Khám phá ngôi mộ Thiên Táng cuối cùng ở Việt Nam

Trên vùng Cao Nguyên đất đỏ thậ khó tin khi vẫn  còn một ngôi mộ thiên táng, mang theo nhiều câu chuyện khó tin về một tập tục lạ kỳ của bản làng này.

Trên vùng Cao Nguyên đất đỏ thậ khó tin khi vẫn  còn một ngôi mộ thiên táng, mang theo nhiều câu chuyện khó tin về một tập tục lạ kỳ của bản làng này. 

Ngôi mộ thiên táng cuối cùng

Cách thành phố Kon Tum chừng 120 km về hướng Bắc, chúng tôi đi dọc theo con đường Trường Sơn cũ thì đến được trung tâm huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum. Đi tiếp khoảng 20km với rất nhiều đèo, rồi sau đó vào làng Đắk Ung, xã Đắk Roong, huyện Đắk Glei, Kon Tum là nơi chúng tôi cần tìm.

Ngôi mộ Thiên táng cuối cùng tại Việt Nam.

Dưới cái nắng tháng 3 gay gắt, cộng với những đợt gió Lào ngột ngạt của nơi này, chúng tôi vào Đồn Biên phòng 679, thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum để nhờ người dẫn đến ngôi mộ Thiên táng.

Dẫn đường cho tôi là Trung sĩ A Minh. Đường vào ngôi mộ rất gần, nhưng cỏ cây mọc um tùm chặn hết các ngả, A Minh phải dùng dao phát dọn dẹp lối đi. Nét lo lắng luôn hiện lên khuôn mặt người lính trẻ. A Minh kể:

Ở đây không ai dám một mình vào khu này vì ai cũng sợ ma. Dân làng tin rằng nơi này có rất nhiều linh hồn người chết. Vào gần tới nơi, A Minh không dám phát cây nữa vì theo tục lệ thì không ai được quấy rầy giấc ngủ của người chết vì như thế họ sẽ bắt tội.

Lúc này không thể khác là tôi lại phải tự tay phát cây để tiếp cận với ngôi mộ. Chiếc quan tài chôn người chết được đục nguyên từ một cây gỗ Hương, một loại gỗ tốt trong rừng, nắp được đậy cũng bằng gỗ của cây này, phía trên mái được lợp tôn (có thể do sợ mưa nắng làm hư, mục lớp áo).

Ngôi mộ thiên táng này nằm trên mặt đất với độ cao chừng 45cm, giá đỡ là 5 cây trụ gỗ đóng ghép với quan tài và một trụ chính giữa được chôn xuống đất. Xung quanh không thấy có chút nhang khói nào dành cho người chết cả.

Mang thắc mắc, tôi hỏi A Minh tại sao người đồng bào lại phải chôn người chết như thế này? Minh chia sẻ: Em cũng không biết tại sao bản làng lại làm thế, chỉ nghe ông em nói rằng trước đây nơi này là rừng rậm, cây cối mục um tùm, ngày đó các ngôi mộ được treo lên cây cao chứ không phải là để gần mặt đất như ngôi mộ này. Vậy tại sao bây giờ không còn ngôi mộ nào trên cây nữa? Minh lắc đầu không biết.

 Sau khi được tiếp cận và nhìn ngắm ngôi mộ, chúng tôi đã trở về đồn. Đón chúng tôi là anh Nguyễn Văn Tiềm- Đồn trưởng Đồn Biên phòng 679. Vừa rót nước mời tôi, anh Tiềm vừa niềm nở hỏi han:

Phóng viên băng rừng, lội suối vào tác nghiệp và thăm đồn vậy có mệt lắm không? Lên đến ngôi mộ rồi đã khám phá được gì chưa? Thú thực với Phóng viên tôi về làm đồn trưởng đã gần một năm nhưng tôi chưa bao giờ đến gần ngôi mộ đó. Nghe mấy anh người địa phương nói rằng ngày xưa cha ông họ treo quan tài trên cây cơ chứ không phải như bây giờ. Khu đồi sau đồn còn được gọi là khu đồi ma, bà con  không ai dám vào cả. Giờ đây làng đã có nghĩa trang để chôn người chết theo đúng quy định của huyện.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề táng treo, ông Y Nhuần- Phó trưởng phòng Tư pháp huyện cho biết: Chúng tôi có nghe tục lệ này đã có từ rất lâu rồi, nhưng từ khi tôi lớn lên làm cán bộ Nhà nước đến nay không còn ai chôn theo kiểu đó nữa. Hàng năm chúng tôi có tổ chức nhiều buổi tuyên truyền pháp luật, quán triệt phải loại trừ hết những hủ tục ra khỏi cuộc sống của người dân nơi đây.

