Nói không xa, từ đầu năm đến nay, đất nước gặp khó khăn kép, cả về dịch bệnh Covid-19 và thiên tai nhưng đến giờ, có thể khẳng định mục tiêu về lương thực đạt được. Tính đến giữa tháng 8/2020, xuất khẩu gạo tăng hơn hai con số. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản có thể đạt mục tiêu đề ra. Cả vùng nông thôn rộng lớn cả về diện tích và dân số là nền tảng, dư địa phát triển, ổn định xã hội, là thế mạnh của Việt Nam trước các cú sốc bên ngoài.
Dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam đã ba giai đoạn. Khó khăn như thế nhưng nền kinh tế không bị “đứt gãy”, dự báo cả năm không tăng trưởng âm là một cố gắng rất lớn. Đây cũng là minh chứng rõ nét của định hướng đúng và các giải pháp quyết liệt phòng chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời thể hiện nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước. Kết quả đạt được góp phần quan trọng củng cố niềm tin của doanh nghiệp, người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ.
Câu nói “Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi trí bất hưng, phi thương bất hoạt” được chứng minh.
Việt Nam đã có thêm nhiều cơ hội phát triển như tham gia nhiều FTA, các xu thế chuyển dịch đầu tư, chuyển dịch công nghệ; có thể tạo nên các động lực phát triển mới cho giai đoạn tới như xây dựng trung tâm logistics quốc tế, tài chính quốc tế… Càng khó khăn, thách thức Việt Nam càng đoàn kết, thể hiện bản lĩnh. Theo kết quả cuộc điều tra xã hội học, tìm hiểu dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương, người dân được hỏi đều thể hiện sự tin tưởng đối với các biện pháp của Đảng, Nhà nước trong phòng chống Covid-19, nói lên tình cảm dân tộc, “Ý Đảng, lòng dân”. Đây là nền tảng quan trọng để vượt qua khó khăn.
Hiện nay, các tỉnh/ thành phố đang chuẩn bị Đại hội Đảng, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 13. Có thể nói, đây cũng là giai đoạn của “thời khắc lịch sử”. Đất nước và con người Việt Nam hơn lúc nào hết phải thích ứng, thay đổi để vượt qua khó khăn với tinh thần lạc quan có thể.
Việt Nam tỏ ra luôn bản lĩnh để làm rõ các nội hàm về phát triển, bồi dưỡng nhân tài, khát vọng phát triển, hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới với tính tự chủ, khả năng thích ứng và chống chịu của nền kinh tế.
Hiện nay, nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, các mô hình, phương thức kinh doanh mới đang trở thành vấn đề mang tính sống còn trong điều kiện bình thường mới do tác động của Covid-19. Những xu hướng mới đã và đang hình thành nhanh và phức tạp. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức trên tất cả các phương diện. Trong một thế giới vận động phức tạp nhạy cảm, nhanh nhạy cũng là bản lĩnh Việt Nam.