Theo người dân ở khu vực, việc ách tắc nguyên nhân không nhỏ là do phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Trung Văn dừng đưa đón con, cháu đi học mà ra. Cổng Trường Tiểu học Trung Văn có vị trí ở giữa hai nút quay đầu xe, vì vậy để thuận tiện cho bản thân hay tiết kiệm vài phút quay đầu xe mà nhiều bậc phụ huynh đã chọn cách dừng xe trên vỉa hè, thậm chí ngay lòng đường phía đối diện cổng trường để băng sang đường đưa, đón con, bất chấp nguy hiểm. Và dù cách đó không xa có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ sang đường thì cũng chẳng mấy người quan tâm. Họ cứ thấy thuận tiện là băng sang đường.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Mai (trú tại đường Lương Thế Vinh) cho biết: “Nếu cứ theo chiều xe mà đi thì cũng phải mất ít nhất 10 phút, mình còn phải đi làm thì đưa con qua đường luôn thế này cho nhanh”. Anh Dũng (trú ở phường Mỗ Lao) thì cho rằng: “Mỗi sáng tôi chở con đến rồi theo dòng phụ huynh, học sinh qua đường để đưa con đi bám theo sau. Tôi dặn kỹ cháu lúc nào cũng phải đi ở giữa đám đông hoặc theo sau lưng người lớn nên không lo lắm”.
Vì đây là đường một chiều nên các phương tiện di chuyển khá nhanh, giờ cao điểm lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, khiến xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Người qua đường bị khuất tầm nhìn, cộng với việc lái xe không làm chủ tay lái cũng có thể gây ra rủi ro cho bất cứ ai. Nếu các em học sinh mải đùa nghịch hoặc phụ huynh tỏ ra lơ là, hậu quả xảy đến là không thể báo trước. Bên cạnh đó, do phải đưa đón con bằng xe máy nên nhiều phụ huynh đành phải dựng xe ở ven đường hoặc trên vỉa hè phía đối diện để có thể dắt con tới lớp làm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường của người đi bộ, hoặc tạo cơ hội cho tình trạng trộm cắp xe và các tài sản khác.
Trong khi đó, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) trên tuyến đường Tố Hữu - Trung Văn ngoài công việc phân làn, hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông đúng quy cách còn phải đảm nhận thêm “nhiệm vụ” đưa các bạn nhỏ sang đường khi không có phụ huynh đi kèm.
Trao đổi với PV, một CSGT thuộc Đội CSGT số 7 cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên chính là do ý thức và một phần áp lực từ công việc của các bậc cha mẹ. Quả thực, thay vì di chuyển thêm khoảng 300-400m để đảm bảo sự an toàn cho trẻ nhỏ thì người lớn lại chọn cách lách rào, lách luật để tiết kiệm thời gian. Điều này không những làm cản trở giao thông mà còn là sự mạo hiểm với bản thân cũng như với chính con em họ.
Và có một điều quan trọng mà dường như các bậc phụ huynh học sinh đã quên mất đó là con trẻ chúng ta đang độ tuổi hình thành tính cách, hành vi ý thức. Hàng ngày khi tham gia giao thông phụ huynh gián tiếp dạy con trẻ những hành vi sai. Trong khi giảng bài, giáo viên luôn yêu cầu học sinh phải biết nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông. Liệu rằng các em sẽ học theo ai và có thể làm tốt, tuân thủ tốt các quy định để đảm bảo an toàn giao thông khi chính bản thân bố mẹ, người thân các em đang làm gương xấu hàng ngày “tô đen” vào ý thức các em bằng chính các hành vi vi phạm.