Ngược về vùng đất cuối trời Tổ quốc, PLVN ghi nhận được những khó khăn trong đời sống của người dân tại các vùng bị thiên tai. Vùng ngọt hoá Bắc Cà Mau có trên 220.000ha, chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh này…
Vựa lúa khô hạn…
Từ lâu, vùng Bắc Cà Mau được mệnh danh là “vựa lúa” lớn nhất của tỉnh, hàng năm sản xuất ra trên 400.000 tấn lương thực, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho 1,2 triệu dân mà còn tham gia xuất khẩu lúa, gạo rất lớn. Tuy nhiên, do hạn hán đến sớm, kéo dài đã làm cho phần lớn diện tích trồng lúa, rau màu của người dân bị thiệt hại nặng.
Ông Trịnh Xuân Hưng (Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Cà Mau) cho biết, do ảnh hưởng của El Nino, thời tiết tỉnh Cà Mau năm 2015 mùa mưa đến trễ, mùa nắng lại đến sớm làm thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất trên địa bàn tỉnh. Theo ông Hưng, tổng lượng mưa thấp hơn nhiều so với trung bình hàng năm từ 20-50%.
Báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh này cũng thể hiện tổng diện tích bị thiệt hại trên 49.000ha. Trong đó, lúa - tôm trên 35.000ha; lúa đông xuân trên 12.000ha và hơn 2.000ha lúa mùa. Địa bàn thiệt hại tập trung ở các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình, TP Cà Mau và các huyện trồng một vụ lúa trên đất nuôi tôm thuộc vùng Nam Cà Mau.
Tại huyện U Minh, nắng hạn đã làm thiệt hại gần như hoàn toàn vụ mùa của bà con sống trong lâm phần rừng tràm. Tính đến thời điểm này, diện tích lúa thiệt hại gần 14.000 ha, hơn 8.000 hộ dân bị ảnh hưởng, ở những khu vực có rừng, đời sống người dân phụ thuộc chủ yếu vào vụ lúa nên với thiệt hại này thì cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn.
|
Để có nước sinh hoạt, người dân phải mua với giá khá cao, mất nhiều công sức, thời gian |
Huyện Trần Văn Thời nhiều năm qua người dân phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt triền miên. Theo thống kê của cơ quan chức năng, ở thời điểm hiện tại có đến 1.480 hộ hàng ngày phải chật vật tiết kiệm từng giọt nước sạch để sinh hoạt, tình trạng thiếu nước sạch đã kéo dài nhiều năm nay.
Chỉ tay vào giếng nước khoan của gia đình, chị Nguyễn Thị Đâu (ấp 5, xã Khánh Bình Tây Bắc) cho biết, tuy hầu hết ở địa phương chị nhà nào cũng có giếng nước khoan nhưng hầu như chỉ sử dụng cho tắm giặt, rửa chén chứ không uống hay nấu ăn được vì nước ở đây có vị mặn.
Chị Đâu bùi ngùi: “Chú thấy đó, nước dưới sông hoặc nước trong ao, đìa ở đây đều bị nhiễm phèn nặng”. Bà Nuôn cho biết: “Nhà tôi cũng khoan cây nước nhưng cách đây khoảng bốn năm đã bị hư rồi. Nếu có cây nước thì nước đó cũng chỉ tắm giặt, rửa chén thôi vì nó chua, mặn, không thể nào uống hay nấu ăn được.
Ao đìa của nhà thì bị khô cạn nên giờ giặt đồ phải qua nhà kế bên xin nước dưới áo lên giặt. Giặt bằng nước tẩy nhưng đến khi quần áo khô cũng bị vàng vì ở đây nước nhiễm phèn lắm. Nước mưa tôi chứa đã hết, giờ phải đổi nước lọc uống”…
Ông Lưu Văn Đảm, Phó Trưởng ban Nhân dân ấp 5, xã Khánh Bình Tây Bắc cho biết, ấp có 181 hộ nhưng đến 65% hộ dân thiếu nước sạch sinh hoạt. Bà con uống, nấu ăn thì phải tích trữ nước mưa hoặc đổi nước lọc… “Chúng tôi cũng đã nhiều lần phản ánh lên cấp trên tình trạng này, cấp trên cũng đã xuống khảo sát nhưng hai năm nay chưa thấy có động thái gì. Mong cấp trên sớm tạo điều kiện cho người dân ở đây có nước sạch để sinh hoạt”, ông Đảm mong ước.
