Khách du lịch đến Việt Nam sau dịch: Lo ngại mỗi nơi làm một kiểu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo kế hoạch mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, có thể khai thác đường bay quốc tế như thường lệ vào tháng 7/2022 nếu tình hình dịch bệnh vẫn được giữ trong tầm kiểm soát.
 Dự kiến từ tháng 4/2022 sẽ triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh. (Ảnh minh họa)
Dự kiến từ tháng 4/2022 sẽ triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh. (Ảnh minh họa)

Bốn giai đoạn mở cửa đường bay với khách quốc tế

Ở giai đoạn 1, bắt đầu trong quý IV/2021 được tổ chức chuyến bay combo và chuyến bay thí điểm đón du khách quốc tế. Đối với chuyến bay combo (dịch vụ du lịch trọn gói gồm cả vé máy bay, xét nghiệm COVID-19, khách sạn cách ly và chi phí ăn uống), các thị trường được áp dụng bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Úc và các thị trường khác khi có nhu cầu luân chuyển lao động, với điều kiện khách đã tiêm đủ liều vaccine hoặc có chứng nhận khỏi bệnh.

Những chuyến bay này được tổ chức dựa trên cơ sở văn bản đồng ý của địa phương cho tiếp nhận cách ly tập trung có thu phí tại địa phương. Các cảng hàng không được áp dụng gồm Vân Đồn, Đà Nẵng, Cam Ranh và các cảng hàng không khác đáp ứng cơ sở nêu trên. Tần suất khai thác sẽ được quyết định trên năng lực tiếp nhận cách ly của địa phương.

Còn với chuyến bay thí điểm đón du khách quốc tế, không hạn chế thị trường nhưng du khách phải có xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ trước chuyến bay đầu tiên trong hành trình vào Việt Nam, có chứng nhận tiêm chủng với COVID-19,… Tần suất khai thác trung bình tại những địa phương thực hiện thí điểm là 1 chuyến bay/ngày, từ từ tăng lên 2 chuyến bay/ngày.

Trong giai đoạn 2, dự kiến bắt đầu từ tháng 1/2022, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất thí điểm các chuyến bay thường lệ với các đối tượng khách đã “xanh” với COVID-19, mà không cần dựa trên cơ sở văn bản đồng ý cho vào Việt Nam của chính quyền địa phương, trừ các yêu cầu về xuất nhập cảnh và kiểm soát y tế. Thị trường dự kiến áp dụng là Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Úc và các thị trường an toàn khác. Tần suất khai thác ban đầu là 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi hãng hàng không.

Trong giai đoạn 3, dự kiến từ tháng 4/2022, sẽ triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh thông qua cơ chế “hộ chiếu vaccine”. Tần suất tăng lên 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi hãng. Giai đoạn thứ 4, dự kiến từ tháng 7/2022, hãng hàng không được cấp phép bay để mở bán theo nhu cầu và slot được xác nhận. Hành khách được chấp nhận đáp ứng các chứng nhận phù hợp với yêu cầu của cơ quan y tế Việt Nam tại thời điểm áp dụng.

Tránh tình trạng mỗi tỉnh một kiểu

Dự kiến vào khoảng giữa năm 2022 sẽ diễn ra nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến hàng không và du lịch, trong đó có sự kiện Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á 2022 (Routes Asia 2022) mà Đà Nẵng đã được công bố là thành phố đăng cai chính thức. Đây cũng là cơ hội tuyệt vời để thu hút du khách quốc tế và quảng bá du lịch Việt Nam, cũng như có rất nhiều sáng kiến và cơ hội để phục hồi, phát triển ngành du lịch và ngành hàng không trong khu vực cũng như trên thế giới.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho rằng: “Đây là cơ hội quý giá để quảng bá hình ảnh năng động, thân thiện, mến khách của thành phố. Đồng thời cũng là sự kiện xúc tiến các đường bay quốc tế đến Đà Nẵng góp phần phục hồi kinh tế, đặc biệt là du lịch. Với việc đăng cai sự kiện này, Đà Nẵng tiếp tục khẳng định là điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á, là trung tâm phát triển hàng không - du lịch năng động của Việt Nam và khu vực”.

Nhìn chung, phải đến khoảng tháng 7/2022, việc khai thác không hạn chế các chuyến bay quốc tế thường lệ cho khách nước ngoài mới được xem như bình thường trở lại, du lịch quốc tế mới có thể bắt đầu tăng trưởng trở lại như giai đoạn trước dịch. Các cơ sở quan trọng để hiện thực hoá kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế thông qua đường hàng không theo đúng tiến độ chính là khả năng kiểm soát dịch bệnh, tiêm chủng vaccine ở Việt Nam và nhu cầu thị trường khách quốc tế.

Hiện nay, một số hãng hàng không vẫn đang khai thác các chuyến bay thương mại thường lệ chiều đi qua các nước châu Âu, Úc, Nhật, Hàn… chủ yếu với đối tượng khách công vụ hoặc chở công dân về nước. Đây không chỉ là những quốc gia có khả năng kiểm soát dịch bệnh tốt mà còn là những thị trường khách du lịch dồi dào. Vì vậy, các hãng hàng không đề xuất ưu tiên mở lại đường bay đầu tiên chiều về đối với các thị trường trên.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại một số tình huống xảy ra có thể khiến kế hoạch nêu trên khó khả thi. Đầu tiên, đối với du khách, việc quy định phải cách ly và xét nghiệm âm tính với COVID-19 vẫn sẽ cản trở tâm lý đi lại của du khách. Thêm vào đó, khi thực hiện kế hoạch nêu trên phải phân rõ ràng, thống nhất các quy định áp dụng với từng vùng tương ứng với cấp độ dịch, tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu, gây chồng chéo, khó khăn cho các doanh nghiệp và du khách.

Đọc thêm