“Tuổi cao, chí càng cao”
Có nhiều người đã hết tuổi lao động theo quy định nhưng vẫn còn khả năng lao động và có nhu cầu làm việc bởi nhiều lý do khác nhau. Phần lớn là do họ vẫn còn sức khỏe nên muốn lao động thêm phụ giúp kinh tế gia đình, có thêm “đồng ra đồng vào” cho chi tiêu hàng ngày. Một bộ phận khác là do không có hoặc ít lương hưu/tích lũy nên cần làm việc để tạo thu nhập trang trải cho cuộc sống của bản thân. Dù lý do nào cũng cho thấy rất nhiều người cao tuổi (NCT) luôn nỗ lực thể hiện sự độc lập tự chủ về tài chính, bớt gánh nặng cho con cháu; đồng thời, công việc cũng khiến họ cảm thấy có ích hơn với gia đình và xã hội.
Tại các vùng nông thôn, nhiều NCT dù đã về hưu nhưng vẫn gắn bó với công việc đồng áng, vừa lấy điều đó làm niềm vui, vừa hỗ trợ không nhỏ cho kinh tế gia đình. Đơn cử là câu chuyện của bà Vàng Thị Ín (SN 1965), một hội viên của Chi hội Người cao tuổi Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) đã làm kinh tế thành công với mô hình trang trại vườn, ao, chuồng (VAC) đem lại hiệu quả cao. Gia đình bà nhiều năm nay đã được huyện, xã tặng Giấy khen hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Trả lời báo chí, ông Lò Văn Phà - Chủ tịch Hội NCT xã Bản Hon nhận xét: “Mỗi năm, gia đình bà thu lãi trên 150 triệu đồng từ mô hình trang trại VAC. Đây là mô hình kinh tế tiêu biểu, hiệu quả kinh tế cao, nhiều người dân trong xã đến học hỏi, làm theo”.
Còn tại một số vùng ven đô thị mà nông nghiệp không còn là ngành kinh tế chủ đạo, NCT lại phát huy vai trò của họ ở những khía cạnh khác. Đơn cử, tại xã Tân Lập (huyện Đan Phượng, TP Hà Nội), kể từ năm 2018, nông nghiệp đã không còn là ngành kinh tế chủ đạo, tỷ trọng thu nhập từ nông/lâm/ngư nghiệp trên địa bàn chiếm dưới 10%. Do đó, nhiều hộ dân phải tìm kiếm các nguồn sinh kế thay thế công việc đồng ruộng. Theo một báo cáo của UBND xã, những người trên 60 tuổi còn sức khỏe nếu không có lương hoặc trợ cấp thường tham gia vào các công việc như: nấu rượu, nuôi gà, đi chợ, trồng rau, buôn bán nhỏ, bóc tôm, bóc sen, làm miến... Nếu chia theo giới, NCT là nữ trong độ tuổi 60-65 ngoài các công việc làm trong gia đình có thể đi phụ xây, nấu bếp, nhận trông trẻ tại nhà, trồng hoa làm cỏ theo ngày công; NCT là nam có thể đi xây, chạy xe ôm, xe lam chở hàng...
Bên cạnh đó, có một bộ phận không nhỏ NCT ở nông thôn và thành thị đang làm việc trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, công nghệ… Trong đó, có rất nhiều NCT khởi nghiệp thành công, làm kinh tế giỏi, bởi lợi thế về kinh nghiệm nghề, kiến thức sâu rộng và có nhiều mối quan hệ trong xã hội. Để minh chứng cho điều này, một nghiên cứu của Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội vào tháng 6 và tháng 8 năm 2020 tại 3 địa phương là TP Hồ Chí Minh, Nghệ An và Hải Dương cho thấy: Khoảng 40-45% NCT tham gia hoạt động kinh tế; trong số những NCT tham gia hoạt động kinh tế có khoảng 3 - 4% là chủ các doanh nghiệp, các trang trại trồng trọt, chăn nuôi, đã và đang tạo ra hàng triệu chỗ làm việc cho người lao động ở khắp vùng miền trong cả nước. Ví dụ cụ thể hơn là tại huyện Thanh Miện (tỉnh Hải Dương) có 22.596 NCT, độ tuổi 60-69 chiếm 67%; trong đó có khoảng 40-50% NCT vẫn tham gia hoạt động kinh tế. Đặc biệt có 230 NCT là chủ các trang trại, thu hút nhiều lao động.
Theo đó, cũng không thể không nhắc tới một bộ phận NCT hoạt động và đóng góp không ngừng nghỉ trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Không khó để kể ra những tấm gương sáng của văn nghệ sĩ cao tuổi như GS - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu, GS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Vĩnh Bảo, GS Trần Bảng, đạo diễn Lê Tiến Thọ, đạo diễn Phạm Thị Thành, NSND Tường Vy, NSND Trà Giang, NSND ca trù Kim Đức… Thậm chí nhiều văn nghệ sĩ dù trên 80, 90 tuổi vẫn tiếp tục sáng tạo ra những giá trị mới hoặc tham gia giảng dạy, truyền nghề, dẫn dắt cho lớp trẻ hướng đến giá trị chân -thiện - mỹ của văn hoá dân tộc.
