“Tôi chỉ kịp bế hai đứa nhỏ lên nóc tủ”
“Khi nghe có bão đổ bộ, em sợ lắm. Ngôi nhà của em bố tự tay lợp tôn, em lo nó không đủ chắc chắn để trụ nổi với những cơn giông khủng khiếp. Lần đầu tiên trong cuộc đời, em mới thấy mưa to, gió rít lớn như vậy, cây cối bị ngã quật. Em chỉ biết lặng im, nín thở nghe tiếng mưa rớt ầm ĩ trên nóc nhà”. ; “Lúc lũ về ấy hả? Tôi chỉ kịp bế hai đứa nhỏ lên nóc tủ, dặn bọn chúng là phải ngồi yên. Đem lúa lên chỗ cao nhất có thể, buộc giấy tờ lên nóc nhà... còn bao nhiêu tài sản còn lại thì chịu”.; “Đó là 5 ngày sống giữa mênh mông nước. Thỉnh thoảng, vợ tôi lại rơi nước mắt khi thấy nước lũ dâng cao, tài sản tích cóp của hai vợ chồng đều chìm trong biển nước. Chiếc xe máy, cái tivi, tủ lạnh... tất cả đều từ sự dành dụm, chắt chiu của cả gia đình”...
Cảm xúc về miền Trung ruột thịt trong những ngày tháng 10 này luôn đau đáu xót thương trong lòng mỗi người. Trên 100 người chết do bão lũ, rồi nhà cửa, tài sản người dân ngập sâu trong nước hoặc trôi mất. Nước mắt người dân đã đổ và như thường lệ, tình người, sự san sẻ nỗi khổ, niềm đau do tai ương của người miền Trung lại trỗi dậy trong lòng người dân cả nước. Khi mà Rào Trăng rồi đến Trà Leng tang thương sau lũ dữ...
Một gia đình có 9 người thì 8 người đã bị vùi sâu dưới lớp đất đá do sạt lở núi khi lũ ống, lũ quét kinh hoàng ập đến vào trưa 28/10 tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Chỉ duy nhất 1 người trong gia đình đó còn sống đã khóc cạn dòng nước mắt và vẫn đang thẫn thờ, chưa hết bàng hoàng khi chỉ trong chốc lát đã mất đi những người thân yêu nhất của mình.
Với quyết tâm bằng mọi giá cứu dân và chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại hiện trường, sự vào cuộc hết sức nhanh chóng, bất chấp mưa lũ, hy sinh của bộ đội, công an, không quân, hải quân và chính quyền các cấp, thật ấm lòng khi một chiến dịch cứu nạn cực kỳ khẩn cấp, to lớn và tốn kém chưa từng thấy đã diễn ra và dường như không có một người hoạn nạn nào trong mưa lũ miền Trung bị bỏ sót. 33 người dân bị vùi lấp ở Trà Leng, nhiều người khác ở Nam Trà Mi, Phước Sơn, Quảng Nam, chiếc tàu và 14 ngư dân Bình Định bị đắm ngoài khơi xa đã được cứu sống trong gang tấc. Hơn 3000 người dân bị mưa lũ cô lập nhiều ngày ở Đắc Min, Phước Sơn và nhiều nơi khác đã được chuyển lương thực, nhu yếu phẩm để tồn tại chờ được giải cứu. Bất chấp mưa lũ nguy hiểm, hàng trăm người mất tích vẫn đang được hàng ngàn cán bộ chiến sĩ, nhân dân tìm cách đào bời tìm kiếm để đưa họ về với thân nhân. Cùng với đó, một cuộc cứu trợ tự nguyện rộng lớn cũng chưa từng thấy mở ra khắp hang cùng ngõ hẻm cả nước vì miền Trung thân yêu.
Và “bão” ở trong lòng
Nếu như trước đó, hình ảnh ca sĩ Thủy Tiên vượt mưa gió, đi trong mùa lụt ở các tỉnh miền Trung, đến từng nhà, gặp từng người để trao quà, trao tiền giúp họ trong thắt ngặt đã tạo nên cảm xúc tốt đẹp trong lòng người. Thì những ngày gần đây, dư luận đang sôi sục việc trưởng thôn Ngọa Cương (xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) thu lại số tiền 6 triệu đồng/hộ của ca sĩ Thủy Tiên tặng cho 69 hộ dân nơi đây.
