Khi người trẻ nói về bạo lực gia đình

(PLVN) - Có câu “Thanh xuân như một ly trà…”, rằng tuổi thanh xuân của đời người ngắn ngủi lắm. Nếu không kịp làm điều gì có ích cho đời, cho người và cho mình thì sẽ thật là ân hận. Với những bạn trẻ mà tôi kể dưới đây, “ly trà” của họ vẫn đang tiếp tục được làm đầy, được hun nóng bằng những trái tim, tâm hồn và việc làm nhiệt huyết cho công cuộc xây dựng môi trường không bạo lực với phụ nữ và trẻ em.
Khi người trẻ nói về bạo lực gia đình

Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Trung tâm PN&PT) với vai trò là đơn vị bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, ngoài việc thành lập và vận hành 3 Ngôi nhà Bình yên hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực giới, Trung tâm PN&PT còn xây dựng chiến lược truyền thông hướng đến nhóm thanh niên, đặc biệt là sinh viên tại các trường đại học - những hạt nhân nòng cốt trong thúc đẩy bình đẳng giới.

Năm 2019, Trung tâm PN&PT đã phát động cuộc thi xây dựng sản phẩm truyền thông trực quan với chủ đề “Vì một môi trường không bạo lực cho phụ nữ và trẻ em” dành cho sinh viên các trường đại học, đặc biệt là sinh viên nam. 24 sinh viên đã được lựa chọn và 4 sản phẩm truyền thông đã được ban giám khảo đánh giá xếp hạng. 

Chàng trai dũng cảm thừa nhận mình đã từng là người gây bạo lực 

Chàng trai Nguyễn Duy Hiếu là sinh viên năm cuối Khoa Tâm lý học - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trong phim ngắn “Hạnh phúc gia đình” của nhóm sinh viên đến từ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hiếu vào vai một người chồng gây bạo lực nhuần nhuyễn đến bất ngờ. Những hành vi thô bỉ, những nét mặt hung tợn, chất giọng gào thét gia trưởng… được Hiếu lột tả rất có hồn khiến người xem suy nghĩ và thắc mắc rằng phải chăng “diễn viên” này là người đã từng trải qua bạo lực gia đình?

Đem câu hỏi đến với Nguyễn Duy Hiếu, ngay lập tức phóng viên nhận được sự gật đầu thừa nhận rằng Hiếu là người cũng từng có hành vi bạo lực. Hiếu cho biết: “Có hai yếu tố khiến cho em nhập vai người đàn ông gây bạo lực gia đình đó là kiến thức về giới tính và kinh nghiệm. Về kinh nghiệm em nghĩ tất cả những người đàn ông trong cuộc sống này ai cũng đã từng vô tình hoặc cố ý có lần nào đó bạo lực với người phụ nữ của mình bằng lời nói, cử chỉ, thái độ, hành động…

Tuy nhiên có thể vì chúng ta chưa đủ hiểu đó là bạo lực và chúng ta bỏ lơ nó. Em có may mắn hơn nhiều bạn nam khác là em có chút kiến thức về bạo lực giới, em biết thế nào là bạo lực và trong hoàn cảnh như thế nào thì bị xem là bạo lực. 

Em sinh ra trong một gia đình có đôi chút thiệt thòi nên rất thiếu thốn và khát khao hạnh phúc. Em từng mong muốn là phải sở hữu riêng một tình yêu và hạnh phúc thật trọn vẹn cho mình. Em có tình yêu đầu đời khá sớm từ năm học lớp 9 và đến bây giờ em đã nhận ra rằng vì mong muốn sở hữu nên em từng có vài hành vi không đúng với bạn gái của mình như mắng mỏ, tỏ thái độ hoặc bắt ép làm việc này, việc kia mà bạn mình không thích…

Đến năm lớp 12 bạn gái chia tay em và em không thể hiểu tại sao lại như vậy vì em rất yêu bạn ấy. Em đã rơi vào trạng thái thất tình mất một thời gian. Nhưng bây giờ khi đã có kiến thức thì em nhìn lại hành động ngày xưa và nhận ra rằng mình chính là người gây ra bạo lực, em đã có thể gọi tên những hành động ngày đó của mình là bạo lực”. 

