Khi người trẻ chạm tay vào chứng tích chiến tranh

(PLVN) - Những chuyến tham quan đi tìm hiểu thực tế tại các di tích lịch sử, tận mắt chứng kiến di tích chiến tranh, những di vật của các anh hùng liệt sĩ để lại được xem là có ý nghĩa và hiệu quả thiết thực hơn hết đối với học sinh, sinh viên ngày nay. Từ đó, những người trẻ thấu hiểu hơn về lịch sử đấu tranh kiên cường, đầy vẻ vang của các thế hệ cha ông đi trước. 

Học lịch sử qua chuyến đi

Khu căn cứ cách mạng K20 thuộc Ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) là một địa điểm được nhiều trường học chọn đến để tham quan, học tập, nghiên cứu và tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Là một trong những nơi diễn ra phong trào đấu tranh cách mạng mạnh mẽ những năm 1964 - 1975, Khu căn cứ cách mạng K20 được coi là “địa chỉ đỏ”. Trên mảnh đất này, đâu đâu cũng đều thấm máu xương của biết bao chiến sĩ, đồng bào và ghi dấu đậm nét những chiến công vang dội, hiển hách. Ví như, trận đánh khốc liệt tại sân bay Nước Mặn khi quân dân Việt Nam hầu hết chỉ có công cụ vũ khí thô sơ như cuốc, xẻng, gậy, gộc mà chống lại biết bao vũ khí tối tân, hiện đại của đế quốc Mỹ.

 Ngoài nhà truyền thống, nơi lưu giữ và trưng bày nhiều bút tích, tài liệu, hiện vật có giá trị của quân và dân phường Khuê Mỹ, một số hộ dân sinh sống xung quanh Khu căn cứ cách mạng K20 vẫn bảo tồn được những căn hầm bí mật, một thời nuôi giấu cán bộ, bộ đội, dưỡng thương, cất giữ vũ khí, lương thực, đạn dược hoặc tổ chức họp bàn phương án tác chiến... Những căn hầm bí mật này được đào sâu trong lòng đất, bắt đầu từ nơi dễ ngụy trang, uốn lượn xung quanh nhà dân thông ra các ngõ ngách sau nhà, sân vườn, dưới nhà bếp, chuồng heo… 

Quả thực phải “tận mục sở thị” mới thấy thấm thía cái khó khăn của ngày ấy, mà “cái khó lại ló cái khôn”. Những tàn tích chiến tranh chính là câu trả lời rõ ràng nhất cho một lịch sử đầy biến động, đau thương nhưng kiên cường của nhân dân ta mà không lời nói, câu từ nào có thể chuyển tải hết được cho thế hệ con cháu sau này.

Bảo tàng chứng tích chiến tranh
Bảo tàng chứng tích chiến tranh
Phòng trưng bày chứng tích chiến tranh
Phòng trưng bày chứng tích chiến tranh

Những ngôi mộ không tên ở Nghĩa trang Trường Sơn

Quảng Trị không phải là một tỉnh lớn nhưng có tới 72 nghĩa trang liệt sĩ. Điều này mới phần nào nói lên sự khốc liệt của chiến tranh, những người lính trẻ  đã đã ngã xuống trong các trận đánh trên vùng đất sinh tử này. Hầu hết ngôi mộ đều được cải táng - hài cốt được tìm thấy sau chiến tranh và chuyển về nghĩa trang.

Cứ đến tầm tháng 7, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn lại đón hàng triệu người về đây thăm viếng, dâng hoa cho các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống. Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là nơi quy tập phần mộ các liệt sĩ của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam trên tuyến đường Trường Sơn - còn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh. Nghĩa trang được xây dựng tại khu vực Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị; có diện tích 140 nghìn m², quy tụ khoảng 10.200 ngôi mộ, nằm trên 3 quả đồi ở cạnh thượng nguồn sông Bến Hải, ranh giới phân đôi đất nước thời chiến tranh Việt Nam.

Trong dòng người tới đây có những người vợ tới thăm chồng, các con tới viếng cha, nhiều phụ nữ tóc đã bạc tới thăm người yêu, những cựu chiến binh lớn tuổi trở về chiến trường xưa thăm đồng đội. Cũng có nhiều người tham quan là người Việt đến đây như về chốn tâm linh, về với nguồn cội của Tổ quốc bởi nếu không có những hy sinh của thế hệ cha ông đi trước thì có lẽ cũng không có đất nước của ngày hôm nay.

Nghĩa trang Trường Sơn (Quảng Trị)
Nghĩa trang Trường Sơn (Quảng Trị)


Mảnh đất này không chỉ khiến người con đất Việt bồi hồi xúc động mà còn khiến những du khách nước ngoài nặng lòng hơn khi đặt chân đến Việt Nam. Hài cốt được tìm thấy từ chiến tranh đều không thể còn nguyên vẹn, thậm chí chỉ là những mảnh giấy đề tên tuổi đã bị phân huỷ, hoặc có một số vật dụng được giữ lại, may mắn có thể được nhận dạng bởi gia đình của người lính đã hy sinh. Hàng ngàn bia mộ xếp hàng dài thẳng tắp, trong đó phần lớn là mộ của những liệt sĩ chưa có tên. Đến Nghĩa trang Trường Sơn, bạn sẽ thấy  một bầu không khí trang nghiêm, thành kính và thiêng liêng đến kỳ lạ.