Sự việc này được đưa lên mạng xã hội khiến cộng đồng mạng và dư luận bức xúc nhằm vào người đứng đầu thôn này. Ngay sau đó, xã Cảnh Hóa đã yêu cầu trưởng thôn Ngọa Cương trả lại tiền cho dân. Đến ngày 30/10, tất cả hộ dân đều được nhận lại tiền.
Từ sự việc này, cộng đồng mạng chia làm hai phe: phe Thủy Tiên và phe trưởng thôn. Sau những ồn ào không đáng có, Thủy Tiên chia sẻ: “Bản thân Tiên chỉ là một người phụ nữ bình thường cũng có lúc làm việc sai sót, nếu có lỡ không đủ sức khoẻ, không đủ thông minh xử lý tình huống, hay lỡ lời nói có làm ai buồn thì mong mọi người thông cảm... Tất cả cũng vì trách nhiệm và tình yêu thương của mọi người mà đủ động lực vượt qua thôi. Mình chỉ làm vì lòng thương yêu và cái tâm mong muốn giúp đỡ, chả biết mai sẽ ra sao, nhưng việc gì thấy đúng thì mình làm, thấy sai thì mình dừng lại suy nghĩ, sức người có hạn lòng người vạn ý, nhiều lúc làm gì cũng khó tránh khỏi dèm pha”...
Nhà báo Nguyễn Ngọc Long và cũng là một người bạn đã ở bên Thủy Tiên từ những ngày đầu bước chân vào showbiz đã chia sẻ trước những eo sèo và những tranh luận gay gắt về những gì Thủy Tiên đang làm với bà con dọc miền trung. Ngọc Long chia sẻ: “Đã có những ý kiến bàn tán cách ăn mặc của Thủy Tiên; bình luận việc cô livestream kẻ xấu ăn chặn tiền từ thiện lên mạng xã hội; bình luận việc Thủy Tiên sử dụng tiền từ thiện, là nên tự làm hay chuyển cho các hội nhóm từ thiện “chuyên nghiệp”.
… Một đêm, hai đứa đi lang thang vòng vòng thành phố, tôi hỏi Tiên nếu có nhiều tiền thì sẽ làm gì? Thực ra khi hỏi câu ấy, tôi hàm ý muốn biết Tiên sẽ chuyển đi đâu ở, hay cứ định chui rúc mãi trong một căn phòng trọ tồi tàn với cây đàn guitar với chú heo làm bạn. Cô ấy bảo: “Em muốn làm từ thiện để giúp mọi người. Dưới quê em, người ta khổ lắm”. Sau câu ấy, tâm trạng Tiên chùng xuống và đưa mắt nhìn lên bầu trời đêm sâu thẳm. Ai đó nghe Tiên nói vậy sẽ bất ngờ, nhưng tôi thì không.
Quá khứ đầy đau thương, thiếu thốn trăm bề của Tiên dù được gói lại, giấu đi kỹ đến mức nào thì nó vẫn nằm trong đấy. Nó không biến mất. Việc cô ấy muốn giúp người khác, tôi nghĩ chỉ là để giúp đỡ chính bản thân mình, giúp làm nguôi ngoai đi những nỗi đau không thể nào nói được. Điều tôi có chút bất ngờ, chỉ là cô ấy đã nghĩ đến việc giúp người khác ngay trong thời khắc bản thân còn nhiều bi đát.
Tôi chỉ thấy mừng vì hiểu rằng, vào chính thời khắc cô ấy đói, rét, mệt lả vì chèo chống trong bão để đến mọi người, chính là lúc cô ấy hạnh phúc và bình yên nhất. Nỗi đau mất cha từ khi còn nhỏ xíu, đau đến mức ngơ ngác trong lời bài hát của Thủy Tiên, dù có gói kỹ đến đâu, đào sâu chôn chặt đến thế nào, tôi nghĩ rằng đang dần bị, hay đúng hơn là được gỡ ra từng lớp khi cô ấy lao đến để bằng mọi giá ngăn chặn những bất hạnh có thể xảy đến giống mình hồi nhỏ.
