Khi bạn tự xấu xí trong thế giới phẳng…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm gần đây, cùng với sự phát triển thời 4.0, các trang mạng xã hội nói riêng đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống. Khi mà con người đã coi mạng xã hội là “môi trường xã hội” thì văn hóa ứng xử ở đó không còn là câu chuyện trên không gian “ảo”…
Việt Nam không thể tiếp tục “thăng hạng ở tốp đầu ứng xử trên mạng xã hội kém văn minh nhất thế giới (Google) (Ảnh minh họa).
Việt Nam không thể tiếp tục “thăng hạng ở tốp đầu ứng xử trên mạng xã hội kém văn minh nhất thế giới (Google) (Ảnh minh họa).

Từ những “thương hiệu” rác một thời

Ngày nay, mạng xã hội (MXH) thực sự là một bộ phận quan trọng trong “hệ sinh thái mới”, mang đến cho con người những lợi ích không hề nhỏ. Tuy nhiên, việc sử dụng MXH cũng ẩn chứa những mặt trái tạo nên những nguy cơ biến đổi văn hóa, ứng xử trên MXH. Những hệ lụy của MXH (như: Facebook, Twitter, Tiktok, Youtube,…) đã không còn chỉ là cảnh báo mà đang ở mức báo động. Thông tin giả, độc hại xuất hiện và lan truyền với tốc độ chóng mặt và rất khó kiểm soát, trên các trang MXH là tràn lan các hình ảnh kích động bạo lực, khiêu dâm, các mối quan hệ “ảo” làm tăng khả năng bị lừa đảo, xúc phạm, xâm hại…

Đã có biết bao chuyện “dở khóc, dở cười” được đưa lên truyền thông như nữ sinh khoe thân để thu hút người đọc. Nhóm học sinh lập nhóm nói chuyện để nói xấu giáo viên dẫn đến bị đình chỉ học… Nghiêm trọng hơn, là những ca bệnh trầm cảm, tự kỷ vì quá say mê “thế giới ảo” và thậm chí là những vụ tự tử thương tâm vì bị xúc phạm trên MXH khiến dư luận bàng hoàng.

Nguy hại hơn, ảnh hưởng xấu của MXH đang lan đến thiếu nhi, lứa tuổi “búp trên cành” trong trẻo. Ngay cả trên Youtube Kids, kênh giải trí dành riêng cho trẻ em cũng xuất hiện nhiều video với nội dung dung tục, phản cảm đan xen trong các loạt phim hoạt hình nổi tiếng, thu hút hàng triệu lượt xem…

Còn nhớ những clip dành cho trẻ em nhưng nội dung nhảm nhí, thậm chí độc hại, phản giáo dục vài năm trước. Kênh Thơ Nguyễn với đỉnh điểm là clip “xin vía học giỏi” từ búp bê giống Kumathong khiến nhiều người phẫn nộ, làn sóng “tẩy chay” dâng cao và cơ quan chức năng phải tuýt còi.

Ảnh hưởng xấu từ mạng xã hội đang lan tới thiếu nhi. (Ảnh minh họa)

Ảnh hưởng xấu từ mạng xã hội đang lan tới thiếu nhi. (Ảnh minh họa)

Chưa dừng lại ở đó, phụ huynh lại một phen tá hỏa, choáng váng với kênh Timmy TV với những nội dung phản cảm, kinh dị và truyền bá mê tín dị đoan ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em. Nhiều phụ huynh đã bất bình và mong muốn những clip lệch lạc này bị xóa bỏ vĩnh viễn. Sau đó, Cục Trẻ em Bộ LĐ-TB&XH đã gửi văn bản đến Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an nhằm yêu cầu ngăn chặn, xóa hoặc gỡ bỏ kênh Timmy TV. Bên cạnh đó, còn không ít clip được “gắn mác” dành cho trẻ em trôi nổi trên mạng với ngôn từ tục tĩu, bạo lực, ma quái, lệch chuẩn, thiếu tính giáo dục… khiến nhiều người không khỏi rùng mình.

Hẳn nhiều người chưa quên những clip phản cảm như đốt xe của Khá Bảnh. Sau đó các kênh youtube nhảm nhí, phản cảm của Khá Bảnh với hàng triệu người theo dõi đã bị cơ quan chức năng yêu cầu Google gỡ bỏ, vô hiệu hóa. Khá Bảnh đã bị bắt vì các tội danh đánh bạc, tổ chức đánh bạc, đòi nợ thuê. Huấn Hoa Hồng cũng là một nhân vật được nhiều người trẻ biết đến khi liên tục xuất hiện trong các buổi livestream hợm hĩnh khoe tài sản, có nhiều phát ngôn gây sốc, chửi bậy, nói đạo đức giả, lối sống thiếu lành mạnh. Huấn Hoa Hồng cũng từng bị công an phát hiện có sử dụng ma túy.

