Khi các nghệ sĩ chung tay làm thiện nguyện

(PLO) - Khi có sự tham gia của các văn nghệ sĩ thì hiệu ứng xã hội, sự lan tỏa thiện nguyện thường rất nhanh chóng và mạnh mẽ. Hành động của họ không chỉ cho thấy một mặt tích cực của đời sống nghệ thuật mà còn có đóng góp rất lớn trong sự phát triển chung của xã hội. Sự sẻ chia, giúp đỡ đó càng thấm đẫm tính nhân văn và tôn vinh những giá trị đích thực của cuộc sống.
Ngoài Chùa Nghệ sĩ, sắp tới sẽ có Trung tâm từ thiện Văn hào - Nhân sĩ

Các nghệ sĩ có “chốn đi về”

Lễ khởi công xây dựng Trung tâm từ thiện “Văn hào - Nhân sĩ” sẽ được tổ chức vào ngày 5/5/2018 tại chùa Bà Đầu. Trung tâm do Đại đức Thích Nguyên Bình - trụ trì chùa Thiên Hương (Hưng Yên) - phát nguyện, có diện tích 36.000m2, được đặt tại chùa Bà Đầu (thôn Yên Xá, xã Phan Đình Phùng, Mỹ Hào, Hưng Yên).

Đại đức Thích Nguyên Bình cho biết, Trung tâm không những là nơi bảo trợ xã hội, trại trẻ mồ côi, nhà tình thương cho những người lang thang cơ nhỡ, bà mẹ đơn thân, nghĩa trang thai nhi, nhà bảo ôn thai nhi mà còn là Trung tâm dưỡng lão cho các văn nghệ sĩ khi tuổi về già và các phật tử. Ban sáng lập của Trung tâm gồm những người tên tuổi như Đại đức Thích Nguyên Bình, NSND Trần Nhượng, NSND Thanh Hoa, nhà báo Đào Xuân Hưng… Ủy viên của Trung tâm có NSƯT Xuân Hinh, MC Thảo Vân, NSƯT Việt Hoàn, ca sĩ Ngọc Khuê, nhạc sĩ - nhà thơ Đoàn Bổng, nhà báo Trần Hoàn…

Vườn cây nghệ sĩ gồm 108 cây tượng trưng cho 108 hạt bồ đề, là nơi 108 văn hào nhân sĩ ghi dấu ấn của mình trong lịch sử của Trung tâm tại chùa Bà Đầu hướng thiện cho thế hệ mai sau. Khu Trung tâm “Văn hào - Nhân sĩ” này không chỉ là nơi nương tựa, bệnh tật khó khăn, cho nghệ sĩ, văn sĩ, báo chí, họa sĩ mà tất cả các giới văn nghệ sĩ có quyền được dưỡng lão không phân biệt ai. Ai cũng được đến, có thể ở dăm bữa, nửa tháng, một năm, vài năm, cả đời cũng được.

Kết hợp tu Phật, tụng kinh niệm Phật, tu dưỡng nghỉ dưỡng, thuốc thang hoặc các ca sĩ, nghệ sĩ khác tới chăm sóc những nghệ sĩ bệnh tật. Đây là một nơi để phát tâm thiện, cùng cưu mang, để cùng giúp đỡ lẫn nhau, những đứa trẻ, những bà mẹ khó khăn, người già neo đơn, không phân biệt ai với ai.

NSND Trần Nhượng chia sẻ: “Tôi luôn ấp ủ khát vọng xây dựng một Trung tâm dưỡng lão cho các văn nghệ sĩ và ngôi chùa nghệ sĩ. Phía Nam đã có chùa nghệ sĩ do NSND Phùng Há sáng lập, nay phía Bắc cũng sẽ xây dựng một nơi để các nghệ sĩ có thể nương tựa khi về già và thỏa nguyện tâm linh là điều khiến tôi rất vui. Có người hỏi có muộn không, tôi nói muộn còn hơn không. Qua chương trình này, chúng tôi hy vọng Trung tâm này sẽ là môi trường cho những nghệ sĩ đến hưởng tuổi già, và thể hiện những tín ngưỡng tâm linh của mình”.

Nhiều năm nay, chùa Nhựt Quang là nơi an nghỉ của hàng trăm nghệ sĩ sân khấu Sài Gòn. Năm 1958, nghệ sĩ cải lương Phùng Há vận động hội Ái hữu nghệ sĩ mua mảnh đất lớn tại quận Gò Vấp, TP HCM để xây nơi an nghỉ cho các đồng nghiệp. Nhưng mãi đến năm 1970, ông bầu Xuân gánh hát Dạ Lý Hương mới bỏ hơn 100 cây vàng mua lại am thờ của bầu Năm Công và xây dựng Nhựt Quang tự.

