Khát vọng đưa sản phẩm từ atiso xuất ngoại

(PLVN) - Với gần 100 sản phẩm từ cây cao atiso, Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng - Ladophar được cho là điểm sáng trong chế biến, chiết xuất loại cây này của tỉnh Lâm Đồng. Hiện đơn vị đang nỗ lực thăm dò thị trường, đưa sản phẩm atiso xuất ngoại.
Một sản phẩm của công ty Ladophar được chiết xuất với dạng cao ống.

Xây dựng sản phẩm từ atiso đạt chuẩn OCOP 5 sao

Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar) vốn là công ty dược nên công ty có kinh nghiệm trong sản xuất, bào chế các thuốc tân dược cũng như dược liệu. Sau khi cổ phần hoá, Ban giám đốc công ty đã mạnh dạn chuyển hướng sang sản xuất kinh doanh sang dược liệu với đặc trưng là các sản phẩm từ cây atiso. Khoảng những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, một doanh nghiệp dược của Pháp sau khi tìm hiểu kỹ đã đặt hàng Ladophar sản phẩm cao atiso.

Theo bà Huỳnh Lê Thục Cơ - Giám đốc khối sản xuất Công ty Ladophar, với lợi thế đội ngũ dược sĩ giàu kinh nghiệm, công ty sở hữu công nghệ chiết xuất cao atiso từ lá cây atiso tươi là điều nhiều đơn vị chưa làm được vì hiện nay cao atiso vẫn chủ yếu chiết cao từ lá khô. Theo bà Cơ, các kết quả kiểm nghiệm cho thấy cao atiso chiết từ lá tươi có chất lượng tốt nhất, nhất là hàm lượng chất cynarin cao, có tác dụng hỗ trợ chức năng gan rất tốt.

Bà Huỳnh Lê Thục Cơ - Giám đốc khối sản xuất Công ty Ladophar bên sản phẩm trà atiso Diệp Nguyên Hương.

Do đó, tại Công ty Ladophar, lá cây atiso từ lúc khai thác đến khi chiết xuất các tinh chất không vượt quá 24 giờ. “Lá atiso sau khi thu hoạch về được rửa sạch, xử lý bước đầu rồi bằng công nghệ của mình, chúng tôi chiết xuất ra cao nước, từ đó sẽ tiếp tục bào chế các sản phẩm khác”, bà Cơ cho hay.

Để đảm bảo vùng nguyên liệu, Ladophar ký hợp đồng thu mua nguyên liệu cây atiso với các hộ dân trên địa bàn. Để đảm bảo nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng, công ty cung cấp cho bà con nông dân danh mục những sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn và hướng dẫn người dân cách sử dụng, tránh lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cũng như thời gian cách ly với thuốc.

Bên cạnh đó, đội ngũ kỹ thuật viên của công ty thường xuyên kiểm tra thực địa các vườn nguyên liệu: “Trước khi thu hoạch, chúng tôi sẽ lấy mẫu kiểm tra và chỉ thu hoạch nguyên liệu đảm bảo chất lượng, nếu vùng nguyên liệu nào có hàm lượng thuốc BVTV cao sẽ để lại tiếp tục cách ly”, bà Cơ nói.

Về sản phẩm, từ sản phẩm cao nước truyền thống, đến nay Ladophar đã bào chế, sản xuất gần 100 sản phẩm từ cây cao atiso; các sản phẩm đa dạng, phù hợp với nhiều nhóm đối tượng, từ kẹo dẻo atiso tới cao đặc, cao nước, các loại trà atiso cho tới thuốc, thực phẩm chức năng viên nén, viên nang… Ngoài ra, các dược sĩ Ladophar còn kết hợp atiso với các dược liệu khác như gừng, đẳng sâm…để chế biến thành các loại trà với hương vị đặc sắc với chức năng bồi bổ sức khoẻ, giảm mỡ máu, men gan cao, phục hồi chức năng gan…

Chẳng hạn như riêng sản phẩm trà túi lọc atiso có trà chiết xuất từ thân, rễ, lá và trà từ lá tươi. “Từ thân, rễ, lá có vị ngọt, còn trà từ lá có vị hơi đắng bởi hàm lượng cynarin cao… Lá atiso có tác dụng bồi bổ chức năng gan, mật, còn thân, rễ có đường thực vật và chứa nhiều hoạt chất chống oxy hoá , chống lão hoá, bồi bổ sức khoẻ, tăng chức năng tim mạch, lợi tiểu, giảm huyết áp….”, bà Cơ chia sẻ.

