Khách hàng gửi tiền vào 3 ngân hàng vừa hợp nhất tăng trở lại

Tính đến chiều 8/12, chênh lệch gửi, rút tại 3 ngân hàng hợp nhất chỉ còn hơn 400 tỷ đồng. Số rút chủ yếu các khoản nợ khất, hoãn, giãn của 3 ngân hàng này. Số đáo hạn chiếm phần nhiều, thống kê cho thấy, số đáo hạn khách hàng lại gửi tiếp, vốn gửi mới tăng khoảng 50% so với 7/12...
Chiều 8/12, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) trả lời báo chí về hiện trạng của 3 ngân hàng sắp hợp nhất cũng như vai trò của BIDV tại ngân hàng mới.
Khi xuất hiện thông tin 3 ngân hàng hợp nhất, dư luận không quá sôi sục, song cũng xôn xao. Tình hình thực tế tại các ngân hàng nói trên như thế nào sau khi BIDV tham gia vào?
Ngày 6/12/2011, khi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án hợp nhất của 3 ngân hàng gồm Sài Gòn (SCB), Tín Nghĩa và Đệ Nhất, chúng tôi đã ký kết hợp tác toàn diện, chiến lược với các đơn vị này. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam có nhiệm vụ thay mặt cho Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ chi trả các khoản gửi tiền hợp pháp của người gửi.
Thị trường có xôn xao trong 2 ngày đầu tiên hợp nhất, nhưng đến hôm qua (8/12), cơ bản đã ổn định.
Ngày đầu tiên (6/12), có thể nói, phần gửi và phần rút chênh lệch nhau tương đối lớn, số rút ra lớn hơn số gửi mới khoảng gần 900 tỷ đồng. Nhưng đến ngày 7/12, số rút ra đã giảm khoảng 30%. Sang đến ngày 8/12, tình hình cơ bản ổn định. Tính đến chiều 8/12, chênh lệch gửi, rút chỉ còn hơn 400 tỷ đồng. Số rút chủ yếu các khoản nợ khất, hoãn, giãn của 3 ngân hàng này. Số đáo hạn chiếm phần nhiều,  thống kê cho thấy, số đáo hạn người ta lại gửi tiếp, vốn gửi mới tăng khoảng 50% so với 7/12.
Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà.
Nếu là người có tiền nhàn rỗi gửi tại một trong ba ngân hàng kia, ông sẽ làm gì?
Tôi vẫn tiếp tục gửi, thậm chí kêu gọi cán bộ, nhân viên có tiền nhàn rỗi gửi tiền, vì hợp nhất là hợp vào làm một và được hỗ trợ chi trả thanh khoản, chứ không phải phá sản. Người có tiền gửi hợp pháp vẫn được đảm bảo hoàn toàn về quyền lợi, chi trả.
Khi 3 ngân hàng hợp nhất, BIDV sẽ tham gia quản lý phần vốn của Nhà nước. Vậy tỷ lệ vốn này của Ngân hàng Nhà nước chiếm bao nhiêu % vốn điều lệ của ngân hàng hợp nhất?
Công bố con số cụ thể về tỷ lệ cũng như số vốn Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ cho 3 ngân hàng hợp nhất lúc này là nhạy cảm. Tỷ lệ này bao nhiêu do Ngân hàng Nhà nước quyết định.
Song tôi khẳng định, BIDV chỉ tham gia 2 giai đoạn trước và sau hợp nhất, với tư cách đơn vị thay mặt Ngân hàng Nhà nước quản lý phần vốn tại 3 nhà băng này. Cho nên, dù được giao nhiệm vụ tham gia vào hội đồng quản trị cũng như ban điều hành của ngân hàng hợp nhất, nhưng BIDV không có tỷ lệ sở hữu. Cụ thể hơn, chúng tôi chỉ là đơn vị đại diện phần vốn Nhà nước bỏ ra để quản lý, hỗ trợ, điều hành, xác định mô hình quản trị của ngân hàng hợp nhất, đặc biệt hỗ trợ các biện pháp thu hồi nợ và đánh giá tài sản đảm bảo nợ. Ngay cả bây giờ và sau này, BIDV chỉ thay mặt quản lý phần vốn của Nhà nước.
