Ưu tiên robot khử khuẩn ngừa Covid-19
Vào thời điểm giữa tháng 3, công việc làm sạch và khử khuẩn các khu vực có chứa mầm bệnh lây nhiễm tại Việt Nam vẫn được thực hiện một cách thủ công bởi các nhân viên y tế. Tuy nhiên, điều này đã nhanh chóng được giải quyết chỉ trong một thời gian ngắn nhờ sự xuất hiện của một đội quân robot “Made in Việt Nam”.
Đây đều là những sản phẩm do các nhà khoa học Việt Nam tự nghiên cứu và phát triển. Đầu tiên phải kể đến 2 mẫu robot khử khuẩn để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 tại 2 loại khu vực cần khử khuẩn khác nhau do nhóm nghiên cứu Robotics của Trường Đại học Tôn Đức Thắng thiết kế. Chúng được biết đến với tên gọi Robot khử khuẩn CD 1.0 (Covid Defender 1.0) và Robot khử khuẩn DR 1.0 (Disinfection Robot 1.0).
Trong đó, Robot khử khuẩn CD 1.0 (Covid Defender 1.0) được điều khiển từ xa với khoảng cách tối đa 2.000 m. Nhờ sở hữu một cánh tay được thiết kế như vòi phun, mẫu robot này được dùng để phun xịt thuốc khử khuẩn cho khu vực cách ly và phòng điều trị bệnh. Hai robot sử dụng 2 công nghệ diệt khuẩn khác nhau: robot CD 1.0 hoạt động ở khu vực chịu được nước, khử khuẩn bằng phương pháp phun hóa chất dạng dung dịch; robot DR 1.0 hoạt động ở khu vực không chịu được nước như khu vực văn phòng, nhà ga, nơi đông người... khử khuẩn bằng phương pháp chiếu tia UV. Tải trọng tối đa mà Covid Defender 1.0 có thể mang vác là 170kg.
Sau khi phun thuốc khử khuẩn trong phòng bệnh, Robot còn biết tự phun khử khuẩn cho mình khi ra khỏi, sau đó tự động lau sàn nhà để tránh gây trơn trượt |
Robot này có thể làm việc liên tục trong khoảng 6 giờ, tốc độ di chuyển tối đa 15km/h.Trên thân robot được gắn điện thoại thông minh, cho phép quan sát và điều khiển từ xa thông qua cuộc gọi video call. Còn DR 1.0 là một dạng robot tự hành với khả năng ghi nhớ không gian làm việc, lặp lại hành trình và tự động di chuyển theo quỹ đạo. Ngoài khả năng mang vác, Disinfection Robot 1.0 có thể tiêu diệt vi khuẩn bằng cách chiếu tia cực tím nhằm phá hủy cấu trúc DNA của vi khuẩn.
Ưu điểm của phương pháp này là không sử dụng đến các chất hóa học, do đó rất thân thiện với con người. Sau khi khống chế được dịch bệnh, robot sẽ được cải tiến để sử dụng cho các công việc và công năng khác như cứu hộ, cứu nạn... trong những môi trường và điều kiện mà con người không thể trực tiếp tham gia tác nghiệp do nguy hiểm đến tính mạng hoặc quá khó khăn.
Tương tự robot khử khuẩn của Đại học Tôn Đức Thắng, một mẫu robot khử khuẩn khác chuyên khử trùng các phòng ly đã được ra đời theo đơn đặt hàng của Sở Y tế TP HCM đối với nhóm nghiên cứu “Vườn ươm sáng tạo” thuộc Trung tâm Công nghệ thông tin của Bệnh viện Quân dân y miền Đông (quận 9, TP HCM). Ngoài yêu cầu chính là robot tự động phun xịt hóa chất khử khuẩn đạt tốc độ phun, kích thước hạt khí dung, khả năng xoay các góc độ phun, robot còn có chức năng lau sàn nhà sau khi phun và tự phun, khử khuẩn mình trước khi ra khỏi phòng.
Được thiết kế để điều khiển từ xa, nhân viên y tế có thể ngồi ở khu hành chính để điều khiển robot này thông qua kết nối 4G hoặc mạng Internet. Sự xuất hiện của mẫu robot trên vừa đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về công tác khử khuẩn các phòng cách ly điều trị vừa đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế do giảm tối đa việc tiếp xúc với nguồn bệnh.
