Những công nhân nhiều sáng kiến
Với nhiều công nhân, công việc là để họ mưu sinh và điều quan tâm lớn nhất chính là đồng lương, là cuộc sống cơm áo, gạo tiền hằng ngày. Thế nhưng, cũng có những công nhân không giới hạn mình trong nhiệm vụ thường nhật được giao, trong bậc học vấn. Với tinh thần yêu sáng tạo, luôn vươn lên, những công nhân ấy đã đưa ra nhiều sáng kiến hay ho, cải thiện công việc, đem lại nhiều đổi mới đáng ghi nhận.
Ở Công ty Cholimex, nhiều người biết đến “cây sáng tạo” Lê Đức Anh. Là Phó Giám đốc Xưởng chế biến, thế nhưng anh Lê Đức Anh vẫn luôn đồng thời đặt mình vào vị trí của một người công nhân để nỗ lực lao động và sáng tạo. Ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế giảng đường Đại học Khoa học Công nghệ TP HCM, anh Lê Đức Anh đã xác định cho mình bước đi đầu tiên của nghề nghiệp là làm công nhân, trái hẳn với mơ ước của nhiều sinh viên mới ra trường là làm nhân viên văn phòng, kĩ sư… Vì theo anh, làm công nhân mới trực tiếp lao động, thực tập nghề nghiệp, nắm bắt được mọi ngóc ngách từ giản đơn nhất của công việc.
Ra trường, về Choilimex, đảm nhận vị trí nhân viên quản lý chất lượng, anh luôn nỗ lực không ngừng. 10 năm cống hiến, anh đưa ra rất nhiều sáng kiến hay, làm lợi cho công ty. Nổi bật nhất là sáng kiến cải tạo xưởng nước tương tăng công suất 20% và băng tải lựa ớt. Với sáng kiến cải tạo xưởng nước tương tăng công suất 20%, anh đã làm lợi cho công ty gần 1,5 tỉ đồng.
Tương tự, sáng kiến băng tải lựa ớt cũng làm lợi gần 1,5 tỉ đồng cho công ty, đồng thời công nhân khâu khuân vác, lựa ớt cũng bớt vất vả hơn nhiều. Giàu sáng tạo, nỗ lực không ngừng, khuyến khích công nhân sáng tạo, đồng thời năng nổ trong các hoạt động phong trào, anh Lê Đức Anh là một tấm gương sáng ở đơn vị nơi anh làm việc. Quá trình làm việc, anh đã nhận được rất nhiều giải thưởng, nhiều bằng khen từ các cấp, đồng thời năm 2019, anh vinh dự là một trong những Công dân trẻ tiêu biểu được TP Hồ Chí Minh vinh danh năm 2019.
Hay như anh Lê Thanh Hùng, tổ thổi chai nhựa PP, Công ty CP Fresenius Kabi Việt Nam, một công nhân luôn tích cực rèn luyện, nâng cao tay nghề, đem đến nhiều sáng kiến hay, có tính ứng dụng cao. Dù công việc chuyên môn ban đầu là làm ở tổ thổi chai thủy tinh, sau đó được chuyển sang tổ thổi chai nhựa, anh tập làm quen lại công việc và cố gắng học hỏi, nâng cao nghiệp vụ.
Quá trình công tác ở tổ thổi chai nhựa, anh Hùng phát hiện ra quá trình vận hành máy thổi chai nhựa bị lỗi khiến cho phôi nhựa khi đưa vào sẽ bị méo, móp cổ miệng phôi. Sau khi trình bày vấn đề với lãnh đạo và được đồng ý, anh tiến hành thực hiện một bản đề xuất. Nghiên cứu một thời gian ngắn, anh Hùng đã tìm ra cách khắc phục lỗi trên, bằng cách cắt mở rộng thanh dẫn hướng phôi, làm giá đỡ không cho phôi bị bóp méo.
Đề xuất của anh Hùng đã làm lợi cho công ty vài trăm triệu đồng. Những năm sau đó, anh liên tục đưa ra những đề xuất mới như cải tiến máy móc, khắc phục những lỗi nhỏ vận hành. Từ những sáng tạo này, anh Hùng đã nhận được các bằng khen, phần thưởng mà công ty trao tặng như sự ghi nhận tinh thần nỗ lực, sáng tạo không ngừng nghỉ của anh.
Anh Võ Dũng (sinh năm 1967), là công nhân cơ khí bậc 5/5 thuộc Phân xưởng Bảo trì - Sửa chữa, Nhà máy nước Thủ Đức. Từ năm 2013 đến năm 2017, anh Dũng có 3 sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật, khắc phục khó khăn được Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn công nhận. Ngoài ra, trong quá trình làm việc ở công ty từ năm 1997 đến nay, anh có hàng chục sáng kiến lớn, nhỏ khác. Dù là một công nhân đã lớn tuổi nhưng anh Dũng luôn là “tấm gương” cho các thế hệ công nhân Nhà máy noi theo, học hỏi.
