Khát vọng vươn xa từ vùng đất bãi bồi

(PLVN) - Vùng đất Bạc Liêu vốn được thiên nhiên ưu đãi, có khí hậu ôn hòa quanh năm, 2 mùa mưa nắng rõ rệt, địa hình bằng phẳng, hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt. Đặc biệt, với bờ biển dài hơn 56 km, bãi bồi rộng, đã tạo nên những tiềm năng, thế mạnh ít nơi nào có được…

Quyết tâm đánh thức tiềm năng

Hơn 10 năm qua, dọc chiều dài 56 km vùng bãi bồi ven biển và khu vực tiếp giáp bên trong đê biển của Bạc Liêu chỉ là những vạt rừng phòng hộ xung yếu, bãi bồi sình lầy và những khu rừng sản xuất kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Suốt hàng thập kỷ, thu nhập của người dân các địa phương ven biển của tỉnh chỉ trông nhờ vào săn bắt nguồn thủy sản tự nhiên dưới tán rừng và thả tôm theo mô hình quảng canh, với kiểu may nhờ rủi chịu. Và cũng vì rủi nhiều hơn may, mà cuộc sống của họ luôn cơ cực, bấp bênh.

Với quyết tâm đánh thức tiềm năng vùng ven biển, tạo việc làm ổn định cho người dân, những năm qua, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức nhiều đoàn xúc tiến, mời gọi đầu tư vào 2 lĩnh vực thế mạnh ven biển của tỉnh, đó là nuôi tôm nước lợ theo mô hình siêu thâm canh ứng dụng công công nghệ cao và phát triển các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như: Điện gió, điện khí và điện mặt trời. Nhiều công ty, tập đoàn trong và ngoài nước đã đến khảo sát, đầu tư vào lĩnh vực nuôi tôm công nghệ cao và năng lượng tái tạo trên vùng đất bãi bồi ven biển của tỉnh. 

Điện gió trên bãi bồi ven biển Bạc Liêu là đơn vị hòa lưới điện quốc gia sớm nhất ĐBSCL.
 Điện gió trên bãi bồi ven biển Bạc Liêu là đơn vị hòa lưới điện quốc gia sớm nhất ĐBSCL.

Qua thăm dò, khảo sát kết hợp với số liệu đo gió thực tế, các Công ty và các chuyên gia về lĩnh vực năng lượng tái tạo đánh giá rằng: “Tiềm năng gió của vùng bãi bồi ven biển các tỉnh Tây Nam Bộ còn rất lớn, trong đó khu vực ven biển tỉnh Bạc Liêu là nơi có trữ lượng gió tương đối ổn định, tốc độ gió bình quân đạt trên 6,5m/s, là điều kiện rất phù hợp để đầu tư các dự án điện gió, cùng với các điều kiện thuận lợi về giao thông, đường biển, hạ tầng lưới điện, địa hình, địa chất và không ảnh hưởng khu dân cư sinh sống”. 

Mốc son đánh dấu cho sự trở mình đầu tiên của vùng đất bãi bồi Bạc Liêu, đó là tháng 9/2010, dự án Nhà máy Điện gió đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu được khởi công giai đoạn I thuộc xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu), do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Du lịch Công Lý làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô công suất là 99,2 MW, điện năng sản xuất 320 triệu KWh/năm, vốn đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng. Đến nay, dự án này đã sản xuất và hòa vào lưới điện quốc gia, doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng. Hiện tại, đơn vị này đã khởi công dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu III có công suất 142MW. 

Hướng đến mục tiêu trở thành Trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của đất nước

Từ thành công bước đầu, cách đây 5 năm, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã chủ động đề xuất Chính phủ rút Cụm nhà máy nhiệt điện than Cái Cùng ra khỏi Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Tổng sơ đồ điện VII) bởi điện than sẽ rất khó dung hòa với vùng đất ngập mặn ven biển Bạc Liêu mà vùng đất này chỉ phù hợp với lĩnh vực năng lượng sạch, điện gió, điện khí, điện mặt trời. Đề xuất này đã được Chính phủ và các bộ ngành Trung ương đánh giá cao, vì nó phù hợp với xu thế “Vừa phát triển sản xuất, vừa bảo vệ môi trường”. 