Ladophar đã bào chế, sản xuất gần 100 sản phẩm từ cây atiso.

Đến nay, Ladophar có 2 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia là trà atiso Diệp Nguyên Hương và cao ống atiso được công nhận vào các năm 2019, 2020. Có 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Lâm Đồng, hiện doanh nghiệp đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ cho một số sản phẩm khác để được công nhận sản phẩm OCOP. Đặc biệt, sản phẩm trà atiso Diệp Nguyên Hương chiết xuất cao atiso từ lá cây tươi mới chỉ có Ladophar làm chủ công nghệ và được đăng ký quyền Sở hữu trí tuệ về giải pháp hữu ích.

Thách thức phát triển sản phẩm từ cây atiso

Toàn bộ sản phẩm bảo vệ sức khoẻ từ atiso do Ladophar sản xuất đều là công sức nghiên cứu của đội ngũ dược sĩ của công ty. Ngoài ra, công ty còn phối hợp với các chuyên gia, giảng viên trường Đại học y dược TP HCM; đại học Đà Lạt để tiếp tục nghiên cứu thêm sản phẩm từ cây atiso.

Công ty Ladophar đạt chứng nhận doanh nghiệp dược uy tín Châu Á - Thái Bình Dương.

Về thị trường, từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, các sản phẩm bảo vệ sức khoẻ từ atiso công ty đã được một số đối tác ở nước ngoài đặt hàng. Tuy nhiên do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, việc xuất khẩu hàng tắc lại, hiện công ty đang tiếp tục xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm tại một số thị trường quốc tế như: Pháp, Thái Lan, Hàn Quốc…

“Mặc dù sản phẩm xuất ngoại mới chỉ ở mức độ thăm dò thị trường nhưng phản hồi bước đầu rất tích cực, hy vọng sắp tới sẽ tiếp tục có nhiều đơn hàng từ thị trường quốc tế để sản phẩm đặc trưng của Đà Lạt vươn xa hơn”, Giám đốc khối sản xuất Ladophar kỳ vọng.

Để phát triển, đưa sản phẩm từ cây atiso vươn xa, phổ biến hơn nữa, thách thức lớn nhất theo đại diện Ladophar chính là vùng nguyên liệu. Trước hết, các thị trường quốc tế đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật cao, nhất là hàm lượng thuốc BVTV, do đó nguyên liệu đầu vào phải sạch. Trong khi đó tập quán sản xuất của người dân vẫn làm dụng thuốc BVTV. Tập quán này cũng gây khó cho việc phát triển vùng nguyên liệu sạch.

Lá cây atiso có tác dụng bồi bổ chức năng gan, mật.

Bà Cơ ví dụ vườn atiso không sử dụng thuốc BVTV nhưng các vườn hoa, vườn rau xung quanh sử dụng thì vẫn bị ảnh hưởng, chưa kể côn trùng, sâu bệnh sẽ dồn về khu vườn không sử dụng thuốc BVTV. Mặt khác người dân có thói quen trồng xen cây atiso với các loại cây khác nên việc không sử dụng thuốc BVTV là khó thực hiện, chưa kể nguy cơ nhiễm chéo…quan trọng nhất là sử dụng ở mức độ nào…

Để giải quyết bài toán vùng nguyên liệu sạch, theo bà Cơ một mình doanh nghiệp không thể thực hiện được vì doanh nghiệp không có quỹ đất đủ lớn… Do đó cần sự chung tay của chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, định hướng phương thức chăm sóc mới theo hướng sạch cho bà con nông dân.

Công ty được Thủ tướng Chính phủ tặng giải vàng chất lượng quốc gia năm 2015.

Bên cạnh đó, Ladophar đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường. Song song với đó là không ngừng nghiên cứu khoa học để tiếp tục cho ra những sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu xã hội.

“Người tiêu dùng ngày nay rất thông minh, nếu sản phẩm không đảm bảo sẽ nhanh chóng bị loại khỏi thị trường. Do đó phát triển sản phẩm xanh, sạch, thân thiện với môi trường là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững, không chỉ với doanh nghiệp mà cả người nông dân”, đại diện Ladophar cho hay.

Đọc thêm