Khai giảng lớp văn bằng 2 ngành luật cho cán bộ, công chức, viên chức Đà Nẵng

(PLVN) - Tối ngày 13/6, Trường Đại học luật Hà Nội phối hợp với Sở Nội vụ TP Đà Nẵng và Trường Chính trị thành phố tổ chức khai giảng lớp đào tạo văn bằng 2 ngành Luật cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP Đà Nẵng.

Lễ khai giảng có sự tham dự của ông Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng trường Đại học luật Hà Nội; ông Nguyễn Đình Thuận, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường Chính trị thành phố, ông Lê Phú Nguyện, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng…, cùng 57 học viên là cán bộ, công chức viên chức thuộc TP Đà Nẵng.

Theo ông Võ Văn Khoa, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường Chính trị TP Đà Nẵng, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn TP Đà Nẵng nâng cao trình độ hiểu biết về pháp luật phục vụ cho công việc, cuộc sống, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của TP Đà Nẵng nói riêng, của cả nước nói chung, Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND (ngày 3/1/2024) về đào tạo văn bằng đại học thứ 2 ngành Luật cho cán bộ công chức, viên chức thuộc TP Đà Nẵng.

Việc đào tạo văn bằng đại học thứ hai ngành Luật là rất cần thiết nhằm chuẩn hóa trình độ pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức TP Đà Nẵng và đây là nhiệm vụ quan trọng trong cải cách hành chính và tư pháp.

Trước đó, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tiếp nhận hồ sơ của 57 thí sinh TP Đà Nẵng tham dự xét tuyển vào ngành Luật, trình độ đại học, hình thức đào tạo vừa làm vừa học đối với người đã có bằng đại học. Hồ sơ của 57 thí sinh bảo đảm đầy đủ các điều kiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh.

TS. Nguyễn Triều Dương, Trưởng Phòng Đào tạo Đại học Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết, việc xét tuyển được thực hiện nghiêm túc, đúng Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định của Trường. Trước khi trình Hội đồng tuyển sinh, Ban thư ký đã kiểm tra tính hợp lệ của các hồ sơ đăng ký dự tuyển. Hội đồng tuyển sinh đã họp vào ngày 24/5/2024 để xét tuyển và công nhận trúng tuyển cho 57 thí sinh theo Quyết định công nhận trúng tuyển số 1073/QĐ-ĐHLHN ngày 24/5/2024 của Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội.

TS. Nguyễn Triều Dương, Trưởng Phòng Đào tạo Đại học Trường ĐH Luật Hà Nội, cho biết, việc xét tuyển được thực hiện nghiêm túc, đúng Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định của Trường

Hồ sơ của 57 thí sinh bảo đảm đầy đủ các điều kiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh.

Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh đại học luật hình thức đào tạo vừa làm vừa học năm 2024, Trường Đại học Luật Hà Nội đã xét tuyển Khóa 1 văn bằng đại học thứ hai, hình thức đào tạo vừa làm vừa học đối với người đã có bằng đại học (2024 - 2027) mở tại Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng.

Khi có Quyết định công nhận trúng tuyển, Trường Đại học Luật Hà Nội đã phối hợp với Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng tiến hành việc nhập học cho các thí sinh. Lớp bắt đầu học theo thời khóa biểu từ ngày 13/6/2024.

Trước đó, ngày 21/9/2023, tại kỳ họp chuyên đề, HĐND TP Đà Nẵng thông qua dự thảo Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo văn bằng đại học thứ hai ngành Luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố.

Thành phố dùng ngân sách để trợ cấp 50% học phí (không bao gồm phí phát sinh do học lại, thi lại) cho người học. Sau khi tốt nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải cam kết làm việc ít nhất 2 năm tại cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc thành phố quản lý; nếu tự ý bỏ học hoặc không được cấp bằng tốt nghiệp thì không được nhận trợ cấp.

Các đại biểu và học viên tham gia Lễ khai giảng lớp văn bằng 2 ngành Luật

Theo UBND TP Đà Nẵng, việc đào tạo văn bằng đại học thứ hai ngành Luật là rất cần thiết nhằm chuẩn hóa trình độ pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong cải cách hành chính và tư pháp.

Đến tháng 6/2023, số cán bộ, công chức, viên chức đào tạo chuyên ngành Luật đang công tác ở Đà Nẵng chỉ chiếm khoảng 4% (998 người). Qua đánh giá của UBND TP Đà Nẵng, đội ngũ pháp chế chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng pháp luật, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương. Một số cán bộ, công chức, viên chức pháp chế chưa có kinh nghiệm chuyên môn.

Đội ngũ làm công tác chuyên môn thì trình độ pháp luật chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ, dẫn đến tình trạng tham mưu ban hành một số văn bản hoặc áp dụng pháp luật vào thực thi công vụ chưa sâu sát, chưa phù hợp thực tiễn, không ít trường hợp sai phạm.

Đọc thêm