Truyền thống kính già, nhường trẻ
Đến trung tâm xã Nhơn Lộc, chúng tôi dễ dàng tìm được ngôi nhà của ông Nguyễn Phi Yến. Dường như quanh khu vực này già trẻ đều biết đến gia đình ông.
Tiếp chuyện chúng tôi, ông Yến bảo, ngôi nhà này là của bố mẹ ông xây dựng từ thời còn trẻ, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, năm tháng của cuộc đời, ngôi nhà vẫn tồn tại. Dù xã hội thay đổi, nhiều trật tự đã đảo lộn nhưng gia đình ông vẫn giữ nếp nhà xưa. Biết rằng việc giữ nếp của gia đình “tứ đại đồng đường” không hề dễ dàng nên ông càng ra sức gìn giữ.
“Bố mẹ tôi sinh được 2 người con, tôi là trai sống với gia đình, còn chị gái có chồng ở riêng. Bố tôi mất sớm, một mình mẹ tảo tần nuôi 2 con khôn lớn rồi dựng vợ gả chồng. Năm nay, mẹ đã 90 tuổi, những khi rảnh rỗi, 2 mẹ con thường nói chuyện với nhau về dòng họ, về quê hương… Mẹ nhớ nhiều và kỹ lắm!”, ông Yến cho hay.
Theo lời ông Yến, vợ chồng ông sinh tất cả 5 người con, 3 gái lớn, 2 trai sau. Con cái giờ đều đã có chồng có vợ, có cuộc sống ổn định. Hiện người con trai lớn là Nguyễn Văn Phước (39 tuổi) sống một nhà với ông. Còn người trai út là Nguyễn Ngọc Thọ (37 tuổi) sống ở ngôi nhà kế bên. 5 người con với 10 đứa cháu nội, ngoại sống chan hòa, yêu thương, đó là niềm hạnh phúc vô bờ đối với vợ chồng ông.
Gia đình “tứ đại đồng đường” đang sống hòa thuận trong ngôi nhà này. |
Khi chúng tôi hỏi, vì sao để có được những đứa con ngoan? Ông Yến chia sẻ: “Yêu thương thì không tả xiết nhưng quan điểm dạy con cháu của gia đình tôi là rất nghiêm. Điều đầu tiên là bản thân luôn gương mẫu, thẳng thắn chỉ dạy con cháu bằng cách phân tích điều hay lẽ phải. Nếp nhà đã được các cụ lưu truyền bao đời nay, các con, các cháu làm gì thì làm nhưng không được làm hỏng thanh danh gia đình”.
Từng làm trưởng thôn An Thành, bây giờ giữ chức Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Nhơn Lộc, ông Yến luôn bận rộn với công việc nhưng vẫn dành thời gian để dạy bảo con cháu.
“Là người trụ cột trong gia đình, tôi luôn hoàn thiện bản thân, phấn đấu là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Với mẹ thì phải kính trọng, với bà nhà thì luôn lắng nghe, tôn trọng, bình đẳng, với con cháu thì nhắc nhở, dạy dỗ từ nhỏ, khích lệ học tập, biết kính trên nhường dưới”, ông Yến cho biết.
Ông Yến quan niệm, cây có gốc, có rễ chắc chắn thì cành ngọn mới phát triển xum xuê. Gia đình là tế bào của xã hội, nếp nhà trong mỗi gia đình mà giữ được sẽ làm cho xã hội trật tự và đi đúng hướng hơn, tình cảm giữa con người với nhau sẽ đằm thắm hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Phú (68 tuổi, vợ ông Yến), về làm dâu gia đình đã gần 50 năm nhưng không gặp khó khăn trở ngại nào. Hồi còn trẻ nhiều điều chưa biết thì có mẹ chồng chỉ bảo từng ly. Sau này, bà cũng quen, kế thừa được nhiều điều và truyền dạy lại cho các con, kể cả con dâu. Hơn nữa, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu của các thế hệ trong gia đình rất tốt đẹp.
Ngồi trò chuyện, cụ Huỳnh Thị Thống (90 tuổi, mẹ ông Yến) bảo: “Cuộc sống gia đình êm ấm, anh em, con cháu trong gia đình hòa thuận, tôi vui vẻ, tinh thần thoải mái nên sức khỏe mới được như vậy đấy.”
Nói rồi cụ bảo, lâu nay, nhiều người thắc mắc hỏi tại sao gia đình cụ không tách riêng, mọi người thấy lạ chứ cụ thì thấy bình thường lắm. “Gia đình Việt Nam truyền thống là có nhiều thế hệ cùng sinh sống trong một mái nhà. Tôi hướng con cháu sống theo nếp đó. Mặc dù hơi chật nhưng nó tình cảm, khó khăn, sớm khuya anh em có nhau. Nhà vui vẻ lắm, chả bao giờ thiếu tiếng cười, tôi thấy hạnh phúc vì điều đó”, cụ Thống giải thích.
