Khi "chân dài" Tây" sang ta tiếp thị

Trong thời kỳ kinh tế suy thoái, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, chi tiêu dè xẻn thì việc tìm cách để quảng bá thương hiệu, bán được sản phẩm tới tay người tiêu dùng đòi hỏi cần có những ý tưởng kinh doanh sáng tạo. Đưa “chân dài” Tây" sang Việt Nam làm... tiếp thị là một ý tưởng khá thú vị vừa xuất hiện tại Hà Nội và mang lại hiệu quả khá bất ngờ...

Trong thời kỳ kinh tế suy thoái, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, chi tiêu dè xẻn thì việc tìm cách để quảng bá thương hiệu, bán được sản phẩm tới tay người tiêu dùng đòi hỏi cần có những ý tưởng kinh doanh, tiếp thị sáng tạo. Đưa “chân dài” Tây" sang Việt Nam làm... tiếp thị là một ý tưởng khá thú vị vừa xuất hiện tại Hà Nội và mang lại hiệu quả khá bất ngờ...

Thuê “chân dài” Tây làm tiếp thị - một kiểu tư duy mới của DN Việt
Thuê “chân dài” Tây làm tiếp thị - một kiểu tư duy mới của DN Việt

Đánh trúng tâm lý hiếu kỳ

Đang giải tỏa cơn khát bên những ly bia giữa cái nắng bức của ngày hè, tôi giật mình khi nghe giọng nói lơ lớ bên tai: “Chào anh, mời anh dùng thử sản phẩm của công ty em”. Chưa hết ngỡ ngàng vì người đứng cạnh mình là một thiếu nữ Tây xinh xắn với mái tóc vàng óng mượt, tôi được gí vào tay ly rượu với lời quảng cáo cũng cái giọng lơ lớ: “Đây là sản phẩm đậm đà hương vị Nga mê hoặc lòng người, mời anh thử”.

Đang tròn xoe mắt chưa biết xử lý ra sao, người đại diện công ty có sản phẩm này nhanh chóng có mặt giải thích cho tôi: “Đây là sản phẩm rượu Vodka liên doanh với Nga. Vừa nói, nam thanh niên này giục người đẹp Tây nhanh tay rót đầy các ly mời khách dùng thử để đánh giá chất lượng. Lại cái giọng lơ lớ phát ra: “Xin mời! Các anh hãy thử và cho cảm nhận”.

Đi cùng với nhóm các cô gái Nga là một thanh niên lịch lãm người Việt. Nhiệm vụ của anh ta là sẽ “ra tay” hoặc là giải thích thêm với khách hàng về sản phẩm mà họ đang muốn tiếp thị hoặc sẽ can thiệp nếu gặp phải khách hàng nào đó có hành vi quá đà với các “chân dài” Tây. Theo nam thanh niên đi cùng đoàn, đây là chương trình “giờ vàng giảm giá” của sản phẩm rượu Vodka được tổ chức trên nhiều tỉnh, thành cả nước.

Theo quan sát của phóng viên, địa điểm “đổ bộ” của những đợt tiếp thị này thường là các quán bia, nhà hàng đông khách và tất nhiên phải bình dân. Thời gian xuất trận cũng được chọn vào những giờ vàng của dân nhậu Hà thành.

Dù chỉ làm nhiệm vụ tiếp thị sản phẩm nhưng nghe nói sau đợt ra quân của đội tiếp thị với 5 cô gái ngoại quốc tại một số quán bia, số lượng sản phẩm được khách hàng mua lại không hề nhỏ, trung bình mỗi bàn đều có 1-2 chai. Có người bày tỏ ngưỡng mộ, thích thú với màn maketing đầy ấn tượng này, rút hầu bao mua hẳn một... thùng.

Tại nơi tôi chứng kiến, màn tiếp thị diễn ra chưa đầy 30 phút nhưng nhanh chóng thương hiệu này đã lấy lòng những thực khách đang trốn cái nóng gần 40 độ bên những ly bia. Thậm chí, khi một cô đưa sản phẩm ra mời thì có thực khách còn đứng dậy hát tặng một bài tiếng Nga làm cô gái cười bẽn lẽn.

“Khác với sự khó chịu thường thấy khi gặp phải những cô tiếp thị người Việt đến năn nỉ mua thuốc lá trong những lúc café, bia bọt thì việc xuất hiện những cô gái tóc vàng, chân dài trong trang phục tiếp thị mát mẻ quả là hình ảnh ấn tượng và hết sức lôi cuốn”, một thực khách hồ hởi nói. 

Chiêu độc hay trò chơi xa xỉ?