Hoạt động cụ thể của BIDV trong thời gian tới là như thế nào?
Trước mắt, BIDV sẽ thay mặt Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ chi trả các khoản gửi tiền hợp pháp của người dân. Nguyên nhân là trước đó, cả 3 nhà băng nói trên đều bị mất thanh khoản tạm thời do dùng vốn ngắn hạn, vốn liên ngân hàng để cho vay các khoản tín dụng, đầu tư trái phiếu dài hạn. Ưu tiên số một là tiền gửi dân cư. Tất cả những người gửi tiền hợp pháp tại 3 ngân hàng này đều được đảm bảo về quyền lợi.
Riêng thị trường liên ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đang kêu gọi sự tương thân tương ái từ các ngân hàng thương mại bằng cách gia hạn nợ cho các khoản nợ của 3 ngân hàng nói trên.
Về phía người đại diện vốn Nhà nước, chúng tôi đã cử 22 cán bộ chủ chốt, có kinh nghiệm trực tiếp vào 3 ngân hàng trên tinh thần hợp tác, để khảo sát thực trạng mô hình mạng lưới, cấu trúc sở hữu và đánh giá bước đầu chất lượng toàn bộ tài sản có, tài sản nợ, các khoản đầu tư trái phiếu, cổ phiếu cũng như cấp tính dụng, tính hợp pháp hợp lệ của người vay vốn, tình hình tài chính… Dự kiến việc đánh giá này sẽ kết thúc vào 25/12, sau đó sẽ có báo cáo về những vấn đề cần lưu ý trong quản trị và điều hành lên Ngân hàng Nhà nước.
Ông có thể chia sẻ về hướng phát triển ngân hàng hợp nhất?
Điều này tùy thuộc hoàn toàn vào việc sau khi hợp nhất, nghị quyết họp đại hội đồng cổ đông của ngân hàng hợp nhất như thế nào. Tuy nhiên, khi tham gia hội động quả trị, chúng tôi cũng sẽ có tiếng nói. Nhưng dù thế nào, khi hợp nhất, ngân hàng cũng phải tuân thủ luật pháp, nhanh chóng đáp ứng các chỉ số an toàn như yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Sau đó sẽ là tập trung giải quyết nợ, đánh giá giá trị thực của tài sản đảm bảo nợ rồi kiến nghị đưa ra mô hình quản trị mới tiệm cận với thế giới. Song chắc chắn, ngân hàng hợp nhất sẽ hoạt động lành mạnh hơn, và tăng trưởng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Nói như thế, BIDV sẽ được gì, mất gì trong thương vụ hợp nhất ngân hàng này?
Là ngân hàng thương mại Nhà nước, chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ chính trị được Ngân hàng Nhà nước tin tưởng giao trong bước đầu của quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng. Tham gia với vai trò đại diện vốn Nhà nước, BIDV sẽ theo dõi toàn bộ khoản vốn hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước về thanh khoản dành cho ngân hàng hợp nhất được theo dõi hạch toán riêng, nhưng không ảnh hưởng đến tài chính, bảng cân đối kế toán, thu chi của BIDV. Chúng tôi cũng chỉ cử cán bộ có kinh nghiệm để hỗ trợ. Nếu được, chắc được một ít về “thương hiệu” (cười)
Ông có nói là BIDV sẽ tham gia vào nhân sự của ngân hàng mới sau khi hợp nhất. Vậy người của BIDV có giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị hay tổng giám đốc hay không?
Không. Nhưng sẽ đảm nhiệm các chức danh như phó chủ tịch hội đồng quản trị, phó tổng giám đốc thường trực và tham gia vào các thành viên chuyên trách của ban kiểm soát, một số nhân sự ở các phòng, ban quan trọng.
Bao lâu nữa thì ngân hàng hợp nhất ổn định hoạt động?
Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian dự kiến khoảng 1 năm. Quá trình tái cơ cấu ngân hàng sẽ kéo dài 3 năm.
Theo VnExpress

Đọc thêm