Rối đâu gỡ đó
Dù hòa thuận đến đâu nhưng gia đình ông Yến cũng không thể tránh khỏi những xích mích, va chạm. Nhiều khi có những lỗi sai trong cư xử của con cháu, bà Phú luôn giữ thái độ bình tĩnh, sau đó bảo ban để con cháu thấu hiểu. Bà bảo, mấy chục năm trôi qua bà không bao giờ mắng con. Có lẽ, chính cách giáo dục ấy mà con cháu bà luôn biết phải trái và ngày càng hoàn thiện bản thân.
Bà Phú kể: “Có lần, cháu trai mải chơi sao nhãng việc học. Tôi biết chuyện nhưng không la hay mắng mỏ gì. Một bữa, tôi cố tình buồn bực để cho cháu hiểu được việc mình sao nhãng việc học hành là sai, như vậy làm bố mẹ, ông bà buồn. Từ đó, cháu tự biết điều chỉnh việc học và việc chơi”.
“Quan điểm của tôi là rối chỗ nào gỡ chỗ đó, nếu có xích mích thì giải quyết luôn. Tránh tình trạng, không hài lòng mà không nói ra rồi anh em xa nhau, thẳng thắn giải quyết thì tình cảm mới bền được”, ông Yến chia sẻ.
Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch tặng gia đình ông Yến. |
Hỏi về những phát sinh xích mích, mâu thuẫn trong gia đình, anh Phước bộc bạch: “Trong sinh hoạt gia đình đôi lúc không tránh khỏi va chạm, nhưng các thành viên trong nhà đều ý thức rõ lợi ích chung của đại gia đình, vì danh dự gia phong và hơn nữa bà, bố mẹ tôi đều là tấm gương mẫu mực để con cháu noi theo. Vì vậy, mọi chuyện trong nhà đều giải quyết ổn thỏa, ít xảy ra những điều to tát”.
Anh Phước cho biết thêm, mặc dù anh đang làm cán bộ ở xã, vợ là giáo viên tiểu học, người em trai lái xe tải đường dài, vợ làm ở trường mẫu giáo xã, vợ chồng mấy người chị gái cũng đi làm, mọi người đều rất bận với công việc nhưng khi về đến gia đình thì ai nấy đều tự giác tham gia việc nhà khiến cho đại gia đình lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười nói và tình yêu thương.
Điều đặc biệt nữa ở đại gia đình này là hiện nay các thành viên đều ăn cơm chung. Khi được hỏi về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Thơ (37 tuổi, vợ anh Phước) tâm sự: “Gia đình chúng tôi giữ nề nếp này từ rất lâu rồi, xuất phát từ mong ước của các cụ, lúc nào cũng muốn con cháu xum họp, quây quần. Chính điều này đã làm cho bà tôi, bố mẹ tôi thêm vui khỏe, sống lâu”.
Và, như một quy luật, mỗi khi dịp lễ Tết, ngày giỗ chạp, các con cháu tề tựu đông đủ, nhà đầy ắp tiếng cười. Đặc biệt nhất là mỗi khi đến Tết, mọi người cùng nhau gói bánh. Sáng mùng một, tại gia đình có đầy đủ 2 con trai và 2 cô con dâu, cùng các cháu ông Yến tập trung chúc Tết, mừng tuổi cụ Thống.
Cuối buổi trò chuyện, chúng tôi ngỏ ý muốn ông Yến chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều gia đình khác nhưng ông bảo, chuyện trong gia đình như mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, không thể gia đình nào cũng giống gia đình nào. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, để giữ được nề nếp, gia phong của gia đình thực sự là tổ ấm thì điều quan trọng nhất là phải giữ được đạo lý và mỗi người đều phải có ý thức trách nhiệm vun đắp giữ gìn.
“Đạo lý đó chính là những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam đã được tôi luyện, thử thách qua hàng nghìn năm và được lưu giữ trong mỗi gia đình hiện nay”, ông Yến cho biết.
Trò chuyện với gia đình “tứ đại đồng đường” này, từ cách họ kể về nhau cũng đủ cảm nhận cái cốt cách trong sự hiểu biết, tình yêu, sự tôn trọng của họ dành cho nhau mới thấy rằng vẫn có nếp nhà xưa, vẫn có gia đình truyền thống dù qua thời gian cũng không thay đổi giá trị. Những đứa trẻ sống trong môi trường như vậy được thừa hưởng nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp.
Ông Dương Văn Khanh - Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, cho biết: “Gia đình ông Yến là gia đình “tứ đại đồng đường” hiếm thấy trong xã hội hiện tại. Hiện nay, trong cuộc sống hiện đại và hội nhập, gia đình hạt nhân đang có xu hướng phát triển.
Gia đình truyền thống “tứ đại đồng đường” bị mai một. Song nhiều gia đình đa thế hệ vẫn sống hạnh phúc, hòa thuận, các thành viên trong gia đình quan tâm chăm sóc lẫn nhau, góp phần gìn giữ gia phong, lưu giữ những nét đẹp gia đình truyền thống”.