Khi độc thân là một sự lựa chọn: Xu hướng sống độc thân, có đáng lo?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm gần đây, xu hướng sống độc thân, ngại yêu, lười yêu trong giới trẻ cũng như với những phụ nữ đã ly hôn đang dần trở thành một câu chuyện bình thường. Độc thân hay ly hôn không còn phải chịu những cái nhìn tội nghiệp hay những lời đàm tiếu của xã hội như trước kia! Những gia đình “một người” đang khá phổ biến ở các đô thị lớn…
Khi độc thân là một sự lựa chọn: Xu hướng sống độc thân, có đáng lo?

Người trẻ lười yêu, không vội kết hôn

Quỳnh Anh (40 tuổi, Hà Nội) cho biết, bản thân chưa hề phải lo lắng hay căng thẳng về chuyện lấy chồng, cô hiểu rất rõ mình muốn điều gì. Cô cũng từng yêu và chia tay… Sau nhiều năm, trải qua vài mối tình đậm sâu có, hời hợt có, cô không còn cảm thấy hôn nhân là một cái kết đẹp. Cô chủ động chọn cuộc sống độc thân và không quá coi trọng chuyện kết hôn, sinh con như thường thấy.

“Điều này không có nghĩa rằng tôi coi thường giá trị gia đình mà là vì tôi chưa sẵn sàng. Khi chưa tìm được người đàn ông phù hợp với mình, yêu và muốn gắn cả cuộc đời này với họ thì tôi chưa nghĩ đến chuyện kết hôn. Thay vì lo lắng chuyện “một bờ vai”, vài mụn con, tôi phấn đấu phát triển trong công việc, sắp xếp đi du lịch, tận hưởng cuộc sống theo cách của mình”, Quỳnh Anh bày tỏ.

Thanh Tâm (32 tuổi, TP HCM) cũng cùng quan điểm: “Chúng tôi có tri thức, độc lập về kinh tế, bận rộn với nhiều hoạt động xã hội chẳng hề thua kém đàn ông nên tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời có phần cao hơn. Nếu cho chọn giữa một cuộc hôn nhân nhạt nhẽo và lối sống tự do, có nhiều thời gian riêng tư cho bản thân, tôi chọn tự do”.

Còn Lê Anh Dũng (34 tuổi, TP HCM) bày tỏ: “Bây giờ đã là xã hội hiện đại. Nếu cứ coi hôn nhân là tất cả, việc lấy chồng, lấy vợ bắt buộc thì thật sự quá mệt mỏi. Ai đó cho rằng sống độc thân là bất hạnh thì tôi nghĩ điều đó sai. Chúng ta trưởng thành, có công việc, có ước mơ để phấn đấu, có mức lương đủ để sống thoải mái, có hàng loạt phương tiện giải trí, chăm sóc sức khỏe cũng như sắc đẹp... Chuyện cưới hỏi chỉ là một trong những lựa chọn và tôi nghĩ chẳng nên vội vàng”.

Theo GS. TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam, việc ngại yêu, ngại kết hôn của giới trẻ xuất phát từ định hướng giá trị bản thân. Khi bản thân chọn lựa các giá trị sống hướng về chính mình, hướng đến sự thoải mái thì chắc chắn việc ngại yêu, ngại kết hôn là điều có thể xảy ra.

Theo đó, GS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ, tại một cuộc tọa đàm của chúng tôi với 351 bạn trẻ cho thấy tỷ lệ phân vân và không muốn kết hôn đã lên đến 18%; tỷ lệ giới trẻ không muốn yêu hoặc ngại có thêm mối quan hệ nữa gần 10%...

Tình trạng ngại kết hôn của người trẻ Việt Nam được GS. TS Huỳnh Văn Sơn đề cập đã xuất hiện từ lâu ở Nhật Bản, đất nước có cơ cấu dân số già, hệ lụy của việc ngại yêu và ngại kết hôn. Một khảo sát trên 7.000 thanh niên Nhật độ tuổi từ 20-30 cho thấy có 40% số người độc thân không chủ động tìm kiếm quan hệ. Họ nghĩ yêu đương rất phiền toái, việc đắm mình trong các thú vui của bản thân đáng được ưu tiên hơn nhiều.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng, trường hợp ngại yêu không hiếm gặp trong cuộc sống. Điều này xuất hiện như sự diễn tiến của một xã hội mà con người đang muốn tôn trọng chính mình. Tuy nhiên, suy nghĩ, lựa chọn này mang tính cá nhân nên bất kỳ sự phán xét nào cũng chưa thỏa đáng.