Một “thương hiệu nhảm nhí” khác, lại không phù hợp thuần phong mỹ tục liên tục bị người xem phản ứng và nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt, yêu cầu gỡ bỏ là Hưng Vlog với clip ăn trộm tiền trong heo đất của em rồi ăn chơi, thịt gà còn nguyên lông nấu cháo. Nối gót Hưng Vlog là hậu duệ Hậu Troll với clip trộm gà hàng xóm rồi mời hàng xóm ăn cũng khiến người xem không thể chấp nhận, vô tình cổ xúy cho một thói hư tật xấu.

Đến nghệ sỹ tự làm mình xấu xí

Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ đã có những cách thức đến gần hơn với công chúng thông qua việc chia sẻ không chỉ các hoạt động nghệ thuật mà còn cả các hoạt động xã hội, cuộc sống cá nhân…

Tuy nhiên, có một số nghệ sĩ đã lợi dụng MXH để có những hành vi, lối ứng xử kém văn hóa, đi lệch với chuẩn mực của văn hóa ứng xử văn minh mà người nghệ sĩ cần có. Đó là việc sử dụng những lời lẽ thô tục, vô văn hóa trên MXH để gây sự chú ý nhằm “câu like”, “câu view”, tăng tương tác trên MXH. Thậm chí, có hiện tượng không ít nghệ sĩ livestream để “bóc phốt” đồng nghiệp, chửi bới, đe dọa, xúc phạm, miệt thị, công kích lẫn nhau vì sự ghen ghét, đố kị cá nhân… Những video livestream của một số nghệ sĩ thường thu hút đông đảo người xem, phần đông vì tò mò, hiếu kỳ. Song hầu như công chúng đều ngán ngẩm, phẫn nộ trước những ứng xử kém văn hóa của một số nghệ sĩ.

Vụ việc một thầy giáo ở Trường Văn hóa đăng tải những lời lẽ thiếu văn hóa trên trang Facebook cá nhân, một doanh nhân lập riêng một fanpage để phản bác lại những lời tố cáo và lời qua tiếng lại bằng những ngôn từ thiếu chuẩn mực hay việc mỗi ngày người dùng MXH hội bị bủa vây bởi hàng triệu thông tin tiêu cực, xấu xí, thông tin sai sự thật một cách gián tiếp hoặc trực tiếp là thực trạng diễn ra trên MXH hiện nay.

Bên cạnh đó, có một thực tế không thể phủ nhận tại Việt Nam, nhiều cư dân mạng chẳng cần biết đầu đuôi tranh luận thế nào, người trong cuộc với câu chuyện ai sai, ai đúng… nhưng sẵn sàng lao theo số đông phản đối gay gắt bằng nhiều hành động thậm chí có tính chất cực đoan. Họ thể hiện sự không vừa lòng bằng đủ kiểu hình thức như lập nhóm tẩy chay, ghép hình “dìm hàng”, spam tin nhắn hàng loạt với nội dung đe doạ…

Có lẽ, hình phạt nặng nề nhất đối với người nghệ sỹ là sự coi thường, mất niềm tin, “tẩy chay” của người hâm mộ dành cho các nghệ sĩ. Mặc dù đã có những lời xin lỗi, thanh minh nhưng không thể dễ dàng khỏa lấp sự mất niềm tin, yêu mến của công chúng đối với không ít nghệ sĩ. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người hâm mộ đã đề nghị với các cơ quan quản lý phải có những hình thức kiểu “phong sát” giống như ở Trung Quốc, Hàn Quốc đối với những nghệ sĩ có lối ứng xử “lệch chuẩn”…

Và phụ huynh “hồn nhiên”

Cùng với đó, việc bố mẹ khoe ảnh các bé con dễ thương, đáng yêu… trên MXH, muốn thông báo những sự kiện chính trong cuộc đời con qua các bức ảnh là chuyện gần như mọi bà mẹ đều đã làm. Tuy nhiên, mặt trái của việc này và những hệ lụy (nhất là đối với con của người nổi tiếng) cũng không hiếm. Thế nên khá nhiều người nổi tiếng luôn tiết chế và sử dụng hình ảnh, thông tin của con mình một cách kín kẽ, thậm chí giấu mặt trẻ. “Làm sao biết được 100 người khi xem đều có thành ý và không dùng hình ảnh con mình cho những ý đồ riêng; nên tránh đưa thông tin, hình ảnh cụ thể về con quá nhiều trên mạng là điều các ông bố, bà mẹ nên làm.

