Khi người trẻ quay cuồng trong 'cái bẫy' nổi tiếng

(PLVN) - Nổi tiếng trên mạng, được hâm mộ, có nhiều tiền bạc... là mơ ước của không ít người trong xã hội hiện nay. Vì “cái bẫy” của danh vọng này, không ít bạn trẻ sẵn sàng làm tất cả, trong đó có việc từ bỏ sức khỏe, phẩm giá, thậm chí cả gia đình mình.
Một kênh Youtube chuyên câu view bằng những món ăn “khủng”, bất chấp có hại sức khỏe. (Ảnh chụp màn hình)

Đày đọa bản thân vì câu view ảo

Đầu tháng 10 vừa qua, N.T.T, một Tiktoker chuyên review thức ăn đã phải đến khám tại bệnh viện vì các triệu chứng đau bao tử kéo dài, hậu quả của việc ăn uống vô tội vạ, nạp một lượng thức ăn khổng lồ liên tục vào người chỉ để phục vụ cho các clip câu view của mình.

Trước đó, T từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành Tài chính, là một nhân viên văn phòng với mức lương ổn định. Sau đó, thấy bạn bè nhiều người bỏ nghề nghiệp văn phòng để đi làm vlogger mong đổi đời, T cũng tập tành mua sắm dụng cụ, lên mạng xem các kênh đang làm gì và cuối cùng quyết định chọn làm nội dung về thức ăn.

Trên kênh của mình, T vừa đi tìm những món ăn độc đáo, lạ, thậm chí đáng sợ, hoặc cách nấu ăn “không giống ai” để thử nghiệm rồi ăn luôn. Có những món ăn như thịt sống, hải sản sống còn bò lổm ngổm, hoặc đem chiên rán trong chảo dầu khổng lồ những món tưởng chừng không thể đem rán như nguyên trái thơm, cả trái dừa, cả buồng chuối... Và sau mỗi thử nghiệm, T đều cố gắng ăn hết những thức ăn được chế biến theo cách lạ lùng, thậm chí phản khoa học.

Kết quả là sau một thời gian, kênh của T có thu hút được một lượng người xem vì tò mò, bước đầu được Youtube trả tiền, nhưng đồng thời cũng đem lại cho T vô số những hậu quả không hay về sức khỏe: Một vài lần ngộ độc nhẹ, nôn ói sau khi cố gắng ăn những thứ khó lòng nuốt trôi, tăng cân nhanh, nhiễm trùng bao tử và hiện nay đang phải điều trị bao tử thường xuyên. Tuy nhiên, đáng ngại là mặc dù phải gánh chịu nhiều hậu quả tệ hại cho sức khỏe, thế nhưng T vẫn vừa điều trị vừa tiếp tục quay những clip độc hại nói trên, khiến bệnh tình ngày một nặng thêm.

Một kênh mạng xã hội có tên N.S đã đăng tải nhiều clip với nội dung “ăn 100 con hào sống trong vòng 6 phút” “ăn 50 quả trứng vịt lộn”, cạnh đó là các clip quay cảnh ăn 1 lần hết số mỡ của một con lợn, ăn hết 48 bát tiết canh... khiến những người xem bày tỏ sự lo ngại vì cách ăn uống độc hại.

Trên mạng xã hội hiện nay tồn tại không ít kênh như thế, mang danh là “giới thiệu ẩm thực”, nhưng thực chất là thực hiện những hành động ăn uống, chế biến thức ăn trái tự nhiên, nguy hiểm để thu hút người xem, câu view trên mạng. Có bạn trẻ thì dùng cách ăn các loại thực phẩm sống hoàn toàn, chưa chế biến để “thách thức” khả năng của bản thân. Một số bạn trẻ khác sử dụng việc biến những món ăn ngon lành thành ra phế phẩm như xay nhuyễn bánh kem, ninh món gỏi hay trộn các món ăn chế biến ngon lành vào với nhau để... húp. Tất cả đều nhắm đến việc gây sốc, khiến khán giả tò mò.

Các kênh này hầu hết đều nhận nhiều “gạch đá”, người ủng hộ thì ít mà người chê trách, chỉ trích thì nhiều. Nhưng đối với nhiều bạn trẻ mê danh tiếng và lợi lộc trên mạng xã hội, thì khen hay chê không quan trọng, chủ yếu là lượt xem cao và số tiền mà họ thu được từ số lượt xem tương ứng trên mạng.

Hưng Vlogger bị cơ quan chức năng xử phạt vì clip dạy trẻ em trộm tiền. (Ảnh chụp màn hình)

Chuyện người trẻ tự “đày đọa” mình để nổi tiếng trên mạng đã diễn ra nhan nhản, không chỉ gói gọn trong nội dung về ẩm thực. Có không ít bạn trẻ chuyên bày những trò “chơi khăm”, bằng việc dùng những hành động bất thường, hoặc kém lịch sự, thiếu văn minh, hoặc giả vờ thiểu năng, hay hành xử hung dữ, thậm chí giả cướp giật để khiến người đi đường giật mình để có những thước phim vui nhộn. Hậu quả là có thể bị chửi mắng, hành hung khi thực hiện chương trình.

Có nhiều người trẻ khác chấp nhận cách ăn mặc, trang phục, trang điểm cho bản thân xấu xí, gớm ghiếc, hành xử lạ đời, phát ngôn ngớ ngẩn, hoặc biến mình thành “thánh chửi”, “thánh tục”, chấp nhận bị sỉ nhục, bị tấn công trên mạng xã hội. Có những bạn trẻ đã trở thành nỗi xấu hổ của gia đình, nỗi buồn khổ của các đấng sinh thành khi xuất hiện trên những clip lố lăng, vứt bỏ nhân phẩm danh dự để kiếm tiền.