Điều này vẫn cần nhìn nhận từ hệ lụy phát sinh: Con người khi yêu thương chính mình thái quá, dễ mất cân bằng trong cuộc sống; cái tôi phát triển quá mạnh dẫn đến những ứng xử thiếu tính tương tác; con người lệ thuộc vào các phương tiện ảo và dần đánh rơi các giá trị thật..., ông Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh. Một thế hệ trẻ lười yêu, nghe có vẻ hài hước nhưng là sự thật! Họ không lười vận động, làm việc mà là lười yêu...

Khi hôn nhân không còn giá trị “vĩnh viễn”?

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Hồng Mai (Đại học Văn hóa Hà Nội) từng chia sẻ rằng, bên cạnh những chuẩn mực truyền thống, ngày nay càng xuất hiện nhiều giá trị thay thế cho vài giá trị vĩnh viễn như hôn nhân. Giới trẻ có nhiều sự lựa chọn để giao tiếp, mở ra thế giới mới, đặc biệt là khái niệm cá thể hóa cũng như giá trị cá nhân: internet, ngoại ngữ, công nghệ…

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ hộ gia đình độc thân ở thành thị đã tăng từ 6,23% năm 2004 lên 9,1% năm 2014 và tăng lên 10,1% vào năm 2019. Một nghiên cứu năm 2012 được thực hiện bởi các nhà tâm lý học Đại học ở TP San Diego (Mỹ) và được Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ công bố đã báo cáo rằng những người sinh ra trong thập niên 80 và 90 thường tự cho mình là trung tâm hơn so với những thế hệ trước đó, nên dần hình thành một thế hệ “ích kỷ”. Họ trân trọng chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân này không phải lúc nào cũng dễ dàng duy trì khi sống với bạn cùng phòng hoặc với một người quan trọng khác.

Vậy phụ nữ sống độc thân có hạnh phúc không? Theo các chuyên gia tâm lý học, có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi ấy. Quan trọng nhất, phụ nữ thích sống một mình bởi vì họ đủ khả năng. Trong nửa thế kỷ qua, phụ nữ gia tăng đáng kinh ngạc trong thị trường lao động và được trả lương đủ để họ sống vui vẻ, tận hưởng nhiều thứ chưa từng có mà không cần phải phụ thuộc vào người đàn ông, cho dù có hay không có bạn đời.

Một cách khác để giải thích tại sao nhiều phụ nữ sống một mình hơn đàn ông? Lý do chính là phụ nữ có xu hướng sống lâu hơn, đó rõ ràng là một lợi thế, nhưng cũng là một điều khiến họ có nhiều khả năng già đi một mình. Phụ nữ sống trung bình lâu hơn 6 năm so với đàn ông. Họ duy trì sức khỏe tốt nhờ vào chăm sóc bản thân tốt, đặc biệt là các thế hệ của những năm 80 và 90.

Không những thế, phụ nữ thường tạo dựng và duy trì tình bạn tốt hơn đàn ông kể cả việc liên lạc với các thành viên trong gia đình. Ở hầu hết các thành phố lớn, nơi dòng văn hóa từ những người phụ nữ độc thân đang bùng nổ, họ ít bị cô lập hơn về mặt xã hội, đặc biệt là sau khi ly thân hoặc ly hôn.

Đối với phụ nữ đã một lần đò thì chắc chắn họ đã đi qua đủ những mặn ngọt, cay đắng của cuộc sống hôn nhân. Bởi chẳng có ai đang hạnh phúc lại ly hôn cả. Và ly hôn rồi thì phụ nữ thường lựa chọn cuộc sống độc thân và tự tìm cho mình những niềm vui bằng cái nhìn lạc quan, không kỳ vọng vào việc người khác sẽ mang lại cho mình điều gì. Họ biết đủ, biết buông và không để cho người khác chi phối cảm xúc của mình!

