Rất nhiều du khách khi tới Làng Văn hóa- du lịch các dân tộc Việt Nam đã không khỏi ngạc nhiên và thích thú khi được ngắm nhìn toà Tháp Chăm sừng sững giữa Thủ đô.
Tháp Chăm được xây dựng trong Làng Văn hóa- du lịch các dân tộc Việt Nam |
Được khởi công xây dựng từ 19/3/2008, sau hơn 4 năm ròng rã thi công, quần thể Tháp Chăm tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, công trình được tái hiện theo cụm tháp PoKlong Garai ở Ninh Thuận, đã được hoàn thiện và đã khánh thành vào ngày 23/11/2012, nhân dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.
Để xây được Khu tháp Chăm tại Làng Văn hóa- du lịch các dân tộc Việt Nam, các nhà xây dựng đã phải tìm tòi nghiên cứu, thử nghiệm các nguyên liệu để xây tháp từ khâu chọn gạch, chất kết dính đến kỹ thuật xây dựng.
Những người tham gia xây dựng tháp Chăm tại đây thường nói vui với nhau rằng xây tháp giống như chơi trò chơi xếp hình Lego. Bởi làm sao để hàng triệu viên gạch được sản xuất kỳ công từ lúc nung đến khi được ra lò, mài rũa…đến khi xây dựng phải đảm bảo khít vào nhau một cách chính xác không thừa thiếu một li.
Quần thể Tháp Chăm tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng trên diện tích khoảng 4000 m2, bao gồm 3 toà tháp: Tháp Kalan (Tháp chính), Tháp Hoả Kosaghra và Tháp cổng Gopura. Tháp Kalan: là Tháp trung tâm với chức năng là đền thờ, có diện tích 155m2, cao 20,58m. Bên trong tháp chính, tại chính giữa, có đặt Linga và Yoni - hai khối vật thể biểu hiện tín ngưỡng phồn thực sâu sắc của người Chăm và cũng là biểu tượng cho thần Siva đầy uy lực mà người Chăm tôn thờ.
Sau khi khánh thành, quần thể Tháp Chăm sẽ cùng với các công trình khác góp phần hoàn thiện không gian văn hoá của các dân tộc Việt Nam trong Ngôi nhà chung Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, để nơi đây thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhân dân trong nước và du khách quốc tế.
Thùy Dương