Tôi là bạn của anh từ hồi học ở Liên Xô, anh đã có một đời vợ và một cô con gái. Hồi anh đi nước ngoài, chị vợ ở nhà ngoại tình, khi về nước, họ ly hôn, con gái sống với mẹ. Anh trở lại Nga làm ăn, buôn bán và khi đã có tiền thì về nước lập công ty. Người vợ của anh sau này là một cô bé vào học việc ở công ty anh, họ chênh nhau đến hơn 2 giáp.
Đã một lần đổ vỡ, anh yêu chị thật lòng, không đắm say mà bao dung, độ lượng. Còn chị, luôn coi chồng là thần tượng, là ông thầy đáng kính, là tất cả những gì chị có trong hiện thực mà ngày xưa nằm mơ cũng không thấy.
Dần dần, thần tượng đổ vỡ, khi cô trò nhỏ ngày càng cảm thấy bức bối với ông chồng, ông thầy ngày nào. Chị nhận thấy chồng chị chỉ là kẻ gia trưởng, độc đoán sau cái vỏ bao dung, độ lượng. Anh không cho chị làm bất cứ việc gì trong công ty nhưng để bố mẹ chị (còn kém cả tuổi anh), em trai chị làm giám đốc các công ty nhỏ trực thuộc. Chị đòi lập công ty riêng, anh không cho, chị dỗi, đòi ly hôn. Chị nghĩ, không bao giờ anh có thể bỏ chị được và tỏ ra rất kiên quyết trong việc này.
“Lộng giả thành chân”, đùa hóa thực, cuối cùng chị cũng được toại nguyện nhưng ngay kể cả khi đã cầm trong tay quyết định công nhận ly hôn chị vẫn cho rằng anh không thể nào bỏ chị được. Bằng chứng là anh vẫn để chị sống trong ngôi nhà, vẫn chu cấp tiền nong cho chị trong lúc chị chưa tìm được nhà và chưa có công việc ổn định.
Chị không biết rằng, anh làm thế chỉ vì con gái, anh không muốn đứa con gái bé bỏng, xinh đẹp như thiên thần phải xa bố hoặc mẹ. Anh đã từng rất đau khổ, cảm thấy có lỗi với cô con gái đời vợ trước, anh không muốn điều đó lặp lại.
Chị đòi ở tầng 1, nơi có trụ sở của công ty, anh cũng đồng ý dời lên tầng 2 để chị cho thuê. Rồi chị yêu cầu phải chia lợi tức, cổ phần của công ty cho chị, anh cũng đồng ý. Cuối cùng chị đòi ra công chứng để anh chuyển quyền sở hữu cả ngôi nhà cho mẹ con chị thì anh gọi cho người bạn luật sư để hỏi nên xem xử lý thế nào. Anh rất khó nghĩ vì thực sự không muốn xa con gái hoặc để con gái phải xa mẹ.
Sau khi trò chuyện cùng anh, người bạn gặp chị. Câu chuyện với chị cho thấy chị vẫn tưởng anh ra sức níu kéo mình. Người bạn phân tích, khi ly hôn chị đã thừa nhận không có đóng góp gì, ngoài tư cách làm vợ, trong khối tài sản chung, cam kết tài sản vợ chồng tự thỏa thuận, anh cho thế nào được thế, không đòi hỏi gì thêm, chị quên rồi ư?
Bố mẹ và em trai chị chỉ là những người làm thuê cho chồng cũ của chị mà thôi, giám đốc với họ chỉ là danh hão để lĩnh lương, họ có thực quyền và thực tài gì đâu, rời anh ra là họ chẳng còn gì.
Sau khi nghe phân tích, chị im lặng rồi chị bảo thực sự là chị vẫn yêu anh, làm ra thế để anh quay lại với chị thôi. Chị nhờ người bạn chuyển lời tới anh. Nhưng ở đời bát nước đã hết đi làm sao mà đầy lại…