'Kháng thể' giúp chống lại cái xấu từ xã hội

(PLO) -Trong phiên thảo luận về thực hiện kinh tế - xã hội ở hội trường tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, bà Nguyễn Thị Thu Hà – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhận định, bên cạnh những thành tựu trong công tác gia đình, tác động mặt trái của cơ chế thị trường đã khiến nhiều gia đình đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Hình minh họa
Hình minh họa

Một số gia đình định hướng giá trị bị sai lệch, mối quan hệ trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, không ít gia đình bỏ mặc con tự xoay xở trong điều kiện mạng xã hội phát triển, khó kiểm soát. Năm 2018, số vụ và số đối tượng thanh, thiếu niên phạm tội đều tăng khoảng 30%, một số gia đình không còn là nơi an toàn, không còn là điểm tựa cho các thành viên....

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà để góp phần giải quyết những vấn đề trên, ở góc độ phụ nữ “thì muốn xây dựng gia đình, phải quan tâm đến sự phát triển tiến bộ của tất cả thành viên trong gia đình, nhưng trong đó cần đặc biệt đầu tư cho phụ nữ với vai trò là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người và cho trẻ em với vai trò là tương lai của gia đình, của đất nước.

Nhà triết học, đại thi hào Tago đã nói: “Giáo dục một người đàn ông thì được một con người, giáo dục một phụ nữ thì được một gia đình”. Tôi cho rằng, khi một người phụ nữ được đầu tư, được chuẩn bị đầy đủ hành trang kiến thức về kỹ năng văn hóa, thẩm mỹ, về đạo đức, lối sống thì sẽ không có những trường hợp đau lòng như vừa rồi, ở chung cư một người mẹ trẻ đã ném con của mình đi”. 

Không phải đến bây giờ tại diễn dàn Quốc hội, vấn đề xuống cấp của đạo đức văn hóa gia đình mới được nhắc đến, trước đó, ở vào đầu tháng 10/2018, tại phiên giải trình về trách nhiệm quản lý Nhà nước và phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã khẳng định rằng cần có những chuyển đổi từ trong nhận thức về văn hóa gia đình.

Theo Bộ trưởng, bạo lực gia đình ngày càng phức tạp. Nếu trước kia, BLGĐ phổ biến vẫn xuất phát từ người chồng thì nay nó có thể được “châm ngòi” từ cả hai phía vợ và chồng. Điều ấy càng khiến cho BLGĐ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là trẻ em, ảnh hưởng đến nhân cách, sự phát triển của trẻ sau này.

Trước thực tế này, Bộ trưởng cho biết: “Bộ VHTT&DL cũng đã có đề xuất, kiến nghị liên quan đến sửa đổi luật, các nghị định nhằm mang lại tính răn đe cao, tuy nhiên sửa đổi luật là việc không thể làm thường xuyên. Muốn phòng, chống hiệu quả BLGĐ thì cần nhân rộng các mô hình hỗ trợ cộng đồng về phòng, chống BLGĐ hoạt động có hiệu quả, những nơi trú ẩn an toàn có tác dụng giúp đỡ những nạn nhân bị BLGĐ, xây dựng các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng để nhằm tư vấn giải quyết mâu thuẫn, phòng, chống BLGĐ...

Nhưng chỉ như vậy thì chưa thể đủ. Chúng ta vẫn cần đến một hệ thống pháp lý đủ sức mạnh và cần hơn nữa là những chuyển đổi từ trong nhận thức của người dân về BLGĐ, về văn hóa trong gia đình để thấy được trách nhiệm, vai trò của gia đình trong việc giáo dục tuyên truyền đạo đức lối sống con người Việt Nam từ gia đình, xây dựng hình thành nhân cách con người trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước”.

Qua hai quan điểm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà và Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện thì có thể thấy phụ nữ và văn hóa gia đình chính là “kháng thể” giúp mỗi cá nhân, mỗi gia đình chống lại cái xấu từ xã hội.

Đọc thêm