Đến thời điểm này, đây là ngôi chùa nghệ sĩ và nghĩa trang nghệ sĩ duy nhất trên thế giới. Trong một khuôn viên rộng  hơn 6.000m2, chùa chôn cất, dựng mộ và thắp hương giữ cốt tro cho hơn 500 nghệ sĩ cải lương đã quá cố gần 60 năm qua. Lần lượt những nghệ sĩ đã chôn cất hơn 30 năm sẽ được đưa tro cốt và ảnh lên chùa thờ. Sau đó những nghệ sĩ cải lương mới mất mà có nguyện vọng và hoàn cảnh khó khăn sẽ được thế chỗ lần lượt chôn cất trong ngôi chùa này. Đó là quy ước bất thành văn từ những ngày đầu hình thành nghĩa trang này theo sáng kiến của NSND Phùng Há.

Nhiều nghệ sĩ có danh tiếng, cũng như những người chẳng mấy ai biết đến nhưng đã âm thầm cống hiến cho sân khấu nhiều năm, được an táng tại đây sau khi qua đời. Có thể kể đến các tên tuổi như: Nghệ sĩ Thanh Nga, NSND Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, NSƯT Thanh Nga, NSND Út Trà Ôn, NSƯT Hoàng Giang, Bảy Cao, Đức Lợi... hay những soạn giả như Hoa Phượng, Hà Triều và gần đây nhất là các nghệ sĩ Tấn Tài, Kim Ngọc, Minh Phụng, Lê Vũ Cầu...

Trông nom ngôi chùa Nghệ sĩ và nghĩa trang Nghệ sĩ từ lâu đều là những nghệ sĩ cải lương lớn tuổi và neo đơn. Cùng với nghệ sĩ hài Lí Lắc, các nghệ sĩ lớn tuổi khác hiện đang ở chùa là Thu Hồng và Thu Nguyệt. Các bà đều là những nghệ sĩ đã hát cho các đoàn cải lương lớn nhất ở Sài Gòn và sống ở chùa đã gần 20 năm. 

Chia sẻ tình thương yêu

NSƯT Lệ Thủy nổi tiếng làm từ thiện mấy chục năm nay. Chị có một nhóm fan hùng hậu khoảng 30 người gồm những y, bác sĩ và tiểu thương khá giả, cứ vậy mà góp tiền lại cùng đi với nhau năm này qua tháng nọ. Trung bình mỗi tháng đi một, hai lần, tính ra cả năm cũng trên chục lần, có khi tặng quà cho đồng bào nghèo, có khi khám bệnh phát thuốc cho 500, 700 người. 

Còn NSƯT Minh Vương là một người tốt bụng của giới nghệ sĩ nghèo, giúp đỡ âm thầm không cần nêu tên. Hễ nghe ai đau ốm là anh tới liền, hoặc rủ bạn bè hùn lại cùng đi thăm viếng. NSND Diệp Lang, NSƯT Kim Xuân, NSƯT Bảo Quốc, cây hài Anh Vũ, Hữu Châu cũng là những người làm từ thiện một cách âm thầm nhưng bền bỉ nhiều năm. Cũng được bạn bè ưu ái phong là “nghệ sĩ từ thiện”,  Kim Xuân và Hữu Châu sáng sáng mở tờ báo ra thấy giới thiệu những hoàn cảnh không may lại lặng lẽ đi quyên góp bạn bè, họ hàng chút tiền mang đến tặng những người gặp khó khăn…

Sau 3 năm liền tổ chức chương trình “Nghệ sĩ tri âm”, NSND Kim Cương và những người nghệ sĩ trong Ban tổ chức thành lập nhóm từ thiện mang tên “Nghệ sĩ tri âm”, trong đó có sự tham gia tích cực của NSƯT Thành Lộc và Hữu Châu, nhằm mở rộng phạm vi hoạt động để nhân thêm nhiều thành quả cho khối nghệ thuật biểu diễn và sáng tác đang gặp nhiều khó khăn.

Đầu năm 2018, 200 nghệ sĩ nghèo khó, bệnh tật đã hội ngộ tại Nhà hát thành phố để nhận quà từ chương trình "Nghệ sĩ tri âm" lần 4 mà nghệ sĩ Kim Cương và Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM thực hiện. Nghệ sĩ Kim Cương cho biết đã dốc toàn sức để đạt đến con số 1,5 tỉ đồng chăm lo cho nghệ sĩ nghèo, bệnh tật đón xuân. 

Đọc thêm