Khi cái giả lên ngôi

(PLVN) - Một hành vi giả dối, phổ biến, lan tràn và không khó để phát hiện là việc mua bán và sử dụng bằng giả hoặc các giấy tờ chứng nhận, chứng chỉ giả. 
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Hệ lụy của việc sử dụng bằng giả mang lại tác hại cho xã hội là nghiêm trọng ở chỗ nó trực tiếp xâm hại đến đạo lý làm người với phẩm chất trung thực, tạo ra hiệu ứng giả dối, phá hủy những giá trị thực và tất yếu là nguyên nhân và tác nhân gây ra những hậu quả xấu trong đời sống xã hội. Thế nhưng, thái độ của các cơ quan chức năng và cả dư luận xã hội xử sự với hành vi này xem ra còn có chiều xem nhẹ và coi thường.

Một dẫn chứng khá điển hình dùng bằng giả để tiến thân là trường hợp của nguyên Phó Bí thư thường trực của một huyện ở Bình Phước. Ông này mượn bằng tốt nghiệp đại học của bạn rồi phô tô, sửa chữa, dùng nó để xin việc.

Từ một nhân viên của cơ quan dân số, ông đã làm đến chức Phó Chủ tịch huyện rồi Phó Bí thư thường trực huyện ủy. Khi bị tố cáo dùng bằng giả và xác minh là tố cáo đúng, ông đã bị cách chức, điều chuyển Ban Tổ chức tỉnh ủy làm cán bộ. Đáng chú ý là trong thời gian ông làm cán bộ huyện đã nhúng tay vào một loạt sai phạm như ký sổ đỏ khống để người được ký sổ chiếm đoạt hàng tỷ đồng của ngân hàng và người dân.

Thuộc cấp của ông bị khởi tố nhưng ông vẫn tiếp tục thăng quan, tiến chức và ngay cả khi bị cách chức lại về một cơ quan có chức năng quản lý, tuyển dụng, đào tạo cán bộ. Ông không bị xử lý hình sự vì tội dùng bằng giả “ít nghiêm trọng”, “quá thời hiệu” như cơ quan Công an ở đây đã nhận định.

Ngoài ra, rất nhiều trường hợp dùng bằng giả gây tác hại trực tiếp đến xã hội. Ví dụ như có bác sỹ dùng bằng giả làm việc cho các phòng khám khác nhau, các nhân viên y tế dùng chứng chỉ giả hành nghề hoặc tại TP. Hồ Chí Minh phát hiện 83 trường hợp giáo viên dạy lái xe dùng bằng giả.

Đương nhiên, bệnh nhân và người học lái xe của những đối tượng dùng bằng giả này trở thành nạn nhân và họ có thể tạo ra các nạn nhân khác khi họ được những ông thầy như thế chữa trị hoặc dạy bảo. Tuy nhiên, về trường hợp giáo viên dạy lái xe dùng bằng giả Sở Giao thông và Vận tải TP. HCM là cơ quan quản lý lĩnh vực này cho rằng không có quy định nào để Sở phải có trách nhiệm xác minh các loại bằng cấp, chứng chỉ của các giáo viên này(?!).

Mới nhất, Nghệ An vừa phát hiện 1 Chủ tịch xã và 2 Phó chủ tịch xã dùng bằng giả, các ông này đã xin thôi việc và được chấp nhận, chắc hẳn sẽ thoát tội, không bị xử lý hình sự.

Khi cái giả lên ngôi, thịnh hành và không quyết liệt xử lý nó thì tất yếu nền tảng đạo lý xã hội bị lung lay và tác động rất xấu, gây hiệu ứng đô mi nô đổ vỡ trong nhiều lĩnh vực đời sống của chúng ta.