Khen quá hóa vô tình... "cổ súy" cho định kiến giới

Trong rất nhiều câu chuyện ngoài xã hội và trên báo có cụm từ “anh Nguyễn Văn A. là con trai duy nhất trong một gia đình làm nông nghiệp có 3 chị em”; “dù chị Nguyễn Thị B. chỉ sinh được 2 con gái nhưng chồng rất mực thương yêu chị”…, người nói và người viết không hề biết mình đang cổ vũ cho quan niệm con trai quan trọng hơn con gái, vô tình củng cố luận điểm cổ hủ “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”...

Vì điều chỉnh đối tượng đặc thù là giới, bình đẳng giới, định kiến giới…, nên “con đường đi” của Luật Bình đẳng giới cũng rất khác các đạo luật khác. Thế nên, mới dẫn đến tình huống, nhiều người, cơ quan, tổ chức… vi phạm quy định của luật mà không hề hay biết. Thậm chí, vẫn đinh ninh rằng mình đang nói đúng với chủ trương của luật.

Con trai duy nhất trong một gia đình có… ba chị em

Trong rất nhiều câu chuyện ngoài xã hội và trên báo có cụm từ “anh Nguyễn Văn A. là con trai duy nhất trong một gia đình làm nông nghiệp có 3 chị em”; “mặc dù chị Nguyễn Thị B. chỉ sinh được 2 con gái nhưng chồng rất mực thương yêu chị”…, người nói và người viết không hề biết rằng mình đang cổ vũ cho quan niệm con trai quan trọng hơn con gái, vô tình củng cố luận điểm cổ hủ “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, một lý do cơ bản của việc lựa chọn giới tính thai nhi.

Tương tự, trong lĩnh vực quảng cáo, định kiến giới thể hiện rất rõ ràng qua mô típ đàn ông phải là những người mạnh mẽ, dũng cảm quyết đoán, còn phụ nữ thường yếu đuối, mỏng manh, cần được sự che chở của người khác.

Đối với quảng cáo các sản phẩm gia đình, nữ giới thường xuất hiện trong vai trò là người lựa chọn các sản phẩm và chăm lo cho nhu cầu của gia đình nói chung và nam giới nói riêng.

Sự lặp đi lặp lại này vô hình trung đã “hằn” trong suy nghĩ xã hội một quan niệm rằng phụ nữ có vai trò chăm sóc gia đình, còn nam giới được “miễn nhiệm”. Các vụ bạo lực gia đình xảy ra ngày càng nhiều trong xã hội, tuy nhiên trước một vụ bạo lực nhiều người lại chép miệng cho rằng bạo lực là do nam giới thể hiện sự… nóng tính của mình và nóng tính cũng là do phụ nữ có lỗi.

Quan niệm này ăn sâu đến mức, tại Hội thảo về Phòng chống BLGĐ toàn quốc diễn ra tháng 9/2012, một diễn giả đã rất bức xúc khi kể lại sự thật mình chứng kiến: người của tổ chức đoàn, hội ở một địa phương khi đi hòa giải BLGĐ, thay vì phê phán thói vũ phu của người chồng, lại quay sang chỉ trích người vợ là nạn nhân rằng: “Chắc chị thế nào nên ông ấy mới đánh chứ gì!”…

Mới đây, Vụ Các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp cùng Tổ chức Csaga và Oxfam (Anh) buổi hội thảo mang chủ đề: “Khảo sát việc thực hiện các quy định pháp luật về bình đẳng giới và dân số trên một số phương tiện thông tin đại chúng”.

Nhận định đưa ra sau khảo sát cho thấy, việc vi phạm pháp luật về bình đẳng giới đang hàng ngày, hàng giờ diễn ra trên rất nhiều lĩnh vực như: dân số, quảng cáo, quan niệm xã hội về vai trò, tính cách nam-nữ, bạo lực gia đình…

“Người canh đền” cho luật

Từ những tình huống phạm luật vô tình nói trên, có thể thấy, truyền thông với đủ loại hình thái tuyên truyền của mình, đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện Luật Bình đẳng giới. Hay nói cách khác, truyền thông chính là “người canh đền” cho đạo luật.

Tuy nhiên, khảo sát của Csaga và Oxfam cho thấy, sự thực hiện các chính sách liên quan đến bình đẳng giới trong các cơ quan truyền thông đại chúng còn nhiều hạn chế.

Điều này thể hiện trên một số khía cạnh như: bản thân các cơ quan truyền thông chưa hiện thực hoá, lồng ghép các quy định về bình đẳng giới cho chính các cán bộ, phóng viên; việc tìm hiểu về kiến thức bình đẳng giới cũng như lồng ghép vấn đề này trong tác nghiệp được quan niệm là thuộc các phòng ban chuyên trách như chuyên về gia đình, dân số, sức khoẻ sinh sản…

Hoặc rộng hơn là các phòng ban chuyên hoạt động về các vấn đề văn hoá – xã hội; việc bồi đắp kiến thức đối với đội ngũ cán bộ tác nghiệp trong các khu vực khác là không cần thiết hoặc không phải là vấn đề bắt buộc hay cấp bách; các hoạt động nhằm bồi đắp kiến thức và kỹ năng cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên trong các cơ quan báo chí thường không phải là các hoạt động chính thức, chủ động, thường niên của cơ quan báo chí...

“Từ khi tôi về báo công tác, tôi chưa bao giờ được dự bất cứ một lớp tập huấn nào về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình…hay có khi có giấy mời cũng chưa chắc đã đến phóng viên như bọn tôi nếu không mời đích danh. Giờ chị nói về trường hợp bài viết nếu không đảm bảo nhạy cảm giới có thể vô tình gây định kiến giới tôi mới biết. Tôi là phóng viên thì cứ phản ánh vụ việc thôi, cũng không để ý đến những điều như chị nói”, một phóng viên tham gia phỏng vấn sâu cho biết.

Để nhanh chóng cải thiện tình hình, tại hội thảo “Khảo sát việc thực hiện các quy định pháp luật về bình đẳng giới và dân số trên một số phương tiện thông tin đại chúng”, một số khuyến nghị đã được cái đại biểu tham dự gửi tới các cơ quan truyền thông và quản lý truyền thông.

Cụ thể, với cơ quan quản lý truyền thông việc cần làm ngay là hợp tác với các cơ quan chuyên môn để xây dựng/chuẩn hóa bộ hướng dẫn phóng viên cách thức đảm bảo nhạy cảm giới trong các sản phẩm truyền thông, trong truyền thông về về bạo lực gia đình, pháp lệnh dân số, nhạy cảm giới trong các hoạt động quảng cáo…nhằm tiến tới đảm bảo việc thực hiện giảm dần các định kiến giới và hướng tới loại bỏ các định kiến này trong các sản phẩm truyền thông đại chúng.

Đối với cơ quan truyền thông, ngoài việc xây dựng/chuẩn hóa bộ hướng dẫn phóng viên cách thức đảm bảo nhạy cảm giới trong các sản phẩm truyền thông, thì cần chủ động tập huấn, bồi đắp kiến thức cho phóng viên, biên tập viên về bình đẳng giới, luật phòng chống bạo lực gia đình; và hình thành bộ phận giám sát việc thực hiện nhạy cảm giới để đảm bảo các sản phẩm truyền thông đại chúng khi đến với công chúng, là những sản phẩm đảm bảo nhạy cảm giới.

Dương Nhi

Đọc thêm