Những phong tục đẹp như Cõng củi cưới chồng là nét văn hóa truyền thống của người Dẻ thì nên giữ lại. Đặc biệt ở nơi đây ai cũng tin có Giàng( người Kinh gọi là trời), tin có ông bà tổ tiên linh thiêng và tin là có ma, nhưng thực tế không ai thắp nhang thờ cúng cả.

Bí mật khu đồi ma

Từ đồn biên phòng xuống bản cách đó chừng hơn một cây số, chúng tôi hỏi thăm đến nhà già làng A Đôi để  được giải đáp những thắc mắc của mình .

Đón chúng tôi trước cửa nhà, mời chúng tôi bằng li nước trà thân mật, già làng A Đôi vui vẻ chia sẻ: Mình sinh năm 1930 tại vùng đất này, năm 65 tuổi khi già làng trước chết đi thì mình được mọi người bầu vào chức này.

Nói về tục táng treo hay người Kinh còn gọi là Thiên táng thì đã có từ rất lâu rồi. Từ thời ông cha cụ kỵ nên mình cũng không biết ai là người nghĩ ra tục lệ này. Chỉ biết rằng ngày xưa các cụ trong làng hay nói lại với con cháu là vùng này xưa kia là rừng rậm, muông thú rất nhiều, đặc biệt là Cọp dữ. Vì thế hễ nhà ai có người chết là lo sợ Cọp về bới lên tha mất xác, mà nhà nào không may bị như thế thì luôn lo lắng vì sợ người thân bị mất xác hóa thành con ma rừng về bắt người đi theo.

Sự việc cứ vậy nên có người nghĩ ra cách là bỏ người vào quan tài và treo lên cây nhằm tránh Cọp dữ về tha mất xác. Sau nhiều năm cả khu rừng này đã treo rất nhiều quan tài trên cây nên người trong làng gọi là bãi tha ma trên trời.

Khi chúng tôi hỏi tại sao bây giờ mọi người hay gọi là Đồi ma? Gìa làng A Đôi cho biết : Khu đồi này ngày xưa quanh năm bốc mùi hôi thối, những khi có người chết thì Cọp lại về và vì  không ăn được xác nên chúng thi nhau gầm rú suốt đêm, với lại đàn qụa đen hàng trăm con suốt ngày kêu la làm tiếng vang xa vọng vào tận bản.

Đêm nghe tiếng Cọp kêu, ngày nghe tiếng Qụa kêu nghe lạnh hết cả người nên dân làng truyền tai nhau ma ở đó nhiều lắm. Những âm thanh từ các tiếng kêu đó phát ra làm mọi người không ai dám một mình vào khu đồi này, ban đêm cửa nhà ai cũng đóng kín mít. Từ đó cho đến ngày nay không ai dám vào khu vực đó nữa.

Ngoài lí do tránh Cọp ra già làng còn nói thêm một lí do để chôn người trên cây nữa đó là: Đồng bào ai cũng coi Gìang như là đấng tối cao trong đời sống, ai mà không tôn thờ Gìang thì sẽ không được về ở với Gìang để có một cuộc sống sung túc.

Già làng cũng cho biết thêm: Trong những năm đánh Mỹ cứu nước nơi này đánh nhau dữ lắm, nghe tiếng súng nên Cọp dữ bỏ vào rừng sâu trốn hết, bà con đốt rẫy nên nhều quan tài bị cháy hết hoặc rơi xuống đất. Sau giải phóng, các chú bộ đội về tiếp quản vùng đất này đã vận động bà con hạ huyệt chôn người chết xuống đất cho sạch sẽ, không gây mùi hôi làm ô nhiễm môi trường.

Giờ đâu cây xanh đã che lấp không khí u ám của một vùng đất, cũng như sự phát triển, tân tiến đang dần nâng cao đời sống của người dân nơi đây. Và khu rừng thiên táng chỉ còn trong ký ức, như một nét đặc trưng của vùng rừng Đắk Ung ngày xưa.

Ngọc Anh

Đọc thêm