Tại sao người lao động “dứt áo”?
Trong số gần 40.000 công chức, viên chức thôi việc ở khu vực công chuyển sang khu vực tư thì số nghỉ việc trong ngành Giáo dục hơn 16.400 người, ngành Y tế là 12.198 người… Tình trạng này đang ngày càng gia tăng và lý do mà người viết đơn xin nghỉ việc thì có rất nhiều, như “theo nguyện vọng cá nhân”, “do tiền lương thấp”, “do sức khỏe”, “do điều kiện gia đình”, “do môi trường không phù hợp”...
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, trong tổng số 39.552 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, chuyển việc sang khu vực tư chiếm gần 2% tổng biên chế. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đến bối cảnh ngành Y tế trong thời gian dịch bệnh công việc áp lực, ngành Giáo dục cũng tương tự.
Theo ông Thăng, nguyên nhân của tình trạng này có cả khách quan và chủ quan. Trong đó, khách quan của nền kinh tế thị trường, trong đó có thị trường lao động. Để phát triển lành mạnh giữa khu vực công và tư thì có sự liên thông giữa công tư và có sự cạnh tranh phát triển. Đồng thời, qua đó cũng cần nhìn lại chính sách của khu vực công, khu vực tư để có giải pháp hoàn thiện.
Một Thạc sĩ dạy tại Trường Đại học (ĐH) Ngoại ngữ - Tin học TP HCM chia sẻ về lý do rời một trường ĐH công lập có tiếng để đến một trường tư thục làm việc: “Mỗi nơi đều có những lợi thế và khó khăn riêng. Tuy nhiên, tôi cảm thấy môi trường ĐH công có khá nhiều điều gò bó và thiếu linh hoạt, nếu cứ liên tục và kéo dài chắc chắn sẽ gây mệt mỏi, nhất là những người trẻ mong muốn được cống hiến.
Về vấn đề thăng tiến cũng là một yếu tố thu hút cán bộ, giảng viên trẻ. Tôi nhận thấy trường tư thục không lấy quy trình ra để cất nhắc người giỏi. Miễn là bạn có năng lực, nhiệt tình, hết mình cống hiến cho trường, thì dù bạn rất trẻ, trường tư cũng bổ nhiệm bạn ở vị trí cao, không quan trọng thâm niên hay các điều kiện khác. Trong khi đó, tại các trường công, người giỏi, trẻ tuổi chắc chắn vẫn phải trải qua một quy trình nhất định mới có thể được thăng tiến”.
Không chỉ ngành Giáo dục, ngành Y tế sau dịch COVID-19 đã chứng kiến “làn sóng” nhân viên thôi việc với gần 10.000 người được các địa phương ghi nhận từ đầu năm 2021 đến hết tháng 6/2022. Trong đó có một số tỉnh, thành phố có số lượng thôi việc, bỏ việc cao như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng… Một số phân tích cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến công chức, viên chức “bỏ công sang tư” chủ yếu là do chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ thấp; cơ hội thăng tiến không nhiều, trong khi áp lực công việc ngày một lớn.
Bác sĩ H 30 tuổi, sau dịch COVID-19 đã quyết định chuyển từ bệnh viện công lập tốp đầu của TP HCM đến một bệnh viện tư. H cho biết, ở chỗ làm mới với cùng vị trí công việc, thu nhập của cô đã tăng lên gấp rưỡi, tương đương 15 triệu đồng/tháng. Trước đó ở bệnh viện cũ, tổng thu nhập hàng tháng của H khoảng 10 triệu đồng. Tuy nhiên, H bộc bạch, có lẽ đã không nghỉ việc bởi với số tiền đó cô đã cơ bản đủ chi tiêu cho cuộc sống.
Nhưng điều khiến cô “dứt áo” ra đi đó là công việc ở viện công quá tải, áp lực luôn đè nặng. Theo cô, ở bệnh viện công phải hết việc mới được về, thế nên có những ngày lẽ ra 16h được tan ca nhưng 19 - 20h cô mới xong việc để về. Chuyện này xảy ra như cơm bữa. Mỗi tuần, H có 2 ngày trực trọn 24h và cô không thể nhớ mình đã thức trắng bao nhiêu đêm để chăm sóc bệnh nhân...
Còn tại bệnh viện tư, cô chỉ cần làm đúng quy định. Nếu được yêu cầu tăng cường làm thì sẽ tính thêm tiền ngoài giờ, rất rõ ràng. Cô cho biết, bác sĩ nếu phải trực ở phòng khám, mỗi ngày phải tiếp xúc hàng trăm lượt bệnh nhân, giường bệnh luôn trong tình trạng kín mít. Lượng bệnh đông khiến họ phải làm việc một cách vội vã, còn người bệnh phải chờ đợi lâu, nên thường xuyên cáu gắt, bày tỏ thái độ với nhân viên y tế.
Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh và sau dịch, bệnh nhân càng lúc càng đông hơn, khiến cô và các đồng nghiệp thường xuyên bị stress. Việc dứt áo ra đi chính là “giọt nước tràn ly” sau chuỗi ngày làm việc quá tải. H cũng tâm sự thêm, gia đình cô có 2 con nhỏ, việc thường xuyên đi từ sáng sớm và về lúc tối mịt, chưa kể phải trực qua đêm khiến cho cô không có đủ thời gian và sức khỏe để chăm lo cho 2 đứa con nhỏ mới học tiểu học.
Ảnh minh họa |
Sẽ không còn khoảng cách “công - tư”?
Thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT M.V.Lômônôxốp chia sẻ một số “bí kíp” thu hút thầy cô giỏi về trường: Thứ nhất là, đối với công tác tuyển chọn nhân sự, nhà trường chỉ tuyển những người có năng lực phù hợp với công việc trường cần, chỉ có bằng thực lực và thể hiện được khả năng người giáo viên đó mới được nhận.
Thứ hai, đánh giá kết quả công việc công bằng, cụ thể hiện các trường tư đều có bộ đánh giá kết quả công việc khá hiện đại và rõ ràng, qua đó đánh giá được giáo viên làm việc, kết quả ra sao... Sự đào thải là rất lớn, những người năng lực yếu kém dễ dàng bị bộc lộ ngay trong thời gian rất ngắn và phải nghỉ, để thay thế bằng những người giỏi hơn.
Thứ ba, chế độ lương, thưởng rõ ràng theo đánh giá kết quả công việc. Thứ tư, về môi trường làm việc thì khá hiện đại, “thoáng” như: Một số nhà trường có Ban giám hiệu tốt, sẵn sàng bảo vệ các quan điểm mới, tốt hơn về chuyên môn khiến giáo viên an tâm đổi mới phương pháp dạy học. Các thủ tục hành chính trong nhà trường được giảm thiểu.
Thứ năm, giáo viên được phát triển hết khả năng như được đào tạo kỹ trong nhiều chương trình bồi dưỡng thiết thực; được mạnh dạn đổi mới về phương pháp...
Trường ĐH Công nghệ TP HCM thời gian qua thu hút không ít cán bộ, giảng viên từng làm việc cho các trường công lập. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng: “Cán bộ, giảng viên trẻ có những suy nghĩ rất khác so với thế hệ lớn tuổi. Họ có khả năng thay đổi môi trường làm việc và đáp ứng môi trường mới khá nhanh, không gặp khó khăn lớn. Nhiều nghiên cứu sinh từ nước ngoài về thích vào trường tư thục do cơ chế tự chủ. Mặc dù các trường công lập cũng đang dần tự chủ tài chính, nhưng vẫn còn những rào cản khác không thể thông thoáng bằng trường tư thục”.
Tương tự, ở lĩnh vực y tế, một bác sĩ, công tác tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết, mức thu nhập và chế độ đãi ngộ hiện nay ở bệnh viện trả cho y, bác sĩ khá ổn định, tốt hơn nhiều so với bệnh viện công lập, đủ để chi tiêu cho cả gia đình mức trung bình khá. Hơn nữa, y, bác sĩ làm việc ổn định, được tập trung chuyên môn, ít kiêm nhiệm việc ngoài chuyên môn. Một bác sĩ ra trường khoảng 5 năm có mức thu nhập tầm 7 - 8 triệu/tháng, một điều dưỡng cũng với năm kinh nghiệm như vậy có thu nhập khoảng 5 triệu/tháng…
Một chuyên viên giỏi trong lĩnh vực khai thác đường bay của Hàng không Quốc gia cho biết, cô được rất nhiều lời mời chào từ các hãng bay tư nhân khác, với lương cao gấp đôi, gấp ba và những chức vụ không nhỏ. Cũng giống như chiêu hút phi công từ khu vực công sang tư cũng với lương cao gấp đôi, nhanh chóng trở thành cơ trưởng…
Đây là một trong những chiêu thu hút người giỏi của khu vực công sang tư, vì họ sẽ không mất phí đào tạo, cũng như đặc thù về kinh nghiệm công việc… Tuy nhiên, cô không đi thời điểm này bởi cô không chạy theo những lợi ích trước mắt. Dù có thể vài năm nữa, cô sẽ nghỉ việc khi đủ thời gian công tác, để lựa chọn một công việc phù hợp, không quá áp lực như hiện nay…
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân cho rằng: Trong những năm gần đây, sự thay đổi của xã hội về quan niệm công tư, các chính sách của Nhà nước hạn chế phân biệt công tư và các chính sách ở trường tư không khác, thậm chí còn năng động hơn khối công lập nên tạo điều kiện để nguồn nhân lực giỏi lựa chọn nơi làm việc phát huy năng lực của bản thân. Đối với nhân lực giỏi, có trình độ chuyên môn cao, trường thường trả mức thu nhập đủ để họ sống tốt.
Ngoài ra, trường tạo điều kiện về công việc để lực lượng này ổn định cuộc sống, yên tâm công tác tại trường. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, chỉ 5 - 7 năm nữa là nhiều trường tư sẽ nổi trội hơn rất nhiều so với trường công, vì họ đang sở hữu lực lượng cán bộ, giảng viên trẻ năng động, được tạo điều kiện phát huy năng lực. Khoảng cách chất lượng giữa “công - tư” sẽ không còn nữa.
Có thể nói, lao động của khu vực công cũng như tư đều đóng góp cho sự phát triển, tăng trưởng của đất nước. Bởi chúng ta đang xây dựng một thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững, hiệu quả và hội nhập.
“Tiến tới một thị trường lao động công - tư ngang bằng nhau”
“Việc chuyển dịch này là một quy luật tất yếu và rõ ràng là đang tiến tới một thị trường lao động mà khu vực tư và công phải công bằng nhau. Như vậy, cần coi chuyển dịch từ khu vực công sang tư và ngược lại là việc bình thường. Nhưng cần phải nhận thức rõ một số vấn đề về lý luận, thực tiễn, cần phải tính đến vấn đề tổ chức sắp xếp bộ máy, cải cách chính sách tiền lương, trả công chi phí cho người lao động để có thị trường lao động thể hiện được giá trị của sức lao động mà người lao động bỏ ra” - TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội của Quốc hội).