Theo quy định trước đây, việc cấp phép biểu diễn nghệ thuật được tách thành hai nhóm với tác phẩm sáng tác trước 1975 hoặc của người Việt Nam sinh sống, định cư ở nước ngoài; và tác phẩm sau 1975.
Với tác phẩm sáng tác sau 1975 sẽ không cần phải cấp phép phổ biến mà chỉ cần cấp phép biểu diễn theo từng chương trình cụ thể. Tuy nhiên, với tác phẩm sáng tác trước 1975 và của người Việt Nam ở hải ngoại thì phải được cấp phép phổ biến, sau đó mới được đưa vào các chương trình biểu diễn nghệ thuật.
Chuyện cấp phép cho các ca khúc trước 1975 từ nhiều năm nay đã gây tranh cãi gay gắt trong dư luận. Cộng đồng kiều bào hiện có tới hơn 5 triệu người, trong đó không ít người từng sống ở miền Nam trước 1975, nên việc “phân biệt đối xử” với các ca khúc là điều khiến nhiều người “chạnh lòng”.
Tranh cãi về vấn đề này tiếp tục bùng lên vào tháng 3/2017, khi Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL) đột ngột yêu cầu dừng lưu hành 5 ca khúc trước 1975 với lý do không rõ ràng. Nhiều ý kiến bức xúc, cho rằng đây là quyết định không phù hợp thực tiễn, thể hiện tư duy ôm đồm, quan liêu, “không quản được thì cấm”. Nhiều người dẫn chứng “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dù được hát khắp mọi nơi hơn 50 năm, mà vẫn chưa được cấp phép. Trước phản ứng gay gắt của dư luận, Cục phải thu hồi lại quyết định.
Việc “phân biệt đối xử” ca khúc không còn phù hợp, trong nhiều trường hợp gây ra những bất cập, thậm chí là mâu thuẫn, bức xúc trong xã hội. Đâu phải cứ tác phẩm trước 1975 là xấu và đâu phải cứ tác phẩm sau 1975 là hay. Vì vậy cần phải có sự bình đẳng giữa mọi ca khúc thuộc mọi giai đoạn lịch sử. Đó mới là quan niệm đúng đắn.
Với quy định mới, nghệ sĩ được quyền hát những tác phẩm hay, phù hợp, đảm bảo không phạm vào 4 điều cấm cơ bản trong Nghị định 144. Đạo diễn, nhà sản xuất được quyền chọn chương trình, tiết mục nào mình thích chứ không còn lệ thuộc vào giấy phép.
Với quy định mới, người nghệ sĩ phải tự “kiểm duyệt” mình trước. Quyền kiểm soát thuộc về toàn dân và người dân có quyền lựa chọn những thứ mà mình thích, nhà quản lý không thể bắt dân nghe những thứ họ không muốn hoặc cấm họ nghe những bài hát họ thích mà không phạm vào những điều cấm chung. Các cơ quan quản lý chỉ can thiệp và có quyền kiểm soát, xử phạt khi có vi phạm.
Năm năm trước, Chỉ thị 45-CT/TW từng chỉ rõ tồn tại “việc ban hành và thực hiện một số cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài bảo tồn, phát huy bản sắc, truyền thống văn hoá của dân tộc và góp phần xây dựng đất nước còn chậm, chưa đồng bộ, kết quả còn hạn chế (…) Một số bà con vẫn còn giữ thái độ định kiến, mặc cảm…”.
Vì vậy với quy định mới trong Nghị định 144, có thể nói đó không chỉ là một động thái biến chuyển tích cực, mà còn thể hiện quyết tâm khép lại quá khứ, một lần nữa khẳng định chủ trương chính sách “Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.