Nguồn lực quý báu bị bỏ ngỏ
Ngoài những hoạt động đóng góp trực tiếp về mặt kinh tế, NCT cũng thể hiện vai trò tích cực trong chăm lo đời sống tinh thần, chăm sóc giáo dưỡng các thành viên trong gia đình. Nhà nghiên cứu Đặng Cảnh Khanh đã từng khẳng định vai trò quan trọng của NCT trong giáo dục các giá trị truyền thống cho con trẻ. Cụ thể, ông đánh giá cao gia đình ba thế hệ trong việc giáo dục con cái các giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, việc giúp đỡ con cháu không phải lúc nào cũng là nghĩa vụ phải làm của NCT mà đôi khi điều này đến từ tình yêu thương, sự tự nguyện và trách nhiệm của người làm cha mẹ, ông bà đối với con cháu của mình.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài, khiến cho cuộc sống của NCT lại càng khó khăn hơn |
Tại nông thôn và một số khu vực ven đô, NCT vẫn giữ một vai trò đóng góp nhất định trong việc chăm sóc giáo dưỡng các thành viên, duy trì sự ổn định của gia đình, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Khi lao động trẻ bị cuốn vào cuộc sống mưu sinh bận rộn, ông, bà còn khoẻ mạnh thường ở cùng con và đảm đương các công việc nội trợ, chăm sóc cháu hằng ngày như nấu ăn, dọn nhà, trông trẻ, đưa cháu đến lớp, tắm rửa cho cháu,… Đặc biệt các gia đình trẻ ở nông thôn có con nhỏ trong giai đoạn từ 1-3 tuổi đều cần đến sự hỗ trợ của ông, bà. Còn tại các đô thị, trách nhiệm trông nom cháu của NCT được chia sẻ một phần với hệ thống chăm sóc giáo dục trẻ em như nhà trẻ, mẫu giáo, người giúp việc, trường lớp bán trú cho học sinh lớp thấp… Do vậy, NCT ở các đô thị có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động xã hội khác.
Có thể thấy, nhờ vào sự phát triển khoa học, công nghệ, dịch vụ và nhận thức xã hội, hiện nay không hiếm gặp những trường hợp NCT vẫn lao động sau khi về hưu, đóng góp vào kinh tế gia đình dưới nhiều hình thức khác nhau. Khách quan đánh giá, NCT là một nguồn lực quý báu của quốc gia chứ không thể được coi như một gánh nặng. Dù vậy, trên thực tế, những đóng góp và nỗ lực của họ vẫn chưa được công nhận đúng tầm.
Theo nhiều chuyên gia về lao động, mặc dù đã có chính sách hỗ trợ về sinh kế cho NCT nhưng các quy định về lao động lớn tuổi ở nước ta vẫn khá hạn chế, thị trường lao động dành riêng cho đối tượng này chưa được hình thành. Biểu hiện này càng rõ ràng hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài, khiến cho cuộc sống của NCT lại càng khó khăn hơn, nhiều NCT bị mất sinh kế, thu nhập giảm sút.
Tóm lại, với chất lượng cuộc sống ngày càng cao hơn, rất nhiều NCT còn sức khoẻ và khả năng để làm việc dù đã lớn tuổi hoặc thậm chí đã qua tuổi nghỉ hưu. Đó không chỉ là nhu cầu, nguyện vọng của rất nhiều NCT tại Việt Nam mà còn là một xu thế phổ biến tại các thị trường lao động trong nước và trên thế giới khi dân số già đi. Theo đó, không thể bỏ qua những nỗ lực, cố gắng của NCT để góp phần bảo đảm cuộc sống cho chính mình, phụ giúp kinh tế gia đình, đồng thời qua đó đóng góp cho sự phát triển của kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Phần lớn người lao động trong nhóm từ 45 tuổi trở lên có rất ít lựa chọn việc làm; còn nhóm từ 60 tuổi trở lên hầu như không có việc làm cần đến họ qua các kênh tuyển dụng chính thức. Có thể thấy ngay trên các website tuyển dụng lớn nhất hiện nay, giới hạn tuổi mà nhà tuyển dụng yêu cầu thường từ 18 - 35 tuổi. Đa số NCT có nhu cầu làm việc không biết tìm việc làm ở đâu, chỉ qua giới thiệu của người quen, bạn bè. Mặt khác, rất nhiều NCT có khả năng, kinh nghiệm, muốn đầu tư sản xuất kinh doanh gặp tình cảnh thiếu vốn, dù cố “loay hoay” được một thời gian thì cũng dễ “đứt gánh” vì không có các cơ chế ưu đãi hỗ trợ họ khởi nghiệp. Cơ hội ít hơn, NCT muốn tìm được công việc phù hợp không hề dễ dàng.