Tôi không ở cạnh Thủy Tiên khi cô ấy đi làm từ thiện, nhưng tôi biết chắc chắn nước mắt cô ấy sẽ rơi khi những hạt mưa theo giông bão quất thẳng vào mặt. Và khi bão tan, mưa tạnh, nỗi đau gói kín trong sâu thẳm con người Thủy Tiên sẽ được vỗ về”…
Đồng thời, những ngày qua, chúng ta cũng gặp những chia sẻ cay mắt, kiên cường của người miền trung… “Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở Miền Trung, hằng năm ăn ngủ và xắn quần lên chạy bão, vượt lũ đã trở nên quen thuộc đến mức để rồi giờ đây khi xa quê chị em chúng tôi chỉ kể về bão lũ là những ký ức đẹp, những ký ức vui nhộn như: lũ về được kéo nhau ra nghịch nước, được đi giăng lưới thả cá, được đi vớt củi lũ trôi về khỏi mất công đi hái, bão về được đi nhặt trái cây rụng của nhà ông bà mà chẳng cần phải ăn cắp như mọi khi.... Thế đó, mấy mươi năm qua bão lũ vẫn xảy ra đều đều một năm 2-3 bận, có khi là 4-5 bận, nhà cửa tan hoang, hoa màu mất trắng, đường sá đi lại chẳng còn gì. Nhưng chúng tôi chọn cách tích cực để sống, chọn cách đùm bọc, yêu thương, san sẻ nhau để sống, để vượt lũ để đi qua bão, và trở nên kiên cường hơn sau mỗi trận mưa bão về”… Bạn Thủy Đoàn chia sẻ trên Diễn đàn độc giả trẻ.
Còn bạn Võ Minh Thành cũng viết tâm thư đầy xúc động: “Năm tôi sinh ra… Mùa lũ năm đó cả làng tôi phủ kín một màu trắng, màu của khăn tang, màu của đau thương. Năm nay, sau 26 năm ngày tôi sinh ra, lũ lại về. Giống như cơn lũ năm đó, cơn lũ năm nay cũng về vào buổi tối, nhưng cơn lũ năm nay lại lớn hơn, ác liệt nhiều cơn lũ năm đó, cơn lũ lịch sử của lịch sử. Cả đời dành dụm chắt chiu để rồi tan biết trong một đêm, mọi thứ đều trôi theo dòng lũ. Lũ năm về một lần nữa bà con quê tôi lại không kịp trở tay, và cũng chỉ có chạy và bơi để tránh lũ.
Cuộc sống ngày nay đã phát triển hơn, có nhiều nhà cao tầng hơn, có nhiều trường học hơn và đó cũng là nơi để người dân quê tôi tránh lũ. Ngồi trên nóc nhà nhìn phía xa xa, có người bám vào thân cây vẫy tay cầu cứu, nước lên càng nhanh, dòng nước chảy xiết, nhìn cánh tay lút dần lút dần trong vô vọng. Lòng tôi quặn thắt...
Cơn lũ đã cuốn đi cái có giá trị nhất trong cuộc đời tôi, đó là những người thân yêu nhất của tôi. Năm nay người thân của tôi không còn may mắn bám được vào nhành cây nữa, họ đã ra đi, đi theo dòng lũ mất rồi! Nhưng có một điều, cơn lũ kia không thể lấy đi, một điều giản dị lắm, không thể thành lời...Quê tôi, miền lũ!
“Bữa ăn ngon nhất, là bữa trưa vội bên cánh rừng, cách đây vài ngày từng là “rốn lũ”. Món ăn ngon nhất là những gì mình chia sẻ cho đồng bào thân thương. Nụ cười đẹp nhất là nụ cười kết nối muôn phương. Vùng trời đẹp nhất là nơi những đường xây đắp lại. Ánh mắt đẹp nhất là ánh mắt của ngây thơ trẻ dại. Món quà lớn nhất là sự vĩ đại từ tình người hướng về nhau. Nếu điều tốt đẹp này luôn như thế mãi về sau. Thì Việt Nam mình dẫu ai đi đâu cũng phải nhớ! Yêu nhất Việt Nam”… một thành viên trong nhóm Esheepkitchen rung rung bày tỏ…