Khi “lâm tặc” làm porter để trả nợ… rừng xanh

(PLVN) - Khi các tuyến du lịchvào “Vươngquốc hang động” Quảng Bình được khai thác, rất nhiều người dân địa phương ở cácvùng rừng núi nàychuyển sang công việc mới, thay thế nghề “lâm tặc” trước đây, đó là “porter” (khuân vác, vận chuyển hậu cần phục vụ du khách). Nay cũng vào rừng, nhưng họ quay lại làm công việc như để “trả nợ” rừng xanh.
Đoàn porter chụp ảnh cùng du khách sau một hành trình khám phá
Đoàn porter chụp ảnh cùng du khách sau một hành trình khám phá

Porter- nghề thú vị

Vào mỗi buổi sáng, anh Nguyễn Văn Đại (SN 1976) ở thôn Phong Nha (thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) lại đến văn phòng Công ty TNHH Jungle Boss – đơn vị tổ chức tour khám phá mạo hiểm hang động và rừng núi Phong Nha - Kẻ Bàng để bắt đầu công việc thường nhật.

Anh Đại đã gắn bó với công việc chính của anh là khuân vác hành lý cho khách du lịchđược 3 năm. Anh cẩn thận, tỉ mỉ chuẩn bị đầy đủ từ lương thực, thực phẩm đến các vật dụng cần thiết để phục vụ hành trình chinh phục, khám phá các điểm đến của du khách.

“Trước đây, tôi đã từng làm nhiều công việc vất vả, lắm rủi ro và bấp bênh... Từ khi chuyển qua làm porter, dù không nhàn hạ, nhưng vui vẻ, thanh thản vàổnđịnhhơn nhiều. Chúng tôi có nhiệm vụ mang, vác, gùi đồ, hộ tống, dựng lán trại, phục vụ thức ăn, đồ uống cho khách du lịch” – anh Đại cho hay.

 

Cũng theo anh, porter mặc nhiên đã trở thành người bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường thiên nhiên, giữ gìn từng nhành cây, con thú... Vấn đề giữ vệ sinh cũng được anh em porter rất coi trọng bởi nó sẽ càng thu hút du khách và duy trì được việc làm lâu dài, cuộc sống ổn định.

Nhữngnăm gần đây, khách du lịch đến khám phá hệ thống hang động cũng như các điểm du lịch ngày càng nhiều, nhu cầu về khuân vác hành lý, phục vụ du khách cũng vì thế mà tăng lên. Porter chính thức trở thành nghề mưu sinh của người dân Phong Nha và nhiều vùng lân cận.

Anh Lê Lưu Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Jungle Boss

Anh Lê Lưu Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Jungle Boss

Chàng porter trẻ tuổi Phạm Văn Dương (SN 1998), cũng ở thôn Phong Nha thì khoe: “Anh em porter luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau nên dễ dàng vượt qua khó khăn và cùng đam mê, yêu thích công việc được ví như  “đi chơi có thưởng” này.Từ chỗ không biết tiếng Anh, nhưng qua nhiều năm làm porter cho khách nước ngoài, giờ đây em có thể giao tiếp đơn giản với họ”.

Người bảo vệ rừng xanh

Anh Lê Lưu Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Jungle Boss cho hay: “Hiện công ty chúng tôi khai thác các tuyến du lịch, như: hang Trạ Ang, thung lũng Ha MaDa, hang Voi, hang E, hang Hổ, hang Pygmy... ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Tất cả các điểm đến của du khách đều rất cần đội ngũ porter. Họ vừa là người dẫn đường, hỗ trợ du khách mang vác hành lý, vừa là người chăm sóc, phục vụ các bữa ăn cho du khách. May mắn, porter của công ty chúng tôi đều là người dân bản địa, rất cần cù, chịu khó; cộng với sức khỏe và kinh nghiệm đi rừng nên công việc này khá phù hợp.”

Cũng theo anh Dũng, hàng năm công ty luôn tổ chức mở các khóa tập huấn dành riêng cho đội ngũ porter. Tại những lớp học này, các lao động địa phương được tập huấn về thực hiện nội quy, trau dồi kỹ năng làm việc, giao tiếp, tiếng Anh, cứu hộ cứu nạn và chế biến thức ăn, đồ uống... để phục vụ và bảo đảm an toàn cho du khách.

