Ngày nay du học đã trở nên phổ biến. Thế nhưng chỉ một số rất nhỏ trong những người du học đó quay về nước làm việc. Và lại ít hơn nữa những người đầu quân vào cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Vô hình trung chất xám Việt đang bị thất thoát. Nguyên nhân từ đâu? Tại tư tưởng vọng ngoại hay tại chính những rào cản vô hình ở quê hương?
Trí tuệ chi cho bằng quan hệ
V.A là một cử nhân tài chính đã từng du học ở Úc. Theo thường lệ, sau khi tốt nghiệp cử nhân, cô có quyền ở lại làm việc trên lãnh thổ Úc hai năm để trong thời gian đó quyết định chuyện học lên cao nữa hay tìm kiếm việc làm ổn định hơn. Thế nhưng, cô đã từ chối tất cả để trở về Việt Nam vì nghĩ đến cảnh bố mẹ cô quạnh nhớ con và hơn nữa là lời hứa với bố - một cựu chiến binh, rằng cô sẽ quay trở về để phụng sự quê hương.
Với bằng cấp của mình, V.A đã dễ dàng vượt qua kỳ thi vào một đơn vị tài chính của cơ quan nhà nước. Nhưng sau đó lại là chuỗi ngày đau khổ của cô. Học ở nước ngoài, bằng giỏi lại là gái Hà Nôi chính hiệu nên ngay từ đâu V.A đã bị tị hiềm trong mắt những người đồng nghiệp đến từ các tỉnh đang vật lộn khó khăn để trụ lại ở Thủ đô sau khi học xong đại học. So với họ, cô quá sung sướng, quá giỏi giang và điều đó thật là khó chịu và khó chấp nhận!
Con người ta chỉ có một thời gian trẻ trung để sáng tạo, để cống hiến. Thế nhưng thay vì tận dụng, với kiểu làm việc kỳ dị của mình, nhiều cơ quan trong nước đã đem dâng “miếng mồi ngon nhân lực” cho người ngoài. |
Nhưng đáng sợ hơn cả vẫn là “anh sếp” – một COCC (con ông cháu cha đích thị) tuy chỉ tốt nghiệp tại chức kế toán nhưng vẫn nghiễm nhiên ngồi ghế cao vì thời buổi này “nhất quan hệ, nhì tiền tệ, ba hậu duệ, chót bẹt mới là trí tuệ” – như anh ta vẫn thường dương dương tự đắc tuyên bố. Trong bốn thứ đó, ba thức đầu anh ta có cả, duy chỉ có cái thứ tư là yếu. Vì yếu nên anh ta sẵn sàng chi tiêu vô nguyên tắc, sẵn sàng biến không thành có, mà điều đó thì V.A không hiểu và không chịu được nên cô đã thắc mắc rồi phản ứng lại.
Khỏi nói cũng biết, lòng tị hiềm của đồng nghiệp và tư duy “trí tuệ chi cho bằng quan hệ” của lãnh đạo đã đẩy người đứng đầu trong danh sách trúng tuyển ngày đó ra đi khỏi cơ quan nhanh thế nào. Khi đã yên vị ở một doanh nghiệp nước ngoài rồi, V.A vẫn ngậm ngùi: “Con người ta chỉ có một thời gian trẻ trung để sáng tạo, để cống hiến. Thế nhưng thay vì tận dụng, với kiểu làm việc kỳ dị của mình, nhiều cơ quan trong nước đã đem dâng “miếng mồi ngon nhân lực” cho người ngoài.”
Thế mới hiểu, tại sao không hiếm những ông bố bà mẹ khi tiễn con lên máy bay đi tìm kiếm kiến thức xứ người và kèm theo câu dặn dò: “Học cho tốt để ở lại làm việc nhé con!”. Không hẳn vì họ thèm mức lương tiền ngoại hay tiếc số tiền tấn mình đã bỏ ra, mà điều họ nghĩ đến trước tiên là con họ được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp đích thực.
Bà lao công quan trọng hơn tiến sĩ
Cứ mỗi khi nghĩ đến “cuộc chiến” giữa mình và… bà lao công của cơ quan, ông N. T lại đau lòng. Là tiến sĩ, ông N.T làm việc trong một cơ quan nghiên cứu tương đối lớn. Những năm gần đây, khi nhà nước chú trọng đầu tư hơn cho nghiên cứu khoa học, ông những tưởng mình sẽ có nhiều cơ hội cống hiến hơn. Nhưng không, khi lập dự trù kinh phí cho bất kỳ một nghiên cứu lớn nhỏ nào, ông T. cũng bị lãnh đạo của mình “góp ý” rằng, cứ lập ra nhiều điều mục và xin nhiều tiền vào. Nhưng đó chỉ là trên danh nghĩa, còn thực chất những khoản tiền đó sẽ được rót vào quỹ đen của cơ quan để dành cho việc tiếp khách, liên hoan…
Thấy vô lý, ông T. cự lại là nhận được cái nghiêm mặt của người lãnh đạo: “Anh đừng tưởng nhà khoa học là to nhé, anh thử đếm xem đã bao nhiêu công trình làm xong để đó rồi. Thế chi bằng tiêu vào những chỗ cần thiết hơn”. Ông T. nghẹn đắng…
Ở cơ quan ông T. có một bà lao công già rất nhiều lời. Cứ thành lệ, bốn giờ chiều là bà xua mọi người đi về để tắt đèn, đóng cửa, vệ sinh hành lang. Nhưng ông T. thường xuyên ở lại quá giờ đó khi là để tìm kiếm thêm tài liệu trên mạng, khi là để dịch nốt mấy trang nghiên cứu còn đang dở. Nhưng bà lao công đã đứng oang oang ở cửa: “Này anh kia, anh điếc hay mù mà không biết mấy giờ rồi? Về mau cho tôi còn đóng cửa, chứ không tí nữa giày anh làm bẩn hành lang tôi mới lau thì chết với tôi”. Nhịn một lần, hai lần nhưng đến lần thứ ba thì ông T. đem câu chuyện này ra trong cuộc họp công đoàn. Nào ngờ lãnh đạo của ông thản nhiên giải thích: “Bà ấy già rồi chấp gì, với lại công việc bà ấy cũng quan trọng ấy chứ, trực tiếp làm ra sản phẩm chứ đâu… nghiên cứu vẩn vơ(!)”. Nguyên nhân sâu xa của sự khó chịu này thì ông T. biết đó là vì lãnh đạo của ông bằng cấp mới chỉ dừng lại ở hai chữ thạc sỹ nên luôn sợ người khác khinh mình.
Có người nói rằng: “Khó biết chính xác tổng số người gốc Việt Nam đã hoặc đang giảng dạy tại các trường đại học, hoặc làm việc ở các viện nghiên cứu, ở nước ngoài là bao nhiêu, nhưng có thể ước đoán rằng con số này có thể gần bằng con số các đồng nghiệp của họ ở các trường đại học, các viện nghiên cứu trong nước”. Những câu chuyện trên đây hẳn là một trong những lý do cho dù nhỏ nhặt “đẩy” những “nguyên khí quốc gia” phải xuất ngoại?
Phương Mi