Làng phong Quy Hòa trước đây bị xem là thế giới đau khổ của những mảnh đời bất hạnh, sống tách biệt với xã hội bên ngoài. Nhưng giờ đây, sự e ngại với những bệnh nhân phong không còn nữa mà thay vào đó là những tâm hồn đồng điệu, tràn ngập yêu thương và ấm áp tình người. Những mái ấm gia đình ở đây cứ như trong chuyện cổ tích.
Tại đây, hàng trăm bệnh nhân từ khắp nơi đã gặp nhau và thành vợ thành chồng, sinh con đẻ cái. Tình yêu là liều thuốc kỳ diệu giúp họ vượt qua bệnh tật và sống tốt hơn.
Những ngày giáp Tết, cái khác biệt hơn ngày thường ở làng phong Quy Hòa là lác đác những cánh mai vàng khoe sắc bên đường |
Ngồi phía trước nhà vừa giữ cháu nội, vừa kề cạnh để chăm sóc, dìu đỡ vợ mỗi bước đi, ông Trương Hữu Nào (65 tuổi, quê tỉnh Bình Thuận) bảo, ông đã sinh sống ở đây hơn 40 năm kể từ ngày mắc bệnh phong. Tại đây, ông gặp người phụ nữ đồng cảnh ngộ rồi nên duyên chồng vợ. Vợ chồng ông sinh được 2 người con trai lành lặn. Người con trai đầu đã có vợ và hiện ông có một cháu nội. Gia đình 3 thế hệ này đều sống trong căn nhà được Nhà nước hỗ trợ ở làng phong.
“Vợ chồng con trai đầu của tôi được lãnh đạo Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa tạo điều kiện cho làm việc trong bệnh viện, còn đứa con trai sau làm bảo vệ ở trung tâm TP Quy Nhơn. Vợ tôi bị tai biến gần nửa năm nay, giờ bà ấy liệt nửa người, đi lại khó khăn nên lúc nào tôi cũng cận kề để chăm sóc bà ấy”, ông Nào cho biết.
Ông Nào vừa giữ cháu nội vừa kề cạnh để chăm sóc, dìu đỡ vợ mỗi bước đi |
Ngồi bên cạnh chồng, bà Thân Thị Hương (57 tuổi, vợ ông Nào) bảo, năm nào cũng thế, Tết của gia đình cũng như ngày thường thôi chứ không sắm sửa gì. Nếu có thì cũng chậu hoa cho rộn ràng thêm chút không khí xuân. “Ở đây nhà nào cũng vậy, bởi ai cũng nghèo nên tiền bạc đâu mà sắm sửa. Như tôi, nhìn con cháu khỏe mạnh, cười đùa thế này là mãn nguyện lắm rồi”, bà Hương chia sẻ.
Trong khuôn viên làng phong, ông Phạm Văn Khôi (60 tuổi, quê tỉnh Quảng Ngãi) với đôi bàn tay co quắp, chân phải bị tật vẫn đang cặm cụi làm cỏ ở một vòng xoay. Ông bảo mình được Hội đồng bệnh nhân phong Quy Hòa tạo điều kiện để hàng ngày làm cỏ, dọn dẹp ở các hoa viên, vòng xoay làng phong với tiền công 1,5 triệu đồng/tháng. Những ngày cuối năm, ông tranh thủ làm việc để làng phong thêm sạch đẹp, bà con đón năm mới được khang trang.
Những ngày giáp Tết, ông Khôi với đôi tay co quắp vẫn miệt mài làm cỏ để khuôn viên làng phong thêm sạch đẹp |
“Ở nơi khác người ta tất bật lo Tết, chứ ở làng phong này mọi thứ vẫn vậy, chẳng sắm sửa gì cả. Cách đây mấy hôm có đoàn từ thiện vào tặng quà là vài trăm nghìn, hộp bánh, gói kẹo rồi. Các con của tôi đều đã có chồng có vợ và ra ở riêng. Trong nhà giờ chỉ có 2 vợ chồng, còn có sức khỏe là mừng rồi. Dịp Tết, các con cháu về tụ họp cùng ăn bữa cơm ngày đầu năm mới là vui rồi”, ông Khôi tâm sự.
Có lẽ, nơi rộn tiếng nói cười nhất vào dịp cuối năm là ở nghĩa địa làng phong |
Có lẽ, nơi rộn tiếng nói cười nhất vào dịp cuối năm là ở nghĩa địa làng phong. Ở đây, dăm bảy người đang sơn sửa, tảo mộ những phần mộ trong số hơn 1.500 phần mộ ở đây. Các ngón tay ở bàn tay phải co quắp, bàn tay trái trụi lủi nhưng cụ Dương Văn Xê (86 tuổi, quê tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫn cầm cọ sơn mộ cho người thân.
Cụ bảo, dẫu tay, chân không đầy đủ nhưng còn sức khỏe là cứ vào dịp này hàng năm cụ đều đến đây làm cỏ, sơn lại các phần mộ cho người thân. “Mình ăn Tết thì ở thế giới bên kia người thân của mình cũng ăn Tết. Nghèo nhưng đầm ấm, nghĩa tình là vui rồi”, cụ Xê bộc bạch.
Cụ Xê sơn sửa phần mộ người thân để người thế giới bên kia đón Tết |
Theo ông Trần Công Nghĩa - Chủ tịch Hội đồng bệnh nhân phong Quy Hòa, làng phong Quy Hòa có gần 260 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu sinh sống, trong đó có hơn 430 bệnh nhân phong.
Dịp Tết Nguyên đán, bà con làng phong nhận được sự chia sẻ của các tổ chức, đơn vị và nhà hảo tâm; sự quan tâm của chính quyền địa phương, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa. Tết của bà con có phần xôm tụ, ấm áp hơn bởi những phần quà, những câu động viên, lời chúc, cái nắm tay không ngại ngần của các nhà hảo tâm.