Cũng có chức năng khử khuẩn chính mình, mẫu robot lau sàn khử khuẩn phòng bệnh Made in Việt Nam mới ra mắt gần đây nhất mang tên NaRoVid1, đã được thử nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội). Đây là thành quả nghiên cứu chỉ trong vòng hơn 2 tuần của các nhà khoa học thuộc Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Robot do Đại học Đà Nẵng chế tạo đưa cơm phục vụ người bệnh trong khu cách ly |
Các robot NaRoVid1 được chế tạo để hoạt động trong khu vực cách ly. Nhiệm vụ của nó là thay thế, hỗ trợ nhân viên y tế lau sàn nhà bằng chất khử khuẩn. Mỗi robot NaRoVid1 có thể chứa tối đa 10 lít dung dịch khử khuẩn trong một lần hoạt động. Khi được sạc đầy, NaRoVid1 có thể làm việc liên tục trong khoảng 2 giờ đồng hồ. Nhờ được gắn các cảm biến, robot có thể tự động di chuyển, tránh mọi
vật cản trên đường đi. Với thiết kế đặc biệt, robot có thể dễ dàng chui xuống dưới giường bệnh, đi vào mọi ngóc ngách của phòng bệnh để vệ sinh và khử khuẩn sạch sẽ. NaRoVid 1 có khả năng di chuyển theo chu trình do người vận hành thiết lập linh hoạt. Robot sẽ tự động về vị trí sạc sau khi kết thúc chu trình và có thể khử khuẩn chính mình trước khi đi ra khỏi phòng cách ly.
Theo Phó Trưởng Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2) Trần Minh Quân, việc ứng dụng robot giúp các y bác sĩ tiết kiệm nhiều thời gian, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Khả năng chứa dung dịch của robot cũng giúp cho việc tiếp thêm dung dịch khử khuẩn được giãn cách, nếu cứ 30 phút lau một lần, robot mất khoảng 15 phút để hoạt động. Như vậy, một ngày nhân viên y tế chỉ cần 3 lần bổ sung dung dịch, thay vì phải ra vào phòng bệnh lên tới hàng chục lần một ngày nếu lau thủ công.
Robot… vận chuyển thức ăn
Ở một chiều hướng khác, nhóm nghiên cứu của Học viện Kỹ thuật quân sự (Bộ Quốc phòng) còn chế tạo thành công robot hỗ trợ cách ly, điều trị Covid-19. Robot mang tên Vibot-1a được mô phỏng theo robot TUG của hãng Aethon (Mỹ) với khả năng vận chuyển bệnh phẩm, các trang thiết bị vật tư y tế. Robot này có thể hoạt động theo nhóm trong khu vực cách ly để thay thế, hỗ trợ nhân viên y tế các công việc phục vụ, chăm sóc các bệnh nhân và người nghi nhiễm.
Sau 2 tuần phát triển, phiên bản 1a của Vibot đã có thể tự động vận chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm,… từ ngoài vào các buồng bệnh, vận chuyển rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, đồ giặt,... từ buồng bệnh ra khu tập kết. Các robot Vibot được thiết kế đa chức năng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của từng khu vực cách ly, có thể vận chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau với tải trọng lên đến 100kg.
Robot do Đại học Huế chế tạo đưa thức ăn đến phục vụ tận phòng trong khu cách ly Covid-19 |
Mọi hoạt động của hệ thống robot được giám sát, điều khiển bởi trung tâm điều hành. Nhờ vậy, đơn vị vận hành có thể mở rộng phạm vi hoạt động của robot hoặc bổ sung số lượng robot vào hệ thống khi cần thiết. Bên cạnh đó, Vibot-1a còn có thể trở thành một công cụ giao tiếp, thăm khám bệnh từ xa giữa bác sĩ, người thân với người bệnh thông qua hệ thống cảm biến âm thanh, hình ảnh và một trung tâm giám sát, điều khiển từ xa.
Nhờ vậy, mỗi robot Vibot-1a có thể thay thế được 3-5 nhân viên y tế, từ đó giúp họ tránh được khả năng phơi nhiễm khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Các mẫu robot nói trên đều do chính người Việt Nam nghiên cứu, chế tạo thực sự là thành công quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong lúc dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới.
Đây không chỉ là những công cụ hỗ trợ đắc lực, được sản xuất cấp tốc để kịp thời, nhanh chóng tham gia vào “cuộc chiến” chống đại dịch mà còn góp phần khẳng định trình độ của các nhà khoa học Việt Nam, cũng như sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị nói chung, các đơn vị có liên quan đến nghiên cứu nói riêng trước những vấn đề đặt ra từ cuộc sống.