|
Lực lượng kiểm lâm rừng U Minh Hạ luôn túc trực phòng cháy, chữa cháy rừng |
Vừa chống hạn vừa chống mặn
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau thông tin, mặc dù mới chỉ bắt đầu chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nhưng tại Cà Mau, tình hình khô hạn diễn ra khá gay gắt. Rừng tràm U Minh Hạ đang ở cấp báo cháy nguy hiểm. Nước ở các kênh cấp 2, cấp 3 đều cạn. Riêng kênh cấp 1 mực nước chỉ còn khoảng 1m, việc lưu thông hàng hoá gặp rất nhiều khó khăn.
Tình trạng triều cường, nước dâng do biến đổi khí hậu thời gian qua tại Cà Mau cũng rất nghiêm trọng, đợt triều cường thời gian vừa qua đã làm ngập nhiều công trình bờ bao nuôi tôm, lộ giao thông nông thôn, nhà cửa, trường học ở các vùng ven biển; một số đoạn mới thi công hoàn thành của đường Hồ Chí Minh (thuộc huyện Ngọc Hiển) đã bị ngập tràn; cống Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời) bị xói đáy cống do áp lực cột nước bên trong và ngoài cống quá cao.
Hiện độ mặn sâu vào nội đồng Cà Mau từ 2-3‰. Đặc biệt, tại các cống, đập như Đá Bạc, Bảy Ghe, Công Nghiệp, Dớn Hàng Gòn, Bà Mụ… độ mặn đo được từ 5 -10‰, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của hàng ngàn hộ dân.
Theo ông Hoai, từ năm 2015 Cà Mau lên kế hoạch gieo trồng vụ lúa trên đất nuôi tôm của cả tỉnh là 42.800ha, nhưng chỉ xuống giống được khoảng 32.000ha, đạt khoảng 75%. Nguyên nhân chính là do nắng cục bộ kéo dài làm tăng độ mặn trên đất nuôi tôm, cây lúa không thể sống được; mặn xâm thực vào vùng nội đồng canh tác lúa - tôm khiến việc rửa mặn đồng ruộng bị chậm trễ…
“Biết rõ tình hình hạn, mặn khốc liệt diễn ra vào cuối năm 2015 đầu năm 2016 nhưng nhìn cảnh bỏ đồng trống thấy tiếc nên nhiều nông dân Cà Mau đã làm liều với hy vọng được đồng nào hay đồng nấy. Tuy nhiên, người dân đã phải đành “nuốt quả đắng” vì nước mặn và hạn hán đến quá nhanh nên hầu hết người dân phải mất trắng”…
Mới đây tỉnh Cà Mau đã tổ chức cuộc họp khẩn bàn về các giải pháp khắc phục và hạn chế thiệt hại do hạn hán. Theo đó cho thấy tình trạng khô hạn không chỉ gây thiệt hại trực tiếp cho các loại cây trồng, vật nuôi mà tình trạng nắng nóng thời gian qua đã làm cho gần như toàn bộ các tuyến kênh thuỷ lợi vùng ngọt hoá khô hạn, hoạt động thu mua, trao đổi hàng hoá của người dân bị đình trệ và việc vận chuyển vật liệu phục vụ các công trình thuỷ lợi gần như phải dừng lại.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo các sở, ngành có liên quan nhanh chóng hoàn thiện báo cáo cũng như tờ trình để UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Đặc biệt, trong báo cáo và tờ trình, ông Hải yêu cầu phải xây dựng thật chi tiết những công trình bức xúc nhất cần làm ngay để hạn chế tình trạng khô hạn hiện nay cũng như những dự án kế tiếp. Cuộc họp cũng thông tin Cà Mau sẽ tạm ứng 80 tỷ đồng để hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai.
Hạn hán khắc nghiệt đã làm thiệt hại 49.000ha lúa tại Cà Mau, nặng nề nhất là diện tích lúa trên đất nuôi tôm bị thiệt hại hơn 35.000ha, trong đó có hơn 27.000ha bị thiệt hại từ 70-100%. Còn lại trên 12.000ha diện tích lúa đông - xuân cũng thiệt hại nghiêm trọng do thiếu nước. Tình trạng khô hạn, nắng nóng đang tác động mạnh mẽ đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Triều cường, nước biển dâng do biến đổi khí hậu thời gian qua cũng gây nhiều thiệt hại đối với người dân và địa phương.