Nguyễn Duy Hiếu
Nguyễn Duy Hiếu 

Với những trải nghiệm như vậy, việc Hiếu vào vai người chồng vũ phu rất nhuần nhuyễn dù tuổi đời em còn rất trẻ âu cũng là điều dễ hiểu. Và bên cạnh đó, ở góc độ một sinh viên Khoa Tâm lý học, Nguyễn Duy Hiếu cũng phần nào lý giải được nguyên nhân vì sao đàn ông dễ gây bạo lực với phụ nữ. 

Hiếu cho rằng ở Việt Nam, áp lực và khuôn mẫu dành cho nam giới cũng rất lớn, không kém gì phụ nữ. Một người nam giới phải chịu rất nhiều áp lực trong gia đình và ngoài xã hội dưới góc nhìn trụ cột, thành đạt… và khi người ta đi đến ngưỡng chịu đựng tối đa mà không tìm ra cách giải quyết thì sẽ có xu hướng giải quyết theo kiểu “giận cá chém thớt” với những người thân của mình. Đó là lý do đàn ông hay là đối tượng gây bạo lực trong gia đình. 

Vừa là người có trải nghiệm, có nhận thức về bạo lực giới, bạo lực gia đình, Nguyễn Duy Hiếu khát khao được truyền tải điều đó tới mọi người: “Em mong muốn được chia sẻ để thật nhiều nam giới biết cách nhìn nhận đúng, kịp thời và biết cách sửa chữa hành vi bạo lực của chính mình”.

Không có lỗi khi sinh ra là gái

Đây là điều mà nữ sinh viên Khoa Marketting - Đại học Thương mại Quách Phương Hà muốn nói với… người cha của mình cũng như nhiều người cha khác đang thất vọng vì chỉ sinh ra những đứa con gái. 

Thế giới này sẽ ra sao khi không có phụ nữ? Chối bỏ những đứa con gái nhưng có lẽ ít có người đàn ông nào tự đặt cho mình câu hỏi như thế. Và người đàn ông trong phim ngắn “Khi thế giới không có phụ nữ” mà Quách Phương Hà mang đến dự thi cũng như vậy cho đến một ngày chính anh ta được trải nghiệm cảm giác cô đơn một mình là buồn bã và khủng khiếp như thế nào trong thế giới chỉ toàn đàn ông đó. 

Trao đổi với phóng viên về nguồn cơn dẫn em đến với ý tưởng của bộ phim, Hà – cô gái xinh xắn hay cười – bất ngờ kể về những trải nghiệm không vui của em ngay chính trong gia đình mình: “Cha mẹ em sinh được hai con gái và vì là công chức nhà nước nên không thể sinh thêm nữa. Thế nhưng, cha em dường như buồn về điều đó. Ông thường nửa đùa nửa thật nói với mẹ con em rằng vì toàn con gái nên mỗi khi đi ăn cỗ ông phải ngồi chiếu dưới thật ê mặt.

Có thể cha nói đùa thôi, nhưng bọn em nghe vẫn rất buồn. Rồi bạn bè của cha em đến chơi, ngắm nghía nhà cửa buông lời nhận xét: “Nhà to thế này mà đẻ hai con gái thật phí!”. Những lời đó bám theo chị em em suốt tuổi thơ và chúng em tự bảo nhau rằng mình phải cố gắng học thật giỏi, sống thật tốt để chứng tỏ cho cha thấy con gái không tầm thường, con gái cũng làm được những điều mạnh mẽ...”.

Được biết, khi bắt tay vào xây dựng bộ phim, Hà vẫn còn băn khoăn tự hỏi liệu hành vi lựa chọn giới tính thai nhi có phải là bạo lực giới, bạo lực gia đình hay không. Để tìm câu trả lời và cũng là tìm chất liệu thực tế cho bộ phim của mình, Hà đã làm “tàu ngầm” tham gia một diễn đàn chuyên săn con trai trên mạng xã hội. 