Mới đây, TS Tống Thùy Linh Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) trong nghiên cứu của mình cũng đã công bố, tỷ lệ “gia đình một người” ở thành thị có xu hướng cao hơn khu vực nông thôn và tốc độ gia tăng đạt khoảng 3% trong 10 năm qua. Sự tăng trưởng loại hình gia đình như trên chủ yếu xuất phát từ sự thay đổi trong xu hướng kết hôn, lựa chọn lối sống độc thân và sự gia tăng người cao tuổi sống đơn thân.

Như vậy, xu hướng kết hôn muộn của giới trẻ cùng các tác động đa chiều từ kinh tế, xã hội, văn hóa hình thành lối sống “một mình” không những làm lung lay một số giá trị quan trọng như hôn nhân mà còn có thể ảnh hưởng lâu dài tới cơ cấu dân số, những giá trị, chức năng căn bản của gia đình Việt Nam trong hiện tại và cả tương lai. Thực tế này đặt ra vấn đề, các chính sách gia đình, bảo hiểm y tế, an sinh xã hội… cần sớm được xây dựng, sửa đổi cho phù hợp, đón bắt xu hướng dân số ngày càng già đi và sự gia tăng lựa chọn lối sống độc thân của nhiều cá nhân trong xã hội.

Theo nhiều nhà xã hội học, xu hướng độc thân trước hết là do kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao, phúc lợi xã hội ngày càng tốt hơn. Xưa nay nỗi lo lớn nhất của người cao tuổi là nếu không có gia đình, con cháu thì khi già yếu biết cậy nhờ ai? Tuy nhiên, với những quốc gia phát triển, các viện dưỡng lão ngày càng nhiều thì điều đó không phải là vấn đề.

Khi những nhu cầu cơ bản của con người như cái ăn, cái mặc không còn là nỗi lo thường trực thì cái mà người ta quan tâm không phải là mức sống mà là chất lượng sống. Một cuộc sống có chất lượng là cuộc sống an toàn, có nhiều niềm vui, con người cảm thấy thoải mái, hạnh phúc thay vì cô đơn trong một cuộc hôn nhân nào đó, khi tình yêu đã rời đi…

Nhiều bạn trẻ cho rằng, phụ nữ trẻ ngày nay có thể sống tốt nếu có năng lực tài chính cá nhân. Họ có nhiều cơ hội học hành và việc làm hơn, điều đó giúp nữ giới có nhiều lựa chọn tương lai, không phải áp lực phải là một người vợ hay người mẹ mới xác định giá trị của mình trong xã hội.

Các cô gái thông minh biết rõ rằng độc thân sẽ tốt hơn và thoải mái hơn là ở bên cạnh một người “không thực sự thuộc về họ”. Khi độc thân không phải là một nỗi buồn mà là một sự lựa chọn đầy sáng suốt và tỉnh táo thì làm sao có thể thuyết phục họ yêu một ai đó được. Họ không yêu ai không có nghĩa là họ “ế” hay họ không được ai ngưỡng mộ, mà chỉ đơn giản là họ… thích như vậy và họ cảm thấy tuyệt vời khi được ở một mình chẳng phải vướng bận hai chữ “người yêu”…

Một cô gái lạc quan chia sẻ: “Bất kể kiếp này bạn có kết hôn hay không, bất kể bạn sống một cuộc sống ra sao, chỉ cần bạn có một tâm hồn tích cực, những tình bạn tuyệt vời, bạn vẫn sẽ có thể hạnh phúc và vui vẻ, hòa hợp với chính mình. Đã bao giờ bạn nghĩ khi về già, bạn sẽ sống một cuộc sống như thế nào chưa? Cá nhân tôi nghĩ đó là một cơ thể khỏe mạnh, một đám bạn già ở bên. Già rồi thì ở cùng hội chị em bạn dì, hơn 70 tuổi vẫn nhuộm tóc, cùng nhau đi vi vu mọi nơi”…

Đọc thêm