiều bản án, quyết định có nội dung không thống nhất dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau...Đối với các bản án này, cơ quan THADS gặp rất nhiều khó khăn khi tổ chức thi hành án, mặt khác còn gây kéo dài vụ việc, lãng phí thời gian, chi phí của Nhà nước và nhân dân. Do đó cần có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa giai đoạn tố tụng và giai đoạn THADS, đảm báo tính khả thi khi tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án.

Trong thực tiễn, có rất nhiều trường hợp bản án tuyên giá trị phải thi hành án lẻ tới hàng đồng. Ví dụ: Bản án của TAND huyện X tuyên:“ Công ty TNHH in HV phải chịu án phí: 49.233.316,2 đồng (Bốn mươi chín triệu hai trăm ba mươi ba nghìn ba trăm mười sáu phẩy hai đồng) án phí dân sự sơ thẩm. 

Việc tuyên án lẻ đồng như trên là rất phổ biến. Đây là một bất cập trong thực tiễn tổ chức thi hành án. Bởi vì Quyết định thi hành án phải ghi rõ số tiền chính xác theo Bản án, Quyết định của tòa án, nhưng khi tổ chức thi hành thì không thể có số tiền lẻ đồng để thu, nộp ngân sách cũng như chi trả cho đương sự như theo quyết định thi hành án và Bản án. Trong khi đó, trong các đơn vị tiền tệ của Việt Nam hiện nay, loại tiền mặt có giá trị thấp nhất được lưu hành là tiền có mệnh giá 100đ (Một trăm đồng), dẫn đến việc ghi biên lai thu tiền và nộp tiền thi hành án trên thực tế là chưa thật sự hợp lý. Do đó cần thống nhất liên ngành Tòa án, THADS về việc làm tròn số tiền phải thi hành để việc tuyên án chính xác, phù hợp và thuận lợi cho việc tổ chức thi hành án. 

Bất cập trong tuyên xử lý vật chứng, tài sản.

Trong thực tiễn, cơ quan THADS thường gặp các trường hợp Tòa án tuyên trả lại các tài sản có giá trị rất nhỏ, ví dụ như một cái quần bò cũ đã qua sử dụng, một cái ví cũ, một cái chìa khóa hay một cái điện thoại cũ không còn sử dụng được...Việc trả lại các tài sản này là rất khó khăn, đặc biệt là khi đương sự là người đang chấp hành hình phạt tù, cá biệt còn có những trường hợp không thể xác định được địa chỉ của người được trả lại do họ chuyển địa chỉ mà không thông báo cho cơ quan THADS, hoặc không thể xác định được trại giam của người được trả lại tài sản. Nhiều trường hợp đương sự không muốn đến nhận do tài sản có giá trị quá nhỏ, nhất là khi họ lại cư trú ở các tỉnh xa với nơi xử án. 

Theo Điểm c Điều 106, Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy. Do đó, đối với những tài sản, vật chứng không có giá trị, giá trị nhỏ hoặc không sử dụng được thì đề nghị Tòa án nên tuyên tiêu hủy đối với vật chứng đó, không nên tuyên trả lại cho bị cáo, nhất là khi bị cáo phải chịu hình phạt tù giam với thời gian dài. Việc thống nhất giữa quá trình xét xử với việc xem xét xử lý các tài sản, tang vật của vụ án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giai đoạn THADS, giảm tải công việc cho các cơ quan THADS , tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí của Nhà nước.

Bên cạnh đó, về việc xử lý các khoản tiền tạm ứng án phí, theo danh mục án phí lệ phí tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án thì mức án phí áp dụng đối với việc tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động không có giá ngạch là 300.000đ . Do đó đối với các trường hợp thuận tình ly hôn hoặc đình chỉ việc dân sự thì mức án phí được tuyên trả lại đương sự thường chỉ từ 150.000đ đến 300.000đ.  Vấn đề đặt ra là số tiền tạm ứng án phí được trả lại có giá trị quá nhỏ dẫn đến nhiều đương sự không đến nhận lại tiền do “ ngại” phải  bỏ thời gian, công sức để lấy lại. Một số trường hợp sau khi ly hôn đương sự chuyển địa chỉ đi nơi khác hoặc không thể xác định được địa chỉ,…. dẫn đến tình trạng cơ quan THADS thông báo rất nhiều lần nhưng đương sự không đến nhận tiền. Trong khi đó, thủ tục để xử lý đối với các trường hợp này mất rất nhiều thời gian. Việc này gây ra không ít khó khăn cho Chấp hành viên và dẫn đến tồn đọng hồ sơ thi hành án. 

Do đó, đề nghị xem xét quy định thống nhất một phương án xử lý chung đối với khoản tiền tạm ứng án phí có giá trị nhỏ (dưới 500.000đ ) thì Tòa án có thể tuyên thu toàn bộ số tiền tạm ứng án phí để sung công quỹ nhà nước, góp phần giảm tải số lượng việc thi hành án cho các cơ quan THADS. Về thời gian làm thủ tục sung công quỹ nhà nước: Đề nghị xem xét rút ngắn khoảng thời gian làm thủ tục sung công quỹ nhà nước đối với số tiền mà đương sự không đến nhận (từ 5 năm xuống còn 1 năm) để tạo điều kiện cho cơ quan THADS có thể nhanh chóng kết thúc hồ sơ thi hành án.

Đọc thêm