Khi anh chỉ muốn yêu... chàng và những bi kịch cuộc đời

Mặc dù ở Việt Nam đã có đám cưới của người đồng giới nhưng tình yêu của họ vẫn bị xã hội xem như một điều bệnh hoạn. Sự dè bỉu, khinh bỉ của xã hội đã khiến người đồng tính nói chung và đồng tính nam nói riêng luôn sống trong sự sợ hãi và những kéo theo đó là những bi kịch cuộc đời...

Mặc dù ở Việt Nam đã có đám cưới của người đồng giới nhưng tình yêu của họ vẫn bị xã hội xem như một điều bệnh hoạn. Sự dè bỉu, khinh bỉ của xã hội đã khiến người đồng tính nói chung và đồng tính nam nói riêng luôn sống trong sự sợ hãi và những kéo theo đó là những bi kịch cuộc đời...

Sống trong sợ hãi

Thời đi học, H. (20 tuổi, ở HN) thường bị bạn bè trêu chọc bởi dáng vẻ hơi con gái của mình. Hàng ngày, cậu phải hứng chịu những trò đùa ác ý của lũ bạn. Chúng thường xúm vào chỉ để... tụt quần và sờ bộ phận sinh dục của cậu, “kiểm tra” xem chúng có bình thường hay không. Bây giờ, dù đã ở cái tuổi ngoài 30 nhưng nhớ lại cảm giác lúc đó, H thật đau đớn, tủi hổ vô cùng. Một ngày, bố của H. trở về nhà và bắt gặp cậu đang ôm hôn một bạn trai khác. Ông nghĩ cậu đang mắc một căn bệnh tâm thần nào đó nên cần phải chữa trị.

Cậu bị cách ly trong căn phòng vỏn vẹn chỉ có 7m2 và bị đối xử như những người tâm thần không có khả năng kiểm soát. Những ngày trong viện cậu phải ngủ triền miên do tác dụng của thuốc ngủ và chỉ được thức dậy vào những khi ăn. Sau đó, cậu chỉ được giải thoát sau 30 ngày khi hứa với bố mẹ là sẽ không yêu con trai nữa và sẽ là một người con như bố mẹ mong đợi.

D, 19 tuổi ở TP. HCM cũng phải nghỉ học khi chưa tốt nghiệp cấp 3 vì không thể chịu đựng hơn nữa sự chế giễu của thầy cô và bạn bè về tình cảm của em với một bạn trai cuối cấp. Từ sau khi gia đình biết chuyện, D thường xuyên bị cha đánh vào đầu bằng chiếc ổ khóa to tướng khiến đầu cứ sưng từng cục lớn. Mọi người lại miệt thị D bằng cái tên... “D. đầu búa”. Không dừng lại ở đó, gia đình còn xích chân cậu vào cầu thang. D nằm đó không ăn, không tắm giặt trong suốt 19 ngày. Chiếc cầu thang ở ngay cạnh nhà vệ sinh nên bố mẹ chỉ để đoạn dây xích đủ dài cho cậu vào nhà vệ sinh khi có nhu cầu.

Bi kịch... ngược dòng

Là Phó Chủ nhiệm CLB Niềm tin xanh, ông Vũ Trọng Hùng (72 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bộc bạch, người đồng tính thực sự không hẳn đã thiên về giới tính từ bé mà nhiều khi bị cưỡng bức hoặc cũng do hoàn cảnh. Ngay câu chuyện của chính bản thân ông cũng bắt đầu từ một cuộc tình buồn.

Thời 20 tuổi, ông đã yêu một cô bạn cùng phố, tình yêu bắt nguồn từ tình bạn từ thời để chỏm. Thế nhưng, khi cuộc tình đang thắm thiết, thì người yêu ông bỏ đi lấy người khác. Ông ngậm ngùi: “Bản thân mình trở thành đồng tính vì mình hận và ghét phụ nữ. Từ đó, mình chỉ thích các bạn nam và trở thành người đồng tính. Có những người đồng tính do nhiều yếu tố xã hội tạo ra, cũng có người đồng tính do sức khỏe, tâm sinh lý gây ra”.

Một chủ nhiệm CLB đồng giới nam  nhìn nhận: “Xu hướng tình dục đồng giới nam không phải là họ chủ động muốn như vậy, mà thực sự rất tự nhiên, rất sinh học. Xu hướng tình dục đồng giới nam (MSM) bị kỳ thị bởi đó là số ít. Nhưng hãy bỏ qua những định kiến nặng nề đang tồn tại bằng cách cứ coi tình dục đồng giới là những người thuận tay trái trong một xã hội mà đa số người thuận tay phải!”.

Main, một chàng trai trẻ lại có một câu chuyện rất khác. Main chua xót và đau buồn khi nghĩ về quá khứ. Em không bao giờ quên được quãng thời gian làm tại quán tẩm quất - nơi mà em đã bị ông chủ và một đồng nghiệp nam cưỡng hiếp. Mỗi ngày em phải tiếp tới 10 - 15 người khách. Main đã bị nhiễm HIV khi vừa tròn 18 tuổi.

Đã có lúc, Main tìm cách trả thù đời. Nhưng chính cái chết của những người cùng cảnh ngộ đã giúp em tìm được cho mình một con đường khác. Main khẳng định “em không muốn một kết thúc tồi tệ hơn nữa”. Và Main tìm được ý nghĩa cuộc sống trên các các diễn đàn dành cho người có HIV. Với năng khiếu văn chương vốn có của mình, nhiều bài viết của Main thấm đẫm hơi thở của cuộc sống mà em  đã được trải nghiệm, để chia sẻ và cảnh tỉnh những người có cùng cảnh ngộ giới tính như em... Main giờ là trưởng nhóm hoạt động hỗ trợ cộng đồng nam quan hệ tình dục với nam (MSM) cho rằng: “Dù em có là người đồng tính và nhiễm H đi chăng nữa thì em vẫn là một con người đã được sinh ra trên cõi đời này và có quyền công dân cơ bản, được sống và được hòa nhập với cộng đồng.”

Khoảnh khắc cuộc đời

Với sự tài trợ của chương trình PEPPAR, phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP) đã phối hợp với MSM ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước để tổ chức triển lãm ảnh "Khoảnh khắc cuộc đời". 120 bức ảnh tham gia triển lãm phản ánh chân thực cuộc sống cũng như những tâm tư, nguyện vọng của những người đồng tính nam. Họ, những người trong giới đã tự chụp lại những khoảnh khắc cuộc sống của mình để giãi bày cảm xúc, kỷ niệm, niềm vui, nỗi đau, niềm hạnh phúc và nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng những người đồng tính nam. Hơn ai hết, họ cần xã hội tôn trọng quyền làm người bình thường như những người bình thường khác, trân trọng những gì họ đóng góp cho xã hội chứ không chỉ nhìn vào xu hướng tình dục đồng giới của họ.

Uyên Na

Đọc thêm