Khám phá đệ nhất thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng

(PLVN) - Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) từng bỏ nhiều công sức để nghiên cứu về Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình và đã phải thừa nhận rằng: Mức độ đa dạng sinh học nơi đây thuộc hàng cao nhất thế giới.
Phong Nha – Kẻ Bàng sở hữu mức độ đa dạng sinh học đứng đầu thế giới

VQG Phong Nha - Kẻ Bàng nằm ở khu vực Tây Bắc tỉnh Quảng Bình, dọc trên biên giới Việt – Lào với diện tích vùng trung tâm là 119.324ha và 217.674ha vùng đệm. Vườn nằm trong địa phận của 13 xã thuộc 3 huyện: Minh Hóa, Bố Trạch và Quảng Ninh.

Từ  năm 2003, UNESCO đã công nhận Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới ở tiêu chí địa chất địa mạo. Đến năm 2015, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc này tiếp tục công nhận Vườn này là Di sản thiên nhiên thế giới lần 2 với các tiêu chí: hệ sinh thái và đa dạng sinh học.Cùng với đó, nhiềuhãng thông tấn, báo chí quốc tế lớn như: The New York Times, The Guardian, The Mirror, The Huffington Post... và hơn 50 tạp chí trên thế giới đã liê tục có các bài viết ca ngợi.

Vườn quốc hang động

Theo khảo sát của giới địa lý, khối núi đá vôi Phong Nha rộng lớn đến 10.000 km2, nằm vắt trên dãy Trường Sơn và có thể khẳng định là khối núi đá vôi khổng lồ nhất bán đảo Đông Dương với độ cao trung bình 800m. Sừng sững nhất là “ngọn tháp cổ” - đỉnh Phu Etva (1.512m). Các nhà khoa học đã lý giải rằng, cách đây hơn 460 triệu năm, những quả đồi bát úp nằm sâu dưới đáy biển đã tạo nên sinh cảnh đặc thù cho Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng.

Khung cảnh kỳ vĩ trong lòng hang Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới. 

Hai khoáng chất hoà tan là canxi và cacbon trong vỏ sinh vật biển, kết hợp tự nhiên với nước biển tạo thành một khoáng chất mới là canxi cacbonat. Trải qua hàng trăm triệu năm kiến tạo địa chất của vỏ trái đất đẩy những lớp trầm tích này nhô lên từ đáy biển và tạo thành những núi đá vôi sừng sững tại Phong Nha.

Nước mưa thấm vào những kẽ nứt, khe hở của đá vôi, theo trọng lực chảy xuống cho đến khi gặp tầng phân lớp trầm tích thấp hơn. Quá trình này tiếp diễn không ngưng nghỉ, làm mòn để những khe nứt trở nên rộng hơn và hình thành ra những hang động khổng lồ. Rồi cũng chính nhờ nước khi gặp vật cản trong quá trình lưu thông sẽ để lại những khoáng chất bên trong tại một điểm. Quá trình này diễn ra bền bỉ liên tiếp đã tạo nên những khối thạch nhũ lớn nhỏ, đủ hình hài.Tất cả đó dần tạo nên những kỳ quan tráng lệ như hang Sơn Đoòng, động ướt Phong Nha, động khô Thiên Đường, hang Én, hang Hổ…

 Hố sụt Kong Collapse trong hang Hổ - hệ thống hang động lớn thứ 4 thế giới.

Đến hiện tại, chưa ai có thể tính đếm được hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng dừng lại ở con số bao nhiêu. Riêng số lượng con người đã ghi nhận và khảo sát được đến năm 2020 đã là 417 hang động. Tất cả đó sẵn sàng làm say đắm những ai muốn khám phá địa mạo, địa chất…

Tất cả đều lộng lẫy, kỳ vĩ như những tác phẩm điêu khắc bằng nhũ đá từ một bàn tay màu nhiệm tạo ra. Từ các dữ liệu khảo sát cho thấy, chưa một nơi nào trên thế giới có nhiều hệ thống hang động đồ sộ, kỳ vĩ và tráng lệ như ở Di sản thiên nhiên thế giới này.

Nổi bật trong số đó là Sơn Đoòng, được hình thành khoảng 2 - 5 triệu năm trước, khi nước sông chảy ngang qua vùng đá vôi đã bị vùi lấp dọc theo một đường đứt gãy. Nước làm xói mòn và tạo ra một đường hầm khổng lồ trong lòng núi. Có nơi trần hầm sụp xuống, tạo thành những lỗ hổng, hình thành những vòm hang khổng lồ.

 Thế giới sắc màu lộng lẫy và kỳ ảo trong động Phong Nha.

Hang có chiều rộng 150m, cao hơn 200m, dài ít nhất 5km. Trong hang các nhà nghiên cứu còn tìm thấy một dòng sông ngầm dài 2,5km và có cả những cột nhũ đá cao tới 70m. Chiều dài có thể còn sâu hơn nữa, tuy nhiên do điều kiện kỹ thuật giới hạn, các nhà thám hiểm không thể đi hết chiều sâu để xác định hang này dài sâu bao nhiêu.