Các porter đang hỗ trợ du khách trong quá trình leo vách hang động để khám phá trải nghiệm.
Các porter đang hỗ trợ du khách trong quá trình leo vách hang động để khám phá trải nghiệm. 

Hiện nay, trên địa bàn thị trấn Phong Nha có gần 300 người ở độ tuổi từ 20-45 đang làm công việc khuân vác hành lý cho du khách. Tùy vào mùa du lịch cao hay thấp điểm, trung bình một tháng, mỗi porter phục vụ khoảng 10-15 tour du lịch. Tour dài nhất là 3 ngày và ngắn nhất là 1 ngày. Ngoài chế độ ăn, uống như du khách, mỗi porter sẽ có nguồn thu nhập ổn định từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, được tiếp xúc với du khách từ khắp nơi trên thế giới, những porter được trau dồi kỹ năng tiếng Anh và hiểu biết thêm về nhiều nền văn hóa khác nhau. Ý thức về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên cũng từ đó được nâng lên.

Ông Trần Nam Trung - Chủ tịch UBND thị trấn Phong Nha cho biết: “Người dân Phong Nha ngoài làm nông, trồng trọt, thì trước đây chủ yếu sống dựa vào việc trồng rừng và “đi rừng”... Công tác bảo vệ rừng vì thế rất khó khăn, bởi một số người dân lợi dụng gần rừng để khai thác lâm sản trái phép. Từ khi du lịch phát triển, một số công ty dịch vụ mở ra, toàn xã Sơn Trạch đến nay đã có gần 900 lao động có việc làm ổn định. Phần nhiều lao động tham gia các công việc, như: hướng dẫn viên, lễ tân hay phụ trách buồng, bàn, bếp... Trong đó, những porter vừa làm du lịch vừa bảo vệ rừng, nên tình trạng phá rừng trên địa bàn hiện đã cơ bản được hạn chế!”

Nhóm porter củaJungle Boss chụp hình lưu niệm với du khách trước chuyến trải nghiệm khám phá hang động.

Nhóm porter củaJungle Boss chụp hình lưu niệm với du khách trước chuyến trải nghiệm khám phá hang động.

Dù luôn tất bật với công việc phục vụ trong mỗi chuyến hành trình, nhưng đội ngũ porter vẫn luôn được đánh giá là nhiệt tình, chu đáo và thân thiện với du khách như tính cách vốn có của người dân địaphươngnàynóiriêngvàQuảng Bình nói chung. Vì vậy, khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế rất ấn tượng và dành nhiều tình cảm đặc biệt cho những porter. 

Dù ngành du lịch Quảng Bình đã bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng thời gian này, du khách đã bắt đầu rục rịch quay trở lại với nơi mệnh danh là “vương quốc hang động” và “kinh đô” của du lịch khám phá mạo hiểm này. Những porter ở Phong Nha cũng đã trở lại với công việc thường nhật cùng nụ cười tươi tắn trên môi. Với họ, được gắn bó với núi rừng, với những điểm đến hấp dẫn, những hang động trên quê hương là niềm vui và hạnh phúc. Hơn nữa, họ cũng đang từng ngày góp phần quảng bá hình ảnh, bản sắc quê hương Quảng Bình đến với bè bạn trên khắp năm châu.

“Không ít người dân nơi đây vì gánh nặng mưu sinh cơm áo đã “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” và rơi vào vòng lao lý. Thấy cảnh tượng đó, tôi rất đau lòng và quyết tâm với định hướng phát triển kinhdoanh du lịch hướng đến việc bảo tồn tài nguyên rừng gián tiếp bằng cách sử dụng lao động địa phương, tạo nguồn thu nhập ổn định nuôi sống gia đình họ.Từ đó, áp lực bảo vệ rừng Di sản Phong Nha – Kẻ Bàng cũng sẽ giảm dần. Nguồn thuế thu từ du lịch cũng chính là một phần kinh phí để chi trả cho công tác bảo vệ rừng” – anh Lê Lưu Dũng Giám đốc Côngty TNHH Jungle Boss cho biết. 

Đọc thêm