Khẩn trương triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Quan điểm này được ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh trong buổi họp báo về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được Bộ LĐTB&XH tổ chức chiều nay (7/7).
Tập trung hỗ trợ đối tượng người lao động và người sử dụng lao động để đảm bảo mục tiêu kép (ảnh minh họa)
Tập trung hỗ trợ đối tượng người lao động và người sử dụng lao động để đảm bảo mục tiêu kép (ảnh minh họa)

Tập trung hỗ trợ để đảm bảo mục tiêu kép

Ngày 1/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP nhằm kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định lao động, việc làm, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động, duy trì mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trên cơ sở bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, rút kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ, Nghị quyết số 68/NQ-CP được xây dựng dựa trên nguyên tắc hỗ trợ kịp thời; các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai; đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện.

Cụ thể, về đối tượng, tập trung hỗ trợ đối tượng người lao động và người sử dụng lao động để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Về điều kiện hỗ trợ, giảm thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương xuống còn 15 ngày; bỏ quy định doanh thu kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm đối với các hộ kinh doanh, chỉ quy định dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên; giảm điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất từ 50% lao động xuống còn 15% lao động.

Bên cạnh đó Nghị quyết 68 cũng bổ sung nhiều chính sách mới như: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ trẻ em, lao động đang mang thai, đang nuôi con nhỏ; hỗ trợ đối với với người phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0) và người phải thực hiện cách ly y tế (F1); hỗ trợ đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) và hướng dẫn viên du lịch; cho vay trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh…

Trẻ em đang điều trị COVID-19, cách ly y tế còn được hỗ trợ thêm nhằm giảm thiểu những thiệt thòi vật chất và sang chấn tinh thần (ảnh minh họa)

Trẻ em đang điều trị COVID-19, cách ly y tế còn được hỗ trợ thêm nhằm giảm thiểu những thiệt thòi vật chất và sang chấn tinh thần (ảnh minh họa)

Trẻ em đang điều trị COVID-19, cách ly y tế được hỗ trợ 1 triệu đồng/trẻ em

Đại dịch COVID-19 thời gian qua đã tác động tiêu cực đến sản xuất và thị trường lao động nước ta; hàng trăm nghìn lao động bị mất việc làm, hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc và giảm thu; nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã buộc phải ngừng hoạt động. Do đó nội dung hỗ trợ người lao động ngừng là một trong những chính sách mới theo Nghị quyết số 68/NĐ-CP.

Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo Khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021; đang tham gia BHXH bắt buộc.

Trường hợp người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi thì được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 06 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em. Trình tự thủ tục thực hiện chính sách này xây dựng theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính và thời gian thực hiện để tạo thuận lợi cho người lao động dễ thực hiện và sớm nhận được hỗ trợ.

Hiện nay, cùng với cha mẹ, người lớn, có rất nhiều trẻ em đang được theo dõi, điều trị ở các khu cách ly. Để trẻ em luôn được chăm sóc, bảo vệ trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt bảo đảm cho trẻ em trong giai đoạn đầu tiên của cuộc đời giảm thiểu rủi ro về sức khỏe, dinh dưỡng do cha, mẹ mất, giảm thu nhập thường xuyên, Nghị quyết 68 đã có chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế.

Mặc dù đã có chính sách chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh, nơi ở… cho họ nhưng để giúp người lao động và trẻ em giảm tối đa khó khăn, lo lắng trong thời gian điều trị bệnh hoặc cách ly y tế do nguyên nhân COVID- 19, chính sách lần này hỗ trợ toàn bộ tiền ăn cho họ. Riêng trẻ em còn được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/ trẻ em để các em có thể được mua sắm các vật dụng thiết yếu, sách truyện, đồ chơi…. phù hợp nhằm giảm thiểu những thiệt thòi vật chất và sang chấn tinh thần cho các em….

Nói về vấn đề thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Người dân đang tha thiết mong chờ sự hỗ trợ này, nhất là những người lao động trực tiếp. Thế nên tôi nhấn mạnh cơ quan nào, địa phương nào thực hiện chậm trễ, trục lợi chính sách là có lỗi, có tội với dân. Hàng ngày chứng kiến trên truyền thông những hình ảnh người dân trong khu cách ly, các cháu bé phải xa cha mẹ, người dân xếp hàng dài chờ cứu trợ.... cho chúng ta suy ngẫm và quyết tâm về việc nhanh chóng triển khai chính sách hỗ trợ. Dịch bệnh sẽ còn kéo dài và tình hình khó khăn sẽ còn bao trùm các ngành nghề nên rất cần sự hỗ trợ từ nhà nước và sự chung tay của cả cộng đồng xã hội để chia sẻ khó khăn”.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, một nguy cơ rất lớn là dịch bệnh tấn công vào các khu công nghiệp, chế xuất, thế nên đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như hạn chế đi lại, tăng cường phòng chống dịch...Muốn thực hiện được tốt các giải pháp này thì phải đảm bảo cuộc sống an sinh xã hội cho người dân, để người dân không lo bị đói, yên tâm làm việc và phòng chống dịch. Thế nên phải thật khẩn trương thực hiện việc hỗ trợ người dân.

“Trong Nghị quyết 68 có rất nhiều điểm mới, rút kinh nghiệm từ Nghị quyết 42 để giảm thiểu tối đa các thủ tục rườm rà, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu... nhằm đảm bảo sự hỗ trợ đến với người dân nhanh nhất. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta sẽ thực hiện chính sách lỏng lẻo, sơ suất, mà sẽ tăng cường công tác giám sát, hậu kiểm của các cơ quan như Mặt trận Tổ quốc, Tổng Liên đoàn Lao động.. để tránh sai sót tối đa” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đọc thêm