“Khi tham gia vào đó em thấy thật khủng khiếp, họ sẵn sàng phá thai khi thai đã lớn vì biết đó là con gái, họ sẵn sàng bỏ ra hàng đống tiền ra nước ngoài để canh đẻ bằng được con trai, rồi họ bảo nhau những niềm vui của người có con trai và sự thua thiệt của người có con gái… Chứng kiến và nghĩ lại trải nghiệm ngày trước của mình, em nhận ra bạo lực chính là ở đó chứ không đâu xa” – Hà cho biết. 

Quách Phương Hà nhận giải nhất cho phim ngắn
Quách Phương Hà nhận giải nhất cho phim ngắn

Vĩ thanh

Mới đây mạng xã hội đã tung hô một bài văn của học sinh lớp 4 tả bố mình được một cô giáo tiểu học chia sẻ. Bài văn có nội dung: “Nhà em có nuôi một ông bố tên là Nguyễn Quang Tuấn. Bố em làm nghề giám đốc, bố 43 tuổi. Sáng nào bố cũng vào nhà vệ sinh rất lâu, em buồn tè mà phải chờ bố ra. Em gọi thì bố bảo “mày xuống nhà vệ sinh tầng 1 đi”. Em trả lời “con sợ ma” thì bố lại nói vọng ra “thế phải cố mà nhịn, đàn ông phải tập trải qua khó khăn cho quen đi con ạ”. Ngày nào bố cũng đi làm tận khuya mới về. Em hỏi thì bố bảo “tao đi tiếp khách”. Thi thoảng bố mới vào bếp nấu ăn. Hôm nào bố nấu đều có trứng luộc, thịt luộc. Thỉnh thoảng bố tát mẹ tím mặt vì tội... nói nhiều. Bố còn hút xì gà rất hôi. Em chỉ hơi thương bố một chút thôi”.

Điều đáng nói là cô giáo đã cho bài văn điểm 10 vì “bất ngờ, thích thú trước giọng văn chân thật, ngô nghê khi tả thực của học sinh” và dân mạng nhiều người tỏ ra thích thú trước sự tả thật, ngây thơ, chân thật đến đáng yêu của học sinh. Thế nhưng có một tình tiết có lẽ đã bị mọi người “vì yêu sự chân thực” mà bỏ qua, đó là:  “thỉnh thoảng bố tát mẹ tím mặt vì tội... nói nhiều”. 

Không nghi ngờ gì về tính chân thực của tình tiết này cũng như tính chân thực của tác giả bài văn – một đứa trẻ học lớp 4. Vậy thì có phải khi tung hô, ca ngợi, thích thú với bài văn, vô hình trung cô giáo, xã hội và thậm chí là nhiều ông bố thấy hình bóng mình trong bài văn đó, cũng đang thích thú với hành vi bạo lực giới, bạo lực gia đình? Và khi bạo lực gia đình không được nhìn nhận đúng, kịp thời và biết cách sửa chữa thì nó sẽ đi đâu, về đâu? Khi đó một môi trường không bạo lực với phụ nữ, trẻ em sẽ luôn là ước mơ xa vời… 

4  phim ngắn: “Bạo lực giới câu chuyện không của riêng ai” của nhóm sinh viên Trần Thị Hương và Nguyễn Thị Hồng Hạnh đến từ Đại học Văn hóa (Giải ba); “Hạnh phúc gia đình” của nhóm sinh viên Nguyễn Duy Hiếu và Nguyễn Thị Thanh Thảo đến từ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội (Giải ba); “Mạnh mẽ để yêu thương” của nhóm sinh viên Bùi Thị Vân và Trương Mai Anh đến từ Học viện Báo chí Tuyên truyền (Giải nhì); “Khi thế giới không có phụ nữ” của sinh viên Quách Phương Hà đến từ Đại học Thương mại (Giải nhất) sẽ được Trung tâm PN&PT mang đến 3 tỉnh, thành: Quảng Ngãi, Cần Thơ và Hà Nội trong chuỗi sự kiện Ruy băng trắng - Nam giới tiên phong trong ứng phó với bạo lực giới.

Đọc thêm