Nhiều phụ huynh cho rằng, “vì bố mẹ được sử dụng hình ảnh trẻ dưới 7 tuổi mà không cần xin phép nên người lớn càng cần có ý thức bảo vệ con. Việc cha mẹ đi công tác hay thường xuyên vắng nhà cũng không nên công khai thoải mái vì dễ khiến con ở nhà gặp nguy hiểm. Thế giới càng phẳng, thông tin càng dễ được tìm thấy thì sự cẩn trọng không bao giờ thừa”, một bà mẹ có cậu con trai năm tuổi bụ bẫm từng bị một vài trang mạng bán đồ dùng cho trẻ em dùng ảnh không xin phép để quảng cáo sản phẩm, chia sẻ.

Mới đây, nhiều người phản đối vợ một nghệ sĩ nổi tiếng trước việc chị này đem chuyện tế nhị của con lên MXH. Chúng bắt nguồn từ việc chị này chia sẻ một dòng trạng thái trên trang cá nhân, khuyên các phụ huynh nên kiểm tra điện thoại của con em thường xuyên, đồng thời tiết lộ con trai bị lôi kéo vào các nhóm có nội dung 18+ trên MXH.

Tại nhiều diễn đàn, hội nhóm, câu chuyện về cậu bé thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác cho mỗi bài viết. Sự thay đổi, phát triển của con trẻ ở tuổi thiếu niên từng khiến không ít phụ huynh lo lắng. Bởi ở tuổi này, sự tò mò, khám phá thế giới của những đứa trẻ đôi khi vượt quá suy nghĩ của người lớn. Sự hốt hoảng, tức giận của người mẹ này phần nào để thể hiện được trạng thái ấy. Tuy nhiên, thay vì bình tĩnh để trò chuyện với con, chị đã không giữ được sự sốc của mình về cậu con trai 13 tuổi.

Trên fanpage VnHomies, một bài phân tích nhận được hơn 1.200 lượt yêu thích, đồng tình. Theo bài viết, việc một đứa trẻ 13, 14 tuổi tìm hiểu về những vấn đề giới tính, tình dục là bình thường. Câu chuyện này hoàn toàn có thể giải quyết êm đẹp bằng cách từ từ uốn nắn, hoặc tìm các giải pháp thông qua lời tư vấn từ chuyên gia trên Google. “Hãy thử nghĩ xem, đứa trẻ 13 tuổi sẽ phải đối mặt với thầy cô, bạn bè, họ hàng như thế nào khi mẹ nó lên mạng bảo rằng nó xem sex? Rồi nó sẽ ra sao khi cứ lướt Facebook là thấy bài đăng về mình cùng lời văn giễu cợt? Chắc chắn là nó không đủ kỹ năng, bản lĩnh lẫn kinh nghiệm sống để đối mặt với toàn thể những điều trên và rất dễ rằng nó sẽ rơi vào trạng thái bất ổn nếu không được can thiệp tâm lý kịp thời”, trang VnHomies bày tỏ quan điểm…

Có thể nói, MXH là một thành tựu khoa học kỹ thuật của con người. Nó đem con người đến gần với nhau hơn. Nó giúp người ta nói lên suy nghĩ của mình được nhiều hơn. Và đặc biệt, nó giúp cho người truyền tải cảm hứng, giúp cho cộng đồng gần gũi nhau hơn.

Thế nên, với cuộc cách mạng 4.0, các nhà khoa học còn mong muốn xây dựng sự tương tác mạnh mẽ hơn giữa thế giới ảo và thế giới thật. Dễ thấy, sự tác động của hai thế giới, “ảo” và “thật” đã gần nhau lắm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều câu chuyện không hay đã diễn ra trên MXH cho thấy, việc cộng đồng trong xã hội kêu gọi xây dựng văn hóa ứng xử trên MXH đang trở nên cấp thiết.

Mặc dù việc điều chỉnh hành vi và xử lý những vi phạm của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng đã được quy định cụ thể trong Luật An ninh mạng 2018. Thế nhưng, mọi sự điều chỉnh chỉ có thể có được, khi chính mỗi cá nhân, không tự phô bày những “góc khuất” của mình…

Đọc thêm