Anh tính tình xởi lởi, nhưng chỉ với người ngoài, còn trong gia đình anh luôn nghiêm khắc với vẻ ngoài khó đăm đăm. Mọi chuyện chỉ mẹ con tâm sự với nhau thôi chứ đừng hòng mà chia sẻ được với bố, động tý là anh quát tướng lên. Không khí gia đình bởi thế khá nặng nề, chị nhiều lần góp ý với anh nhưng ông chủ gia đình bỏ ngoài tai.
|
Lúc trẻ còn nhỏ thì sự nghiêm khắc, khó gần của ông bố có tác dụng rèn giũa chúng ngoan ngoãn, lễ phép, không dám chơi đùa quá mức nhưng khi chúng đã lớn thì có một sự phản kháng âm thầm từ những cái đầu đã biết suy nghĩ. Chúng nói điều đó với chị và vô hình trung, ba mẹ con thành một phe “kể tội” bố.
Cũng may, chị là người cầm trịch, biết cách giảm nhẹ sự gia trưởng của anh, không cho phép bọn trẻ coi thường bố. Thực ra, trong thâm tâm bọn trẻ chúng kính trọng bố, chúng chỉ không hài lòng khi bố đối xử với chúng như trẻ con và hay mắng chúng với lời lẽ nặng nề và đôi lúc có cả châm biếm. Có lẽ, mọi việc sẽ trôi qua bình lặng cho đến khi bọn trẻ trưởng thành ra ở riêng, nếu không có một sự cố xảy ra.
Con bé đầu học giỏi từ bé, vào thẳng đại học Ngoại thương. Anh không thích con bé theo ngành đó nhưng nó tự quyết định và được mẹ ủng hộ khiến anh rất bực. Lúc nó sắp tốt nghiệp thì nó trúng tuyển vào lớp tiếp viên hàng không. Con bé vừa làm luận văn tốt nghiệp vừa theo học lớp nghiệp vụ tiếp viên và bắt đầu có những chuyến bay thực tập.
Hai mẹ con bàn nhau vay tiền lãi mua cho con bé một chiếc xe máy tay ga hơn 100 triệu đồng để cùng “đẳng cấp” với bạn bè. Chị nghĩ đây là việc làm đúng nhằm động viên con bé, vả lại, nó xứng đáng được hưởng phần thưởng này do những nỗ lực trong suốt một thời gian dài. Khi thấy chiếc xe 82 mua cho con khi vào đại học bị xếp xó, ông bố đùng đùng nổi giận, anh khóa chiếc xe tay ga lại, không cho nó đi nữa. Con bé cứng đầu, không hỏi xin bố một câu và cũng không trở lại với cái xe đời 82 cũ kỹ, bạn nó đến đón hoặc nó đi xe bus.
Chị lựa lời khuyên nhủ thì bị hứng chịu một trận lôi đình và bị gán cho cái tội lớn nhất là “đua đòi”, “chó đú thì lợn sề cũng hực”... Các con chứng kiến cảnh đó khiến chị càng thêm uất ức và khoảng cách với chồng đã là cái hố rộng hoác, lần đầu tiên chị lên tiếng phê phán anh với các con, gọi chồng bằng ngôn ngữ bổ củi là “đồ vặn thớ”!
Lẽ ra gia đình phải tràn ngập niềm vui vì con bé đi làm ở cái chỗ đáng mơ ước của nhiều người thì nhà anh chị đầy sự lạnh lẽo, bữa cơm chẳng ai nói năng gì, càng tránh mặt được nhau càng tốt.
Bất chợt có người bạn anh đi công tác vào chơi, vô tình hỏi cái xe máy tay ga chình ình giữa nhà mà không ai đi. Anh thoái thác không trả lời, chị chớp cơ hội nói riêng sự tình với người bạn mà anh vẫn quý như anh ruột. Ông khách hiểu ngay sự tình và tìm cách cho anh rút lui trong danh dự. Ông quá hiểu đây không phải là vấn đề tiền bạc mà là lòng tự tôn của anh bị xúc phạm, anh cho rằng vợ con đã qua mặt mình, bắt đầu cậy mình sắp kiếm ra tiền, muốn khẳng định sự độc lập...
Ông đề nghị làm theo kịch bản của mình sắp đặt, trong bữa cơm mời khách, cô con gái chủ động xin lỗi bố, bán xe và xin bố thêm một ít tiền trả hết số nợ lãi, hứa rằng chỉ khi nào làm đủ tiền thì mới mua xe. Ông bố trầm tư một chút rồi đứng dậy mở tủ, lấy ra một gói tiền, mặt vẫn lạnh băng: “Đây, cầm tiền mà đi trả nợ, ngu lắm mới đi vay nặng lãi, có học mà để người ta bóc lột à!”. Rồi quay sang vợ, giọng vẫn đầy vẻ đe nẹt: “Chìa khóa đây, tùy mẹ, cho đi thì được đi!”.
Mọi việc ổn thỏa, ông khách nói riêng với mấy mẹ con là bố các cháu là người đầy trách nhiệm nhưng suy nghĩ thì có phần “cổ điển”, trọng việc gìn giữ gia phong, không thể vì vẻ khó gần mà mẹ con xa cách bố, chính cách ứng xử của mấy mẹ con đã đẩy khoảng cách giữa người trong gia đình ra xa hơn. Chị vẫn ấm ức, bảo rằng anh cứ đối đãi với mẹ con trong nhà như với người ngoài thì tốt quá, thà rằng anh cứ chơi bời bên ngoài còn về đến nhà thì vui vẻ với vợ con cũng được, đằng này...
Nhiu Nhíu