Khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về gia đình

(PLVN) -Đẩy mạnh phòng, chống bạo lực gia đình là tinh thần Chỉ thị số 08/CT-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký, yêu cầu đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về gia đình

Nhân rộng Mô hình Đội phản ứng nhanh phòng, chống bạo lực gia đình

Chỉ thị nêu rõ, tình trạng bạo lực gia đình còn diễn ra ở nhiều nơi với các đối tượng khác nhau; tính chất của các vụ bạo lực gia đình ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường. Bạo lực gia đình đã và đang ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, an ninh, trật tự xã hội, gây bất bình trong dư luận xã hội.

Nguyên nhân của tình trạng trên do nhiều cơ quan, chính quyền, đoàn thể chưa xác định rõ được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực thi chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Việc tuyên truyền văn hóa ứng xử, phòng, chống bạo lực gia đình chưa thường xuyên, phong phú, đa dạng và sâu rộng. Cán bộ làm công tác gia đình còn thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, chưa có cộng tác viên về gia đình ở cơ sở.

Việc tuyên truyền văn hóa ứng xử, phòng, chống bạo lực gia đình chưa thường xuyên, phong phú, đa dạng và sâu rộng
 Việc tuyên truyền văn hóa ứng xử, phòng, chống bạo lực gia đình chưa thường xuyên, phong phú, đa dạng và sâu rộng

Để đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; phê phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

Tổ chức bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng cho cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình các cấp. Tổ chức, triển khai hiệu quả mạng lưới quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; nghiên cứu, thành lập các cụm thi đua về công tác gia đình.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về gia đình trong đó có phòng, chống bạo lực gia đình; tổng kết, đánh giá "Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020", đề xuất Thủ tướng Chính phủ Chương trình giai đoạn tới.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an xây dựng và hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý đảm bảo tính răn đe, giáo dục để phòng ngừa nguy cơ tái diễn và hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân bạo lực gia đình; nhân rộng Mô hình Đội phản ứng nhanh về phòng, chống bạo lực gia đình; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình nhằm nâng cao giáo dục pháp luật cho người gây bạo lực gia đình.

Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về gia đình các cấp để đáp ứng yêu cầu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện từ gia đình.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em tại cở sở.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp nhận thông tin và tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình là trẻ em thông qua Tổng đài 111. Đẩy mạnh công tác bảo trợ xã hội cho nạn nhân bạo lực gia đình.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình; đạo đức, lối sống trong gia đình phù hợp với trình độ đào tạo của các cấp học….

Bạo lực gia đình cũng là vấn đề của nam giới

Bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu. Trên phạm vi toàn cầu, cứ 3 người phụ nữ đã quan hệ tình dục hoặc kết hôn, thì có 1 phụ nữ từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực thể chất, tình dục, tinh thần từ bạn đời... 38% các vụ giết người mà nạn nhân là phụ nữ có liên quan đến nam giới. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người phụ nữ, mà còn gây ra những hệ quả về kinh tế - xã hội - an ninh cho mỗi quốc gia. Liên hợp quốc (LHQ) và các nước trên thế giới đã có nhiều cố gắng trong việc phòng, chống bạo lực gia đình và ban hành nhiều văn kiện pháp lý liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình. Hiện đã có 89 nước trên thế giới có các quy định pháp luật riêng về vấn đề này.

LHQ kêu gọi các quốc gia cùng cam kết và nỗ lực hành động nhằm đẩy lùi vấn nạn bạo lực gia đình, trong đó chỉ rõ ưu tiên nâng cao vai trò của nam giới để thúc đẩy bình đẳng giới. Kêu gọi nam giới lên tiếng bảo vệ phụ nữ, gắn kết họ trong các chính sách liên quan đến phụ nữ, là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự thay đổi, hướng tới xây dựng xã hội không bạo lực với phụ nữ. Năm 1999, Đại hội đồng LHQ đã lấy ngày 25/11 hàng năm là Ngày Quốc tế xóa bỏ Bạo lực đối với phụ nữ với biểu tượng ruy băng trắng. 

Chiến dịch Ruy băng trắng là một phong trào nhằm gắn kết nam giới đứng lên chống lại bạo lực gia đình . Chiến dịch cũng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về thực trạng bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái và khuyến khích nam giới cam kết không gây bạo lực, không im lặng đối với vấn nạn này.

Chiến dịch Ruy băng trắng là một phong trào nhằm gắn kết nam giới đứng lên chống lại bạo lực gia đình
Chiến dịch Ruy băng trắng là một phong trào nhằm gắn kết nam giới đứng lên chống lại bạo lực gia đình  

Chiến dịch Ruy băng trắng cũng được triển khai từ thời điểm đó tại nhiều quốc gia trên thế giới và đạt được những kết quả tích cực. Ở Australia, năm 2019, chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison cam kết chi 328 triệu AUD (232,7 triệu USD) để phòng chống bạo lực gia đình, trong đó có việc xây dựng chiến lược quốc gia lần đầu tiên ở Australia cho hoạt động này. Cụ thể gói hỗ trợ này sẽ được dùng để chi trả cho các chương trình ngăn chặn bạo lực gia đình, dịch vụ đường dây nóng, xây dựng nơi trú ẩn an toàn cho trẻ em và phụ nữ cũng như đào tạo nhân viên y tế để nhanh chóng phát hiện nạn nhân của bạo lực gia đình. Từ ngày 7/3/2019, Bộ trưởng Bộ nhập cư Australia cũng  cấm những người đã từng bị buộc tội bạo lực gia đình nhập cư vào nước này. Xứ sở chuột túi từng từ chối để hai ngôi sao nhập cảnh vì lý do trên. Đó là nam ca sĩ người Mỹ Chris Brown với tội danh bạo hành bạn gái cũ Rihanna và võ sĩ quyền Anh Floyd Mayweather.

Ca sĩ-nhạc sĩ Hoàng Bách: "Nam giới cần tiên phong và làm gương cho trẻ em trai, để mọi phụ nữ và trẻ em gái được sống và phát triển toàn diện trong một xã hội an toàn và bình đẳng"
Ca sĩ-nhạc sĩ Hoàng Bách: "Nam giới cần tiên phong và làm gương cho trẻ em trai, để mọi phụ nữ và trẻ em gái được sống và phát triển toàn diện trong một xã hội an toàn và bình đẳng"

Ở Việt Nam, Chiến dịch Ruy băng trắng năm 2019 đã thu hút sự tham gia của gần 100 đại biểu từ các đại sứ quán, lãnh đạo bộ ban ngành, các tổ chức tài trợ song phương và đa phương, các tổ chức phi chính phủ, Liên Hợp Quốc và cơ quan truyền thông báo chí.

Trong Chiến dịch Ruy băng trắng, với tư cách là Đại diện hình ảnh của phong trào HeForShe (Vì những phụ nữ xung quanh ta) tại Việt Nam, ca sĩ-nhạc sĩ Hoàng Bách chia sẻ: “Chúng ta thường nhìn nhận bạo lực giới là vấn đề của phụ nữ nhưng tôi muốn nói rằng nó cũng là vấn đề của nam giới. Khi những người đàn ông chịu trách nhiệm cho hầu hết các hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái thì chính họ cũng là một yếu tố quan trọng của giải pháp giúp chấm dứt bạo lực. Nam giới cần tiên phong và làm gương cho trẻ em trai, để mọi phụ nữ và trẻ em gái được sống và phát triển toàn diện trong một xã hội an toàn và bình đẳng”.

Đọc thêm