Khi giúp việc nhà "củ hành" gia chủ

Cuộc sống bận rộn khiến việc người giúp việc trở thành một "thành viên" không thể thiếu trong các gia đình trẻ. Thế nhưng những phi vụ như cô "ô sin" trẻ ăn mặc trễ nải, hay nằm ngoài phòng khách ngủ cả đêm đầy bi hài mà kể mãi cũng không hết. 

Cuộc sống bận rộn khiến việc người giúp việc trở thành một "thành viên" không thể thiếu trong các gia đình trẻ. Thế nhưng những phi vụ như cô "ô sin" trẻ ăn mặc trễ nải, hay nằm ngoài phòng khách ngủ cả đêm đầy bi hài mà kể mãi cũng không hết. 

 
Đểnh đoảng
Bỏ tiền mua lấy sự nhàn thân cũng có cái giá của nó mà không ít ông bà chủ rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười. Ban đầu là làm sao sắp xếp chỗ ăn, chỗ ở, quy định về lời ăn, tiếng nói. Rồi có nên để người giúp việc ăn cơm cùng gia đình hay không, mấy giờ thì đi ngủ, mấy giờ thức dậy… là những điều không hề đơn giản. Chị Nguyễn Thị Giản (phường Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Nhà hai đứa con nhỏ, tôi là công chức nên không thể đảm đương hết mọi việc, chồng tôi thường đi công tác xa dài ngày. Nhu cầu người giúp việc đã 5 năm nay, nhưng để tìm người hợp tính hợp nết là vô cùng khó. Thời gian đầu, cả một tháng tôi phải đổi đến 6 người vì không hợp. Người thì chưa đến đã đòi chế độ, đòi mua quần áo mới. Người khác lại “quy định” ngược là chỉ làm một số việc”.
Cũng theo chị Giản, thuê ô sin cũng phụ thuộc vào chuyện may rủi. Ngay như người hiện tại đang ở nhà chị rất chịu khó nhưng lại đểnh đoảng. Chị ta rửa bát thì bao giờ cũng để nước chảy lếnh loáng, hoặc vỡ loảng xoảng. Về nội trợ thì khỏi phải nói, tiền đưa đi chợ, có khi chị đem chia ra làm hai ngày nên thức ăn ít. Có hôm chồng đi công tác xa về, chị Giản phải ôm cái bụng đói meo đi ngủ. 
Cũng như chị Giản, gia đình chị Nguyễn Thị Đơn (em gái chị Giản) thuê một người giúp việc tuổi 43 với giá 3 triệu đồng/tháng. Cộng chi phí ăn ở, quần áo cho chị ta thì cũng phải mất 5 triệu. “Thế mà ôsin nhà tôi còn thể hiện cái tình rất buồn cười. Có lúc cả nhà ăn bưởi, bảo chị ấy ăn thì chị ấy bảo chua không ăn. Đêm tôi trở dậy đi vệ sinh thì thấy chị ấy lục tủ lạnh ăn dưa Mỹ. Cái hộp sữa của con tôi cũng rất nhanh vơi, thằng bé thì lười uống, thì ra chị ấy thường… uống thay. Hỏi chị ấy bảo uống sữa cho thông minh”, chị Đơn bức xúc.
Có người đã trải qua không dưới 10 “đời” ô sin và không muốn “đổi” nữa. Và như thế họ lâm vào tình trạng “nhịn như nhịn cơm sống”, “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì đã quá mệt mỏi và không còn kiên nhẫn để tìm người nữa. 
“Củ hành”
Không chỉ có vậy, trong khi nghề giúp việc đang trở nên hot trong xã hội, nhu cầu nhiều thì đối tượng này lại hành ngược chủ nhà, làm giá, đòi quyền lợi và nếu không được đáp ứng thì... dọa bỏ. Nhiều người vì quá mệt mỏi đã phải chấp nhận. Gia đình chị Trần Thị Phương (đường Nguyễn Trãi, Hà Nội) điêu đứng vì con 11 tháng tuổi không có ai trông để đi làm, dù đã nói rõ với người giúp việc là về nghỉ một ngày nhưng ba ngày cô bé không lên. Gọi điện hỏi thì cô bé giúp việc bảo bố chưa cho đi và yêu cầu phải tăng lương thêm 400 ngàn đồng/tháng vì tay nghề đã cao hơn trước. Bực lắm, nhưng chị vẫn phải ngọt nhạt vì đúng là cô bé khá thạo việc. Được vài ngày, ô sin lại than vãn gia đình khó khăn, rồi nói bóng gió có lẽ phải đi tìm việc làm ở chỗ có lương cao hơn. Hãi hùng nhất là mỗi khi cô bé có bạn gọi điện rủ, nói là có chỗ làm tốt hơn, kiểu gì ô sin cũng đỏng đảnh đòi đi. Chủ nhà lại phải dỗ dành, nịnh nọt. Khi biết được cái giá của mình, ô sin tiếp tục hành chủ nhà bằng các chiêu trò như: đòi mua áo mới, tiền thưởng, đòi uống nước atisô để đảm bảo sức khỏe, rồi động một tí là kêu ốm đau. Chị Phương nén nhịn, hứa sẽ nâng thêm vài trăm nghìn nữa để giữ chân. “Không thuê người thì không thể đi làm vì con còn nhỏ, nhưng tôi đi làm lương có 5 triệu/tháng, bây giờ ô sin đòi giá ngất ngưởng đến 3,5 triệu thế này... Rất xót ruột, bực bội nhưng tôi phải cắn răng chịu đựng”, chị Phương nói.
Chấp nhận nhưng đôi khi chị Bùi Thị Ái (cạnh nhà chị Phương) cũng vẫn lâm vào tình trạng bi kịch bởi ngộp thở vì bị ô sin hành. Cô bé đang giúp ở nhà chị quê Ninh Bình, đang tuổi yêu đương, đôi khi người yêu gọi đến, mải buôn chuyện nên quên hết việc nhà. Có đêm nằm ở ghế nhà ngoài buôn chuyện đến 1 giờ, rồi ngủ luôn ở đó. Sáng sau phải có người gọi mãi mới dậy. Chị kể, trước đó chị có một ô sin rất tham lam. Sau khi thanh toán hết tiền công 6 tháng, ô sin đòi ứng trước một tháng lương để về đưa cho bố mẹ lo Tết. Trước khi về ô sin hứa chắc chắn mùng 6 tết sẽ ra. Nhưng đến mùng 8 vẫn chưa thấy. Gọi điện hỏi thì bảo làm việc vất vả quá nên đòi tăng lương, không tăng thì không lên nữa. 
Xã hội đã hình thành nên cả thế giới người giúp việc, trong cuộc sống với gia chủ nảy sinh biết bao mâu thuẫn, bao chuyện bi hài đau khổ. Đó là chưa kể đến chuyện ô sin ăn mặc trễ tràng, áo mỏng trong khi nhà có nhiều đàn ông. Rồi ô sin trả thù chủ nhà bằng cách cho ăn canh có pha xăng, ô sin đánh mẹ chủ nhà, bắt nạt con chủ... Tất cả đòi hỏi mỗi người, khi cần ô sin đều phải tỉnh táo chọn lựa, sắp xếp tốt công việc để khỏi mất tiền mà vẫn mua lấy cái bực vào mình.
Sơn Bình

Đọc thêm