Những xúc cảm ấy không thể chạm tay vào, cũng không thể diễn tả hết bằng lời, nhưng bất cứ ai đến Nghĩa trang Trường Sơn cũng không thể quên được cái cảm giác rùng mình, kèm theo một nỗi buồn sâu sắc về quá khứ bi thương của đất nước. Quá khứ này không chỉ nằm ở hàng nghìn bia mộ lạnh lẽo thẳng tắp nơi đây, mà còn hiện hữu ở rất nhiều nghĩa trang liệt sĩ khác trải dọc trên mảnh đất chữ S của Tổ quốc.

Học sinh tham quan tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (TP HCM)
Học sinh tham quan tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (TP HCM)

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh

Nằm tại khu vực quận 3 của thành phố Hồ Chí Minh náo nhiệt là một khoảng lặng lịch sử - Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, nơi ghi lại một cách sống động bức tranh đất nước trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ - ngụy. Về bối cảnh lịch sử, thời nhà Nguyễn, vị trí của Bảo tàng chứng tích chiến tranh là nơi xây dựng chùa Khải Tường. Tới thời Pháp xâm lược, ngôi chùa đã bị chính quyền Pháp phá bỏ hoàn toàn để thay thế vào đó là căn biệt thự. Trong khoảng thời gian sau đó, nơi đây đã trở thành bệnh viện sản phụ khoa, văn phòng luật sư,… Chỉ tới sau 1975, khi đất nước được giải phóng khỏi tay đế quốc Mĩ thì nơi đây trở thành bảo tàng, ghi lại những sự kiện lịch sử, dấu vết chiến tranh hay trưng bày những hiện vật liên quan tới cuộc chiến chống giặc ngoại xâm. 

Bảo tàng lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh, trong đó hơn 1.500 tài liệu, hiện vật, phim ảnh đã được đưa vào giới thiệu ở 8 chuyên đề trưng bày thường xuyên về tội ác, hậu quả của các cuộc chiến tranh xâm lược, về sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam. Các chuyên đề được xây dựng trên những kịch bản riêng, khoa học và hấp dẫn, được trình bày bằng những giải pháp mỹ thuật hợp lý bằng chính kinh phí, nguồn thu sự nghiệp của Bảo tàng. Bảo tàng trở thành thành viên của Hệ thống Bảo tàng vì hòa bình thế giới (INMP) trực thuộc UNESCO năm 1998 và thành viên của Hội đồng Bảo tàng thế giới ICOM năm 2007.

Học sinh tham quan hầm bí mật nhà ông Huỳnh Trưng - Căn cứ cách mạng K20 (Ngũ Hành Sơn)
Học sinh tham quan hầm bí mật nhà ông Huỳnh Trưng - Căn cứ cách mạng K20 (Ngũ Hành Sơn)

Hàng năm, Bảo tàng còn thực hiện nhiều triển lãm chuyên đề ngắn ngày như: “Tình yêu trong chiến tranh”, “Trẻ em thời chiến”, “Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh”, “Nhân đạo”, … Những cuộc triển lãm này tiếp cận đến những vấn đề sâu sắc, độc đáo từ nhiều góc độ khác nhau của cuộc chiến tranh, có giá trị giáo dục cao với thế hệ trẻ. Theo thống kê của Bảo tàng, gần 80% khách Việt Nam đến với Bảo tàng và các cuộc triển lãm lưu động tại địa phương là lớp trẻ, trẻ em từ 5-15 tuổi, thanh niên 15-25 tuổi.

Bên cạnh đó, Bảo tàng thường xuyên đưa triển lãm đến phục vụ các trường tiểu học, trung học, đại học, khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh trại quân đội, phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa từ Điện Biên Phủ cho đến hải đảo… Mỗi năm có khoảng 20-30 cuộc triển lãm lưu động với nhiều chủ đề phong phú, đa dạng như: “Tội ác tại nhà tù Phú Quốc”, “Tình yêu trong chiến tranh”, “Phụ nữ Việt Nam qua khói lửa chiến tranh”, “Trẻ em thời chiến”…

Trong quá trình tham quan triển lãm và tham gia các hoạt động, thanh, thiếu niên có cơ hội được giao lưu với các cựu chiến binh, cựu tù chính trị, nạn nhân của chiến tranh như nạn nhân chất độc da cam để chia sẻ, động viên lẫn nhau trong cuộc sống, cũng là những bài học quý báu cho thanh, thiếu niên trong quá trình học tập, rèn luyện. 

Có thể thấy, những chuyến đi thực địa tới các điểm tàn tích của chiến tranh, nghĩa trang liệt sĩ, bảo tàng về chiến tranh không phải dạng trải nghiệm thông thường, mà được coi như một hình thức du lịch trở về nguồn cội. Chiến tranh không chỉ là một phần quá khứ của Việt Nam, mà cũng là một phần quá khứ đau thương của thế giới. Dù là đối với người Việt Nam hay du khách từ phương xa, đây là chuyến du hành tìm về quá khứ thăng trầm và hào hùng của người Việt. 

Đọc thêm