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động quảng cáo tiếp thị, PG (Promotion Girls - làm nhiệm vụ quảng bá sản phẩm - PV) đã trở thành một nghề khá “hot” của giới trẻ tại Việt Nam. Các sự kiện như ra mắt sản phẩm mới, khai trương, họp báo, hội nghị khách hàng… cần một đội ngũ khá đông các PG. Các nữ sinh chọn công việc này trước hết vì thù lao khá cao.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) đang “ôm” nhiều sản phẩm nổi tiếng trên thế giới tại Việt Nam, việc thuê PG người Việt có vẻ ngày càng kém hiệu quả, nhất trong giai đoạn kinh tế đang suy thoái và người tiêu dùng thì dè xẻn trong chi tiêu.

Tò mò với màn quảng bá thương hiệu có một không hai này, tôi quyết định lần theo những ca làm việc của những “chân dài” Tây xinh đẹp này trong khu vực nội thành Hà Nội. Cố bắt chuyện dù rất bận bịu nhưng cô quản lý nhóm PG người Việt chia sẻ với tôi đây là ý tưởng đã được công ty và hãng nghiên cứu rất lâu nhằm mục đích đem hình ảnh, văn hóa Nga thân thiết đến với người Việt Nam một cách gần gũi nhất.

Dù vị này không tiết lộ về khoản chi phí để có được một đội PG người Nga là bao nhiêu nhưng theo nhẩm tính đơn thuần thì con số không nằm dưới tiền tỷ cho một chương trình kéo dài gần một tháng. Toàn bộ những nhân viên này được chọn lựa kỹ càng từ bên Nga, đa số điều học chuyên ngành tiếng Việt.

“Thuê PG người nước ngoài làm việc không phải bây giờ mới xuất hiện, mà nó nghĩ tới từ cách đây nhiều năm. Việc sử dụng PG ngoại quốc vào tiếp thị một số sản phẩm mang tính đặc thù đã mang lại hiệu quả khá bất ngờ. Ví như lần này chúng tôi dùng PG là các cô gái Nga xinh đẹp tiếp thị cho một sản phẩm rượu Vodka có xuất xứ từ nước đó quả là gây được sự thu hút rất lớn”, nhân viên quản lý PG này vui vẻ nói.

Theo chia sẻ của người trong cuộc, PG ngoại cũng có những cái khó riêng khi sang Việt Nam “hành nghề” như: hạn chế trong giao tiếp hay sự khác biệt về văn hóa với nhau…, nhưng nhìn chung PG ngoại vẫn có sức hấp dẫn hơn so với các PG nội.

Tuy nhiên, việc thuê người ngoại quốc thường được chú ý nhưng khi bước vào thực tế kinh doanh không phải lúc nào cũng hoàn hảo như trông đợi. Ví như trường hợp một DN trong lĩnh vực phân phối mỹ phẩm Việt Nam từng vấp phải. Trước đây, DN này nằm trong “top” đầu về phân phối mỹ phẩm nhập từ Hàn Quốc, khi kết quả kinh doanh phất, ông quyết định đi bước đột phá khi thuê nguyên một đội PG chuyên nghiệp xứ Hàn sang làm thương hiệu.

Khi đó, một dàn “chân dài” được tuyển lựa đưa sang với bản hợp đồng “khủng”. Nhưng sau 6 tháng hoạt động, DN phải lao đao vì khoản tiền quá lớn cho công tác này mà không hiệu quả. Rút cục, từ một chuỗi cửa hàng ở hai thành phố lớn đã thành trắng tay khi 3 cửa hàng còn lại ở Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng chủ DN này phải sang tay một người khác.  

Sự xuất hiện đội PG Nga ở Hà Nội gần đây cũng gây ra nhiều tranh luận khác nhau. Có ý kiến cho rằng đây là một kiểu chơi “trội” của DN trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng khi một DN quyết định xây dựng thương hiệu trên thị trường thường đặt ra đối tượng nhắm đến để xây dựng chương trình maketing cho phù hợp.

Ở đây, từ sản phẩm đến người tiêu dùng đều là thực khách bình dân, lại sử dụng một cách tiếp thị hấp dẫn như vậy ít nhiều đã đem lại hiệu ứng rõ nét, đầy ấn tượng, nhất là với sản phẩm mới có nhiều đối thủ cạnh tranh. Sản phẩm phải đến được tay người tiêu dùng với những thiện cảm có trong mỗi người về nó. Trong trái tim không ít người Việt có hình ảnh của nước Nga. Và nhờ các cô gái PG Nga mà họ mời sang Việt Nam thì rõ ràng DN đưa ra ý tưởng đó đã “ghi điểm” quan trọng ban đầu trong hoạt động kinh doanh của mình.

Phi Hùng

Đọc thêm