Rừng mắm ven biển bãi bồi Bạc Liêu được xem là giải pháp bền vững để ứng phó lâu dài và hiệu quả với biến đổi khí hậu.
 Rừng mắm ven biển bãi bồi Bạc Liêu được xem là giải pháp bền vững để ứng phó lâu dài và hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, trong chuyến thăm và làm việc tại Bạc Liêu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ghi nhận sự nhạy bén của tỉnh Bạc Liêu về vấn đề này và cho rằng: Tỉnh Bạc Liêu đã xác định đúng hướng trong phát triển, đồng thời đề nghị các Bộ, ngành TW ủng hộ để Bạc Liêu thực hiện khát vọng trên.

Với mục tiêu phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, Bạc Liêu đã tích cực mời gọi đầu tư và trở thành địa phương thu hút nhiều dự án động lực nhất về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong khu vực. Từ năm 2019 đến nay đã có 10 dự án nhà máy điện gió được khởi công trên địa bàn khu vực bãi bồi ven biển của tỉnh, với tổng công suất 562MW và tổng vốn đăng ký đầu tư gần 1 tỉ USD, trong đó một số nhà máy điện sẽ hòa vào điện lưới Quốc gia vào năm tới 2021. 

Điển hình như Dự án nhà máy điện gió Đông Hải 1 - giai đoạn 1, do Công ty cổ phần Điện gió Bắc Phương làm chủ đầu tư, công suất thiết kế  là 50MW với diện tích khu vực biển dự kiến sử dụng cho dự án hơn 284 ha, tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng. Được khởi công vào tháng 7/2020, dự kiến vận hành thương mại vào tháng 10/2021. Hiện nay, đơn vị này cũng đã khởi công giai đoạn II của dự án, tổng công suất cả 2 giai đoạn của nhà máy điện gió này sẽ là 100 MW và là dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều phát biểu tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Bạc Liêu khoá IX.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều phát biểu tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Bạc Liêu khoá IX. 

Cùng với các dự án đã khởi công, Bạc Liêu có 27 dự án điện gió khác với tổng công suất hơn 5 ngàn MW đang trình bổ sung quy hoạch điện VIII quốc gia. Bạc Liêu đã đặt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, chọn năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển hàng đầu. Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), công suất 3 ngàn 200MW, tổng vốn đầu tư 4 tỉ USD sẽ khởi công vào đầu năm tới. Dự án này sẽ vận hành tổ máy đầu tiên 750MW vào năm 2024 và hoàn thành toàn bộ dự án năm 2027. 

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, khẳng định: “Dự án trên được kỳ vọng sẽ góp phần nâng giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp của tỉnh và đóng góp hơn 50% tổng thu ngân sách. Dự án này được xem là khâu đột phá, tạo động lực rất quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm hàng đầu về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của khu vực và cả nước”./.

Bạc Liêu vẫn là một tỉnh nghèo, phụ thuộc một phần vào ngân sách hỗ trợ của Trung ương. Cuộc sống của người dân vùng bãi bồi ven biển Bạc Liêu phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản tự nhiên, cũng lênh đênh như những cơn sóng biển. 

Đó là tiềm năng về phát triển nghề nuôi tôm nước lợ và năng lượng tái tạo. Song, do tiềm lực đầu tư công còn hạn chế, khả năng mời gọi đầu tư chưa hiệu quả nên suốt thời gian dài, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hiệu quả. 

Đặc biệt, với khát vọng đưa Bạc Liêu trở thành một tỉnh khá trong khu vực, lãnh đạo tỉnh những năm gần đây đã tập trung mọi nguồn lực để đánh thức vùng đất bãi bồi, vươn mình ra biển lớn. 

Phần 2: Khát vọng trở thành Trung tâm công nghiệp tôm của cả nước

Đọc thêm