Một bức ảnh lộng lẫy do nhiếp ảnh gia Carsten Peter chụp vào tháng 5/2010 ghi nhận một đoạn có vòm hang cao 243,84m – đủ sức chứa một tòa nhà cao 40 tầng ở New York (Mỹ). Và Sơn Đoòng đã làm cuộc “lật đổ” ngoạn mục, vượt qua hang Deer ở VQG Gunung Mulu (Malaysia) để trở thành hang động tự nhiên lớn nhất thế giới. Sơn Đoòng hiện là viên ngọc vô giá của du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng và tỉnh Quảng Bình nói chung. Các tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới xếp hạng hang này có trong top 10 điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh.

“Siêu” vườn quốc gia 

Trong cuốn Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn (do Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam biên soạn) khẳng định: VQG Phong Nha - Kẻ Bàng có hệ tự nhiên đa dạng nhất trong tất cả các VQG và khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Thực vật trên núi đá vôi là dạng thực vật điển hình của Phong Nha - Kẻ Bàng. Rừng nhiệt đới ở đây thường thường xanh, ẩm, rậm cao 800m so với mặt biển, tỷ lệ che phủ đến 96,2%, rừng nguyên sinh chiếm đến 92,2%. VQG này có các loại thực vật đặc trưng: nghiến (Burretio-dendron hsienmu), chò đãi (Annamocarya spp.), chò nước (Plan tanus kerii), sao (Hopea spp.), dầu ke, dầu đọt tím…

Kỳ lạ loài chuột đá Lào tưởng chừng đã tuyệt chủng 11 triệu năm trước vẫn tồn tại  trong rừng Phong Nha. 

Thực vật có mạch nơi đây gồm 876 loài thuộc 152 họ, 511 kiểu gen. Trong đó, có 38 loài đứng trong Sách Đỏ Việt Nam, 25 loài có trong Sách Đỏ thế giới và 13 loài đặc hữu Việt Nam. Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật của VQG này nghiên cứu và tiếp tục phát hiện thêm 1.320 loài thực vật (có nhiều quần thể thực vật lớn, đặc biệt quý hiếm).

Về hệ động vật, đây là nơi sinh sống của 140 loài thú thuộc 31 họ và 10 bộ. Nổi bật nhất là hổ và bò tót (loài bò rừng lớn nhất thế giới); 132 loài chim (43 loài trong Sách Đỏ Việt Nam và 19 loài trong Sách Đỏ thế giới); 81 loài bò sát lưỡng cư (18 loài trong Sách Đỏ Việt Nam và 6 loài trong Sách Đỏ thế giới); 295 loài bướm; 72 loài cá (4 loài đặc hữu của Việt Nam). Cộng đồng linh trưởng ở Phong Nha – Kẻ Bàng phong phú bậc nhất Đông Nam Á với 10 loài (7 loài trong Sách Đỏ Việt Nam, đặc biệt là Voọc Hà Tĩnh).

Bọ cạp Thiên Đường- loài mới được phát hiện trong hệ sinh thái Phong Nha - Kẻ Bàng 

Bên cạnh đó, nhiều loài động, thực vật mới đã được phát phát hiện như hai loài bọ cạp mới là bọ cạp ở động Thiên Đườngvà bọ cạp ở động Tiên Sơn. Hai loài bọ cạp này thuộc họ Pseudochactidae, được xếp vào loại quý hiếm trên thế giới khi thích nghi được với điều kiện sống trong hang động không ánh sáng. Ngoài ra, còn có chim chích trên núi đá, dương xỉ trong hang động…

 Năm 2005, các nhà khoa học đã phát hiện sự xuất hiện của 5 loài thực vật mới, nguy cơ tuyệt chủng cao (bách xanh đá, lan hài đốm, lan hài xanh, lan hài xoắn, thu hải đường) và 10 loài cá mới, 1 loài cá lạ có thể bơi ngược thác mạnh, 4 loài bò sát (tắc kè Phong Nha, rắn mai gầm Thành, rắn lục Trường Sơn, thằn lằn tai); tái phát hiện sau 50 năm loài rắn lục sừng…

Phong Nha - Kẻ Bàng luôn là miền đất chứa đựng nhiều điều mới mẻ, kỳ lạ để khám phá, trải nghiệm

Đặc biệt nhất, chuột đá Lào - loài được khẳng định là đã tuyệt chủng 11 triệu năm trước– đã được Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) và một nhóm điều tra Việt Nam phát hiện chúng vẫn sống trong rừng Phong Nha.

Rồi tiếp đó là loài ếch giun mới có tên khoa học Ichthyophis chaloensis sp.nov.đã được công bố vừa qua… Tất cả đó là những bí ẩn cần được khoa học thế giới công nhận và khẳng định cho Phong Nha - Kẻ Bàng.

Đọc thêm