Khám phá đấu trường Hổ Quyền “độc nhất” thế giới nơi cố đô Huế

(PLVN) - Gần 200 năm trước vua Minh Mang cho xây Hổ Quyền nhằm tổ chức các trận tử chiến giữa voi và hổ. Đây là một công trình độc đáo không chỉ ở Việt Nam mà còn phạm vi trên toàn thế giới, không nơi nào có được.
Cổng vào trong Hổ Quyền vẫn vững chắc dùng đã tồn tại 192 năm.

Độc đáo

Huế vốn nổi tiếng với nhiều di tích, kiến trúc độc đáo, quý hiếm; trong đó có đấu trường Hổ Quyền nằm ở phía Tây, cách trung tâm thành phố tầm 4km (thuộc tổ dân phố 1, Trường Đá, phường Thuỷ Biều). Năm 1998, công trình này đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.

Nhiều tài liệu cho rằng, Hổ Quyền dù không thể sánh bằng đấu trường La Mã (Italia) nổi tiếng nhưng đây được xem là công trình có kiến trúc độc đáo không chỉ của Việt Nam mà còn cả trên thế giới, thuộc dạng cực hiếm.

Bà Lê Thị An Hòa (Trưởng phòng nghiên cứu Khoa học - Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế) cho biết: “Được gọi là đấu trường Hổ Quyền bởi vì đây là một đấu trường mà bên trong có 5 chuồng nuôi hổ. Trước trận đấu, hổ trong chuồng đó đi ra, còn voi sẽ được đưa từ bên ngoài vào. Ngày xưa và hiện tại chỉ có duy nhất một đấu trường voi hổ tại Việt Nam. Trên thế giới chỉ có đấu trường bò tót, không có đấu trường nào voi hổ như thế này”.

Hổ Quyền được cấu trúc khá đơn giản nhưng rất chắc chắn. Vật liệu xây bằng gạch vồ, đá thanh và vôi vữa tốt, cho nên ngày nay đấu trường vẫn còn khá nguyên vẹn. Nhìn từ trên cao, nơi này có hình tròn như lòng chảo, với hai bức tường tròn đồng tâm bề thế bao quanh. Hai tường thành được xây lần lượt ngoài cao 4.75 m, vòng trong cao 5.9 m, nghiêng góc 15 độ tạo thế vững chãi. Phía Bắc đấu trường có một cánh cửa lớn, với thiết kế 2 lá. Phía trên cửa có ghi “Hổ Quyền” là nơi hổ, voi được đưa vào trường đấu.

Ở hai phía trái, phải của cửa chính, có hai lối đi với 24 bậc thang dẫn lên khán đài. Theo nghi thức, bên trái dành cho vua và các hoàng thân quốc thích, đại thần. Bên còn lại dành cho quan chức và binh lính.

Trên khán đài, chỗ ngồi của vua sẽ ở phía Bắc. Khu vực này được xây cao và rộng hơn khán đài bình thường. Đối diện nơi vua ngồi là 5 chuồng cọp và hệ thống các cửa gỗ được đóng mở bằng các thanh gỗ to làm đòn bẩy, kéo dây từ trên xuống. Sân đấu là trọng tâm, được thảm cỏ xanh.

Hổ Quyền đầu thế kỷ XX (Ảnh: Delcampe.net).

Một cán bộ trông coi di tích Hổ Quyền đánh giá: “Xét về mặt kiến trúc thì Hổ Quyền không độc đáo, nhưng xét về giá trị lịch sử thì không có triều đại nào ở Châu Á có được đấu trường như nước mình, kể cả các nước lớn như Trung Quốc hay Nhật Bản”.

