Khi nơi nguy hiểm nhất với phụ nữ là nhà...

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dưới mái nhà của mình, những người phụ nữ bị bạo hành thường câm nín, bởi tâm lý xấu hổ và cam chịu. Họ có thể bị bạo lực về thể xác, tinh thần và thậm chí bị… hiếp dâm bởi chính người chồng đã từng hứa sẽ yêu thương, che chở thuở tình yêu. Và một con số thống kê cho thấy, 90% phụ nữ bị bạo hành “cắn răng chịu đựng”…
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các cuộc gọi kêu cứu cao hơn trong giãn cách!

Theo lẽ thường, gia đình là nơi an toàn và bình yên, là tổ ấm với mỗi người. Nhưng với nạn nhân bị bạo lực, khi cánh cửa khép lại, nhà giống như một con phố không ánh sáng, hiểm nguy rình rập nhưng lại khó lên tiếng. Trong nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) và Trường Đại học Y tế công cộng thực hiện trên 303 phụ nữ bị bạo hành ở Hà Nội tháng 9/2020, 84% phụ nữ cho biết các hành vi kiểm soát xảy ra nhiều hơn trong thời gian này; 72% phụ nữ báo cáo bị bạo lực kinh tế nhiều hơn; 91% báo cáo bị bạo lực tinh thần nhiều hơn; 93% báo cáo tần suất xảy ra bạo lực thể xác nhiều hơn, trong số đó 56% từng trải qua các hành vi bạo hành thể xác nhiều hơn 5 lần; 79% báo cáo bị bạo hành tình dục nhiều hơn trong dịch.

“Đang ăn cơm mà anh ấy cầm tô đập vào mặt”, chị Thân, nạn nhân bị bạo hành ở Phúc Thọ, Hà Nội kể trong nghiên cứu của ISDS. Người phụ nữ 40 tuổi là công nhân may mặc, chồng là công nhân điện. Dịch bùng phát khiến cả hai mất việc, không có thu nhập. Chị Thân gồng gánh nuôi 3 con và chồng từ vườn rau. Trong tình cảnh túng thiếu, con trai út lại ốm, khiến chị phải vay mượn một số tiền lớn chữa trị. Nhưng chồng cờ bạc, rượu chè, thường về nhà bắt vợ đưa tiền, đánh mắng con. Chỉ trong vài tháng dịch năm 2020, chị bị chồng đánh 5 lần, đến mức phải nằm trạm xá.

Đỉnh điểm một lần người chồng bắt chị đi vay tiền không được đã phóng hỏa đốt vợ con. “Lúc đó khoảng 10h đêm, tôi chồm dậy mở cửa đã bị khóa ngoài. Anh ta trải quần áo, chăn màn quanh nhà tẩm xăng đốt”, chị Thân kể.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) chia sẻ: tại CSAGA, trong thời gian dịch bệnh, số cuộc gọi đến yêu cầu được hỗ trợ và hỗ trợ khẩn cấp tăng cao. Trong đó có cả những phụ nữ ở thành phố, sống trong các chung cư cao cấp, những người có đời sống kinh tế và văn hóa cao. Không chỉ phụ nữ Việt Nam, phụ nữ nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam cũng có thể là nạn nhân của bạo lực giới. Trong 6 tháng đầu năm 2021, CSAGA đã tiếp nhận và xử lý 1.268 cuộc tư vấn thông qua các hình thức khác nhau, bao gồm cả tư vấn qua đường dây nóng và tư vấn qua tin nhắn trên Facebook. Có 56,1% các cuộc tư vấn là các ca khẩn cấp và ca cần được hỗ trợ lập tức trong đêm.

