Theo đó, một trong những trọng tâm của năm 2019 là ngành LĐ-TBXH khẩn trương hoàn thiện dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), đề án cải cách tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), Pháp lệnh Ưu đãi người có công (sửa đổi).
Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề nghiệp chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển thị trường lao động và giải quyết việc làm, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường lao động. Thực hiện tốt chính sách tiền lương, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp...
Riêng về đề án cải cách tiền lương, có thể thấy, sau hơn nửa thập kỷ với 4 lần thực hiện cải cách chính sách tiền lương cùng với nhiều Nghị quyết của Đảng và Nhà nước được ban hành, chế độ tiền lương hiện hành vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Tháng 5/2018, Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII) đã thông qua Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp, được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá mới về chính sách tiền lương trong thời gian tới. Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết là giảm dần sự can thiệp của Nhà nước về vấn đề tiền lương trong khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, công việc phải làm liên quan đến tiền lương khối doanh nghiệp, đó là trước mắt phải tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến vấn đề này để vừa đáp ứng được yêu cầu trong nước, nhưng lại phù hợp với thị trường lao động quốc tế. Tiếp đến, Nhà nước sẽ phải hướng dẫn cho doanh nghiệp trong việc tăng cường thỏa thuận, thỏa ước lao động giữa người lao động và giới chủ.
Và Nhà nước sẽ tiến tới đến năm 2021 không can thiệp vào thang, bảng lương của doanh nghiệp, nhưng Nhà nước sẽ can thiệp bằng cách đưa ra mức lương tối thiểu, mức sống tối thiểu và người lao động có quyền thỏa thuận với doanh nghiệp. Nhà nước sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các chính sách này.