Và đằng sau cái lấp lánh của những món tiền thu được, được nhiều người biết đến, sở hữu những kênh hàng ngàn, hàng triệu người theo dõi, ít ai biết về những bệnh lý về sức khỏe mà những người trẻ háo danh này đang mang, những sang chấn, thương tổn về tâm lý, về tinh thần. Và cả những méo mó về nhân cách, lệch lạc nhân sinh quan mà họ không tự nhận thức được, kể từ ngày bước chân lên đường đua của ảo vọng trên không gian mạng.

Nổi tiếng trên mạng không phải con đường duy nhất để khẳng định mình

Những năm qua, trào lưu bỏ công việc ổn định để đi làm vlog đã lan rộng khắp châu Á, đặc biệt là trong cộng đồng những người trẻ tuổi. Có nhiều lý do cho lựa chọn này, từ những người cảm thấy mình có tố chất trở thành người nổi nổi tiếng mạng, hay thực trạng cuộc sống mưu sinh ngày một khó khăn, cho đến những người trẻ mang ước vọng đổi đời, muốn đánh liều một phen. Rất nhiều người trong số họ như những con thiêu thân lao vào ánh đèn sáng lấp lóa vì mê đắm ánh sáng rực rỡ của sự nổi danh, hoặc tai tiếng.

Nhưng, trong hàng ngàn, hàng vạn người trẻ bỏ việc, từ bỏ chuyên môn đã được đào tạo để đến với con đường nỗ lực làm “người nổi tiếng” trên mạng, có mấy ai là đạt thành ý nguyện. Nổi đình nổi đám, được nhiều người tung hô, mỗi lời nói ra có sức ảnh hưởng nhất định, được mời đến dự những sự kiện hào nhoáng, có thu nhập khổng lồ đủ... Tất cả những thứ “bề nổi” này khiến nhiều bạn trẻ cho rằng, làm người nổi tiếng trên mạng là một con đường đi lấp lánh hào quang, rằng cơ hội đang ở phía trước cho những người muốn nắm bắt nó, và mọi thứ không quá khó khăn.

Tuy nhiên, họ không biết rằng, đằng sau những nhân vật nổi tiếng, những clip triệu view có rất nhiều vấn đề cần bàn đến. Có không ít cá nhân được đổ “tiền tỉ” từ một nhóm đầu tư đứng đằng sau nhằm thu lại lợi ích từ sự nổi tiếng của cá nhân ấy. Và nếu trường hợp nổi tiếng mà không có “tiền khủng” để đầu tư cho trang thiết bị, trang phục, hình ảnh cá nhân, nội dung clip và cả quảng bá trên mạng, thì hầu hết phải cần đến những chiêu trò gây ồn ào dư luận, trong đó có cả những hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục, trái đạo đức, đánh mất nhân phẩm, lương tâm...

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

V, một bạn trẻ đã từng từ bỏ công việc kinh doanh điện máy để dấn thân vào con đường làm vlog, để rồi thất bại và quay trở lại với nghề cũ chia sẻ: “Khi nhìn những người khác dễ dàng có được danh vọng và tiền bạc sau khi sản xuất những video “không giống ai”, nhiều bạn trẻ dễ nghĩ rằng mình cũng có thể được như vậy nếu làm đúng công thức như trên. Nhưng kinh nghiệm của tôi sau hai năm bỏ nghề để nuôi mộng làm một

Tiktoker nổi tiếng, là mọi chuyện không dễ dàng như bạn nghĩ. Nếu bạn không có tiền để đầu tư cho kênh, cho chất lượng video, không mời những người nổi tiếng tham gia vào clip của mình, thì video của bạn rất khó tiếp cận khán giả, bởi mỗi ngày có đến hàng triệu video được sản xuất trên mạng. Còn nếu không, bạn sẽ phải chấp nhận làm những “trò ruồi” như ăn uống những thứ kinh khủng, hú hét trên mạng, tạo ra những tính cách quái lạ, gây hấn chửi bới, thậm chí làm ra những hành vi vi phạm pháp luật, chấp nhận bị phạt hành chính, bị ném đá.

Nhưng kể cả khi bạn chấp nhận làm ra những điều như thế, chắc gì bạn đã nổi tiếng. Trên mạng ảo đã có hàng trăm, hàng ngàn người chấp nhận vứt bỏ mặt mũi và quan điểm đạo đức, nhưng cũng chẳng thể nổi lên được, hoặc nổi lên như “sao xẹt” rồi mất tăm giữa chốn mạng đầy thị phi và rất mau thay cũ đổi mới. Có rất nhiều người đã bị lãng quên, hoặc bị các vấn đề tâm lý, bị cơ quan chức năng xử lý, bị cộng đồng tẩy chay, hoặc tốn kém tiền bạc để rồi tay trắng rút lui như tôi, nhưng ít ai kể lại câu chuyện của mình”...

Tất nhiên, mạng xã hội mênh mông, vẫn có rất nhiều bạn trẻ đã xây dựng được những kênh hay, thú vị, lan tỏa được nhiều giá trị nhân văn, tốt đẹp, giúp đỡ được người khác trong nhiều lĩnh vực. Đó mới là sự nổi tiếng chân thực, bền bỉ, những tấm gương đáng để người trẻ nỗ lực phấn đấu khi muốn bước chân vào thử sức trên mạng xã hội.

Đọc thêm