Khám phá Bảo Sơn tự

(PLO) - Nằm ở nơi u tịch, ba mặt đều giáp sông, núi, cộng với lối  đi độc đạo đã tạo cho chùa một “thương hiệu” độc đáo -“vắng như chùa Bà Đanh”. Nhưng cũng chính cái tên của ngôi chùa đã thu hút rất nhiều khách tham quan du lịch khi đến với ngôi chùa nhìn ra con sông Đáy hiền hòa
Khám phá Bảo Sơn tự
Truyền thuyết về Phật Man Nương
Từ TP.Phủ Lý rẽ vào quốc lộ 21, đến cầu treo Cấm Sơn du khách sẽ nhìn thấy ngôi chùa nằm thấp thoáng hiện ra sau  những bóng cây. 
Chùa Bà Đanh có tên chữ là Bảo Sơn tự, là di tích lịch sử cấp quốc gia tiêu biểu của huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Chùa nằm bên cạnh núi Ngọc (thôn Đanh Xá , xã Ngọc Sơn) nổi tiếng thơ mộng và linh thiêng. Có lẽ cũng bởi ngôi chùa được xây dựng ba mặt đều là núi sông, cây cối rợp bóng, lối đi độc đạo đã khiến cho quang cảnh ở đây càng thêm thâm nghiêm, ít người qua lại. 
Lịch sử chùa Bà Đanh gắn liền với nhiều truyền thuyết kì lạ, trong đó có tích về Phật Man Nương, vốn lưu truyền rộng rãi ở các tỉnh ven Đồng bằng Bắc Bộ.
Hàng cây rợp bóng mát hai bên đường vào chùa
Hàng cây rợp bóng mát hai bên đường vào chùa 
Người dân địa phương lưu truyền rằng: trước đây, ở vùng này luôn gặp mưa to, gió lớn nên việc sản xuất gặp nhiều khó khăn, mùa màng thất bát gây ra cảnh đói kém triền miên. Một đêm nọ, có cụ cao niên trong làng nằm mộng thấy một người con gái xinh đẹp, đoan trang, khuôn mặt phúc hậu, hiện ra nói rằng: Ta được thần cho về đây để chăm nom và dạy bảo dân chúng làm ăn, đồng thời chỉ khu rừng đầu làng làm nơi dựng chùa. Nơi ấy bấy giờ là vạt rừng rậm rạp có nhiều cây cổ thụ, sát bờ sông là một hòn núi nhỏ, nhô mình ra mặt nước.
Đến một ngày, có một khách thập phương tìm đến chùa nói rằng mình làm nghề tạc tượng và được báo mộng đến đây. Người khách tả hình dáng và dung nhan người con gái đã báo mộng thì thấy giống hệt vị thần đã báo mộng cho cụ già trong làng. 
Cổng chính của ngôi chùa
Cổng chính của ngôi chùa 
Năm ấy gặp mùa mưa lũ, nước sông dâng cao. Tạc tượng gần xong thì dưới bến nước trước chùa có vật lạ nửa nổi, nửa chìm. Vật lạ này không trôi theo dòng nước, người dân đẩy ra mấy lần lại thấy trôi trở lại. Thấy chuyện lạ, dân làng vớt lên xem thì đó là một cái ngai bằng gỗ bèn rước ngay vào chùa. Thật lạ lùng, pho tượng tạc xong thì đặt vừa khít vào ngai. Từ đó trong vùng mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, tiếng đồn Thánh Bà Bảo Sơn linh ứng lan truyền khắp nơi, khách thập phương về lễ rất đông. 
Chùa Bà Đanh không còn vắng khách
Lý giải về cách gọi “vắng tanh như chùa Bà Đanh” có nhiều câu chuyện khá kì bí. Nhưng thuyết phục hơn cả có lẽ là lý do chùa ba phía đều giáp sông, gần núi, lối đi um tùm rậm rạp…
Giờ đây, đường vào chùa đã được trải nhựa phẳng lỳ, hai bên đường là những hàng cây rợp bóng mát. Khách thập phương đến lễ chùa ngày càng nhiều, bởi vậy cách gọi “vắng như chùa Bà Đanh” dường như đã lùi vào dĩ vàng.
Các ban thờ được thiết kế khá tinh xảo
Các ban thờ được thiết kế khá tinh xảo 
Muốn vào được chùa, du khách phải đi qua bậc tam cấp được xây dựng khá uy nghi. Chùa là một khối kiến trúc liên hoàn, gồm nhà bái đường, nhà thượng điện, nhà trung đường, nhà thờ Tổ mẫu…. Đặc biệt, chùa Bà Đanh thuộc dòng Phật giáo Đại Thừa nên có những nét riêng rất cổ kính. 
Lễ hội chùa Bà Đanh được tổ chức từ ngày mùng 9 đến 11 tháng 2 âm lịch  hàng năm. Ngoài những nghi thức tế lễ truyền thống, chùa còn tổ chức lễ tế cầu an, rước kiệu và các trò chơi dân gian như chọi gà, cờ người, bơi chải, đua thuyền, kéo co.  
Chùa Bà Đanh luôn hứa hẹn là điểm du lịch tâm linh đầy bí ẩn đối với mỗi du khách khi đặt chân đến đây. Sau khi hành lễ, du khách có thể đến núi Ngọc cách đó chừng 100m về hướng Bắc để thưởng ngoạn khung cảnh của thành phố./.

Đọc thêm