Tống Thị Nguyệt (85 tuổi, thôn Trường Đá, phường Thủy Biều) nói: “Bố từng kể cho tôi nghe là ngày xưa đường ở đây to và đẹp lắm. Vua thường đi lên đây bằng thuyền, khi cập bến, sẽ được quân lính đưa lên đấu trường bằng kiệu để xem đấu voi hổ. Nghi thức tổ chức trận đấu giữa voi và hổ tại Hổ Quyền rất trang trọng. Xung quanh đấu trường có bày nghi trượng, cờ lọng. Binh lính cầm khí giới cung kính đứng hai bên đường trải sẵn chiếu hoa để chào đón nhà vua. Người dân cũng được lên đứng phía trên khán đài để thưởng thức”.

Voi luôn thắng hổ?

Theo các nhà nghiên cứu, thời Minh Mạng, nhân lễ Tứ tuần Đại khánh (mừng thọ vua 40 tuổi vào năm 1829), vua ngự thuyền rồng xem một trận thư hùng giữa voi và hổ ở bên bờ bắc sông Hương. Trong khi giao đấu, “chúa sơn lâm” bất ngờ bứt được dây trói, nhảy xuống sông, lao về phía thuyền rồng. Nhà vua hốt hoảng nhưng cũng may quan quân vệ binh dùng sào, vũ khí đẩy lùi được thú dữ. Sau trận đấu này, vua Minh Mạng mới xuống chiếu cho xây dựng Hổ Quyền vào năm sau (1830).

Dưới triều Nguyễn, những trận tử chiến giữa voi và hổ thông thường mỗi năm tổ chức một lần và voi luôn thắng hổ. Trận đấu cuối cùng diễn ra ở Hổ Quyền vào năm 1904 thời vua Thành Thái.

Hồ Quyền nhìn từ trên cao

Một cán bộ từng gắn bó nhiều năm với di tích Hổ Quyền chia sẻ: “Theo quan niệm thì voi đại diện cho cái thiện, cho sức mạnh của nhà vua. Hổ đại diện cho cái ác. Ác thì không bao giờ thắng được thiện, cũng như vua là thượng tôn và có đầy sức mạnh, cho nên bằng giá nào voi cũng phải thắng hổ”.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, để đảm bảo voi luôn thắng, trước mỗi trận đấu, người ta thường bỏ đói hổ mấy ngày, trong khi voi được cho ăn uống, chăm sóc đầy đủ. Thậm chí, người ta phải cột hổ lại, bẻ nanh rồi tuốt hết móng chân. Trong cuộc chiến không cân sức đó, hổ chắc chắn sẽ thất bại.

Để bảo tồn, tu bổ di tích độc đáo này, tỉnh Thừa Thiên Huế đang lên những kế hoạch cụ thể. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Huế, đơn vị này đã tiến hành đo đạc, kiểm đếm số lăng mộ phải giải phóng mặt bằng trong khu vực gần 5 ha ở cụm di tích Hổ Quyền - Voi Ré (nằm cạnh Hổ Quyền).

Sau khi giải phóng mặt bằng, khu vực này sẽ tạo cảnh quan với hệ thống cây xanh, bãi đỗ xe để phục vụ việc tham quan; tổng mức đầu tư dự kiến hơn 94 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 54 tỷ đồng, chi phí đầu tư xây dựng hơn 40 tỷ đồng.

“Hổ Quyền là đấu trường còn tương đối nguyên vẹn, cũng là đặc trưng của Việt Nam nên UBND tỉnh đã có chủ trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để chỉnh trang lại, phát huy giá trị di sản. Hiện nay, chúng tôi đã phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu và đang hoàn thành các thủ tục để tiến hành thực hiện làm hạ tầng. Sau khi làm hạ tầng xong sẽ di dời 42 hộ bị ảnh hưởng, thu hồi đất để bố trí tái định cư. Khi thực hiện xong thì sẽ đảm bảo cảnh quan, phục vụ phát huy giá trị di sản của khu vực này”. ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Qua gần 200 năm tồn tại, dù đã có dấu hiệu xuống cấp nhưng di tích Hổ Quyền hiện vẫn còn khá nguyên vẹn về cấu trúc. Những năm gần đây, Hổ Quyền được nhiều du khách biết đến và đã đến tham quan, tìm hiểu…

Đọc thêm