Bà Vân Anh cho biết: “Những khảo sát trước đây của chúng tôi cho thấy trên 90% các nạn nhân bị bạo không tìm kiếm sự hỗ trợ từ xung quanh. Trong thời gian dịch bệnh, tỷ lệ này càng cao hơn nữa, nhiều phụ nữ phải “cắn răng chịu đựng” khi bị bạo hành. Điều đáng lo ngại khi người bị bạo lực có thể đang “mắc kẹt” trong chính ngôi nhà của họ cùng với người gây bạo lực, nhiều người không dám gọi điện cầu cứu, sợ bị phát hiện, việc tìm kiếm sự trợ giúp từ xung quanh cũng khó khăn hơn. Mới đây, CSAGA ra mắt Messenger bot Yêu thương và Tự do, một công cụ hỗ trợ nạn nhân của bạo lực giới trực tuyến. Trong số hàng trăm tin nhắn nạn nhân cần hỗ trợ, hầu hết đều bị đánh đập thậm tệ, hiếp dâm hoặc bị bắt cóc con để uy hiếp”…

Khi tiếp nhận thông tin, tư vấn viên sẽ kiểm tra vị trí của nạn nhân, có nhiều người đang chạy ra đường, có người đang trốn trong nhà tắm hay đã sang được nhà bố mẹ. Tùy vào vị trí và hoàn cảnh để người tư vấn xác định mức độ nguy hiểm và giai đoạn của bạo lực. Đơn cử như trường hợp nạn nhân đang trong nhà tắm, chồng đứng ngay ngoài cửa đe dọa thì việc đầu tiên là cần giúp nạn nhân gọi điện cho hàng xóm, công an khu vực, cũng như giúp nạn nhân nắm được các nguyên tắc an toàn trong hoàn cảnh đó.

“Trong thời gian giãn cách, chúng tôi đã hỗ trợ một nạn nhân kết hôn lần thứ 2. Ngoài việc đánh đập thậm tệ, nạn nhân phát hiện chồng mình xâm hại 2 con gái riêng. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã thực hiện cách ly nạn nhân với người gây ra bạo lực và xử lý đối tượng gây bạo lực theo đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp các nạn nhân muốn ly hôn, CSAGA tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn để giải quyết các vấn đề về pháp lý”, bà Vân Anh chia sẻ...

Khi bạo lực tình dục bị che lấp

Một phụ nữ chia sẻ, công việc của chị là nguồn thu nhập chính trong gia đình. Song chị thường xuyên bị người chồng nghiện rượu đánh đập, rồi lại ép quan hệ tình dục ngay sau đó. Mỗi lần như thế, dù không mong muốn và đau đớn, thậm chí cảm thấy nhục nhã nhưng chị vẫn chấp nhận “chiều chồng”, vì chị nghĩ đã là vợ thì phải chấp nhận như vậy.

Bà Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) nhấn mạnh, bạo lực tình dục vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Chúng ta chỉ thường nghĩ đến bạo lực như là những hành vi sử dụng sức mạnh, gây ra các tổn thất về thể chất, kinh tế và tinh thần có thể nhìn thấy và đo lường. Cách nhìn hạn hẹp này vẫn còn được sử dụng trong luật pháp.

Thực tế, một phần rất lớn các hành vi bạo lực và hậu quả là rất khó nhìn thấy, khó đo lường, thậm chí vô hình và vì thế không được thừa nhận. Sự vô hình và không được thừa nhận này càng nghiêm trọng trong bạo lực tình dục. Nhiều hành vi bạo lực bị “vô hình hóa”; nhiều nhóm nạn nhân cũng trở nên “vô hình”, thậm chí trở thành “tội nhân” do các định kiến mang tính bất bình đẳng giới. “Không biết bao nhiêu lần tôi bị ám ảnh mất ăn, mất ngủ bởi những câu chuyện của nạn nhân. Day dứt với câu hỏi tại sao có những người phụ nữ có thể chấp nhận, chịu đựng và sống sót trong thời gian đằng đẵng hàng chục năm bị chồng hành hạ như người phụ nữ trong câu chuyện trên”, bà Tú Anh bày tỏ.

Bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội nhấn mạnh: “Bạo lực tình dục là tội ác nghiêm trọng chống lại phụ nữ và trẻ em. Nó chà đạp quyền cơ bản nhất của con người là được sống an toàn và được tôn trọng nhân phẩm. Bạo lực tình dục có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ và trẻ em nào, chứ không chỉ với những phụ nữ trẻ, ăn mặc gợi cảm hoặc có cử chỉ hớ hênh như nhiều người vẫn lầm tưởng”.

Các chuyên gia cũng mong muốn bạo lực tình dục phải được nhìn nhận đúng mức hơn và cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa từ tất cả các bên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị chức năng, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng…

Theo ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp quốc tại Việt Nam, báo cáo quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, 63% phụ nữ đã từng bị bạo lực về thể chất, tình dục, tinh thần hoặc kinh tế trong cuộc đời, cũng như chịu các hành vi kiểm soát của chồng hoặc bạn tình. “Điều đáng lo ngại hơn là 90% nạn nhân không tìm kiếm sự trợ giúp nào cả”, ông Kamal Malhotra nói.

Ông kêu gọi sự lên tiếng của nam giới khi chứng kiến bất kỳ hành vi phân biệt đối xử và bạo lực với phụ nữ hoặc trẻ em và tiên phong trong việc thể hiện sự tôn trọng, chia sẻ công việc nội trợ với những người phụ nữ trong gia đình,... “Hãy lưu ý rằng, trong cuộc sống hằng ngày, bạn (nam giới) có rất nhiều vai trò với phụ nữ và trẻ em gái, bạn là đồng nghiệp, người chồng, người cha, người anh trai, em trai và là người bạn. Tiếng nói và vai trò tích cực của bạn rất cần thiết trong việc thúc đẩy bình đẳng giới”.

Trên thực tế, không ít phụ nữ đã phải tìm đến cái chết để thoát khỏi ám ảnh và bế tắc sau khi bị bạo hành tình dục. Bởi nỗi ám ảnh và những ghê sợ khi bị che lấp rằng đó là yêu thương và làm lành. Khi mà trước đó họ đã từng bị đánh, bị bạo hành tinh thần và ngay sau đó phải chấp nhận “chiều chồng” đầy đau đớn...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị sửa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người. Đặc biệt, dự thảo sửa đổi đã xác định “người có hành vi bạo lực trong tình trạng đã sử dụng rượu, bia cần được coi là tình tiết tăng nặng trong xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình”.

Ông Lương Thế Huy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE: Nơi nguy hiểm nhất với phụ nữ chính là gia đình họ!

Bình đẳng giới chắc chắn không phải công việc của một giới, cũng như riêng mạng lưới nào. Một nghiên cứu về thiên tai, thảm họa, sóng thần, có một con số ám ảnh: Cứ 1 người đàn ông thì có tới 14 người phụ nữ bị cướp đi mạng sống. Bởi họ không được dạy bơi, không được dạy các kỹ năng trước thảm họa. Dù công việc này phải làm từ 20 năm trước, nhưng cũng có thể bắt đầu từ ngay hôm nay! Khi chúng ta dạy rằng trẻ em trai vẫn có thể khóc không có nghĩa là dạy chúng sự yếu đuối, mà đó là việc dạy năng lực mới của thế hệ nam giới mới, rằng biết thể hiện tình cảm, bao dung, đồng cảm với những người đang chung sống với mình…

Bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc trung tâm Ngôi nhà Bình yên: Tăng 140% cuộc gọi so với năm 2020

Chỉ sáu tháng đầu năm 2021, Tổng đài tiếp nhận hơn 1.300 cuộc gọi, tăng 140% so với năm 2020, trong đó hơn 1.000 cuộc phụ nữ báo bị bạo lực. Tại Hà Nội, nửa năm qua Nhà Bình Yên đã cưu mang 74 người, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đợt dịch thứ 4 vừa qua, số phụ nữ ở các tỉnh miền Nam gọi đến cầu cứu chiếm 30% tổng cuộc gọi cả nước.

Đọc thêm