Với nhiều công nhân, đúng nghĩa “lao động là vinh quang” khi họ biến việc lao động cực khổ thành niềm vui, thành mục tiêu cuộc sống. Chỉ có tình yêu, niềm say mê với công việc mới có thể giúp họ luôn luôn nảy ra nhiều sáng kiến mới mẻ, hay ho, vượt ra ngoài những chỉ tiêu, nhiệm vụ, đồng lương thường nhật như bao người.
|
Anh Lê Đức Anh nhận giải thưởng Công dân trẻ tiêu biểu được TP Hồ Chí Minh trao tặng năm 2019 cho những sáng tạo và hoạt động phong trào của mình |
Doanh nghiệp thúc đẩy sáng tạo
Niềm may mắn của doanh nghiệp là có những công nhân yêu công việc, say mê sáng tạo. Nhưng ở một khía cạnh khác, người lao động một khi được doanh nghiệp tạo điều kiện, được làm việc trong một môi trường làm việc tốt, với lãnh đạo biết lắng nghe và động viên thì đó cũng là động lực để người lao động phấn đấu, cho ra đời những sáng kiến mới mẻ.
Như trường hợp của anh Lê Đức Anh, anh hết sức hài lòng được làm việc cho một công ty luôn ghi nhận những băn khoăn, mong muốn đổi mới của mình. Môi trường công ty với nhiều hoạt động phong trào sôi nổi cũng là bệ phóng cho anh phát huy hết những năng lực cả trong chuyên môn lẫn việc xã hội. Hay anh Võ Dũng, anh Thanh Hùng, tuy là công nhân nhưng luôn nhận được sự quan tâm, động viên, khuyến khích và tạo điều kiện từ các lãnh đạo của mình. Để từ đó, các anh mới dám mạnh dạn đề xuất những sáng kiến đổi mới.
Khá nhiều doanh nghiệp, ngoài hoạt động kinh doanh cũng rất chú trọng đến môi trường làm việc trong công ty. Ngoài chính sách chăm lo cho người lao động, một trong những yếu tố mà các doanh nghiệp thức thời thường chú ý đến, đó là phong trào đóng góp ý tưởng, sáng kiến. Quả thật, rất nhiều sáng kiến hay cũng từ các phong trào này mà phát lộ ra, đem lại lợi ích không nhỏ cho các doanh nghiệp. Không chỉ thế, sáng kiến là một phần nhỏ, còn người tạo ra sáng kiến mới là điều đáng chú trọng. Từ những phong trào đề xuất ý tưởng, sáng kiến như thế, các doanh nghiệp đã phát hiện ra những “nhân tài” ẩn mình trong giới công nhân để vun bồi, đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp.
Như Tổng Công ty Khí Việt Nam, từ nhiều năm nay đã khá chú trọng đến hoạt động phong trào đóng góp ý tưởng sáng kiến. Từ các phong trào này, trong giai đoạn 2015 - 2019, phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến tại Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) phát triển mạnh mẽ với hơn 1.000 sáng kiến cải tiến được công nhận, góp phần vào việc quản lý, vận hành các công trình khí an toàn, liên tục, hiệu quả, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty. Hơn 1.000 sáng kiến cấp đơn vị, 244 sáng kiến cấp Tổng Công ty, trong đó 11 sáng kiến, giải pháp được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam công nhận; 2 sáng kiến được Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tặng Bằng khen với tổng giá trị làm lợi hơn 860 tỷ đồng.
Cách thực hiện của phong trào sáng kiến ở PV Gas cũng được đơn giản hóa tối đa mọi thủ tục để người lao động dễ tham gia, như chỉ việc đăng kí các ý tưởng qua máy tính, điện thoại di động. Sau khi được tiếp nhận và chấp thuận, sáng kiến sẽ nhanh chóng được triển khai đi vào thực tế.
Mong muốn phát huy tinh thần sáng tạo, nhiều ngành nghề đã có hình thức sự kiện tôn vinh sáng tạo. Như ngành Dệt may Việt Nam có Ngày hội lao động sáng tạo. Năm 2019, Ngày hội lao động sáng tạo ngành dệt may đã trở thành một “ngày hội” thực sự với nhiều kết quả, nhiều sáng kiến hấp dẫn, khả thi, tiết kiệm hàng chục tỉ đồng cho ngành dệt may.
Sáng kiến, sáng tạo là điều tốt đẹp cần có ở mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực. Nhưng, để người lao động chịu bước ra khỏi ranh giới kiềm tỏa họ, biết vượt lên chính mình, phát huy tinh thần sáng tạo thì cần ở doanh nghiệp sự nhạy bén, biết tiếp thu và cả biết khuyến khích, phát huy. Nói cách khác, doanh nghiệp cũng phải có tâm và nỗ lực giúp người lao động “đập vỏ trứng chui ra”.
Sự sáng tạo không ngừng không chỉ đem lại bệ phóng, lợi ích cho một con người, một ngành nghề mà cho cả xã hội, cả cuộc sống này.