Nhưng thật phiền lòng. Môi trường đô thị Thủ đô đang bị đầu độc. Chưa cần nói đến sự xâm thực văn hóa, thì chính sự ô nhiễm mà tôi tìm hiểu, điều tra thông tin từ thực tế đến gặp gỡ cơ quan chức năng, đã cho thấy mức độ ảnh hưởng khủng khiếp tới lĩnh vực văn hóa tinh thần.
Chúng ta thử hình dung xem, ao hồ ô nhiễm, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu… ô nhiễm, làm sao còn những chiều lãng mạn để các họa sĩ thả hồn buông cành cọ, làm nên những nét vẽ sinh động. Chúng ta thử hình dung, những ao hồ sực mùi khó chịu, cá chết hàng loạt, làm sao tạo cảm hứng để thành thơ thành nhạc, từ chính tâm hồn những người nghệ sĩ lãng đãng yêu biết bao thành phố này.
KTS Trần Huy Ánh từng thốt lên: “Không ai gieo trồng ở đó sự vững bền. Chúng ta đã lấy đi, ăn vào tự nhiên quá nhiều. Thiên nhiên đã cho chúng ta nhiều thứ, cả yếu tố môi trường và văn hóa. Nhưng khi con người lấy đi của thiên nhiên sự bình yên, thì trước tiên con người phải trả giá. Bởi thế, từ hàng cây trên phố, trong công viên, hay ở khuôn viên mỗi gia đình, thiên nhiên muốn chúng ta phải cộng sinh, tôn bồi và ôn hòa bên nhau”.
Trong những ngày nóng nực này, thấy nhiều người kêu cây trồng trên ban công, sân thượng chết khô. Tôi cũng biết, họ vô cùng kỳ công chăm sóc. Đi làm về, thậm chí bản thân chưa tắm thì đã cho cây uống nước. Nhưng cây vẫn không ở lại với họ. Như thế để thấy, nhiều người cần môi trường ở cái ban công nhỏ, chăm sóc cho một môi trường nhỏ ở bên cạnh mình. Điều đó đúng lắm, nhưng đã phải là sống xanh chưa? Chưa! Cái lớn lao hơn là chúng ta cần bảo vệ môi trường lớn hơn là những rừng cây, những công viên, ao hồ, những con phố…
Chúng ta đã quên chăm sóc cho môi trường chung, mà ích kỷ bỏ rơi để đi chăm sóc cho một góc môi trường riêng. Càng ngẫm lời KTS Trần Huy Ánh càng thấy tầm quan trọng của môi trường chung đối với con người.
Một cái giá quá đắt mà chúng ta dễ dàng nhìn thấy là sự ngột ngạt và chất lượng môi trường Thủ đô Hà Nội đang xuống thấp. Những ảnh hưởng của vấn đề này đối với văn hóa lại không thể thống kê hết. Nếu chẳng may một ngày nào đó, hàng nghìn cây xà cừ đã thành cổ thụ, bị đốn hạ thiếu tính toán để thay vào đó là những cái cây con, trụi lá, Hà Nội sẽ thiếu màu xanh. Chặt bớt cây, khi đó chỉ còn trơ lại những người là người, với các khối bê tông ngột ngạt vô hồn. Như vậy thì tác động của sự việc đến đời sống con người sẽ khó lường.
Cây ở đâu chẳng có, nhưng cây đã thành tâm hồn Hà Nội, thành kho tàng ký ức thì phải cần đến hàng thập kỷ tôn bồi. Mỗi quyết sách đối với môi trường, cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, trong đánh giá tác động đến không chỉ là mỹ quan đô thị, môi trường mà hơn thế là không gian văn hóa của thành phố hàng triệu dân.