Theo ông Kang Sungghil, Trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam, ông rất đánh giá cao tờ báo PLVN, khi có nhiều bài viết về du lịch, văn hóa, kinh tế, xã hội, chính trị có chiều sâu qua lăng kính pháp luật.
Báo pháp luật không chỉ có câu chuyện pháp luật
Trong chuyến đầu tiên sang thăm xứ sở Kim Chi vào tháng 5/2013, có 7 nhà báo đến từ các nước châu Á như: Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Singapore, Malaysia. Đoàn Việt Nam có hai nhà báo đến từ Báo PLVN và Báo Du lịch Việt Nam. Tôi vinh dự là đại diện Báo PLVN được Tổng cục Du lịch Hàn Quốc mời tham dự chuyến đi.
Không chỉ là chương trình du lịch đơn thuần, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc đã đưa các nhà báo đến với Hàn Quốc để trải nghiệm những gì tốt đẹp nhất, hiện đại và thoải mái nhất mà đất nước này mang lại. Các sản phẩm du lịch Hàn Quốc đa dạng và phong phú. Trong số đó có thể kể đến Du lịch hội thảo, Du lịch nghỉ dưỡng, Du lịch khen thưởng, Du lịch y tế, Du lịch mua sắm...
Những gói du lịch hấp dẫn này đã góp phần không nhỏ vào việc thu hút, nâng cao lượng khách du lịch Việt Nam đến với Hàn Quốc mỗi năm, khiến Việt Nam xếp hạng thứ 13-14 trong số những quốc gia có lượng du khách đến Hàn Quốc nhiều nhất trong những năm gần đây.
Bảy nhà báo ở 6 quốc gia khác nhau được trải nghiệm những điều thú vị, cảnh sắc tuyệt đẹp, những ẩm thực đặc sắc ở đảo Nami, thủ phủ Gangwon, các cung điện, bảo tàng Hàn Quốc, bảo tàng hoạt hình, các chương trình nghệ thuật dân tộc, làng cổ Hahoe, lễ hội té nước, tháp Seoul nằm trên núi Namsan, du thuyền sông Hàn… Những vẻ đẹp thiên nhiên, con người của Hàn Quốc làm xao xuyến, nhớ nhung cho bất cứ ai đã từng đặt chân tới đây.
Sau chuyến đi ấy, tôi đã viết nhiều bài báo đăng tải trên các ấn phẩm của Báo PLVN về cảm xúc, về cảnh đẹp, văn hóa, ẩm thực, đời sống người dân xứ Hàn, về cách làm du lịch chuyên nghiệp của xứ sở Kim Chi.
Và đặc biệt, bài “Hàn Quốc - Thiên đàng có thật” của tôi được Tổng cục Du lịch Hàn Quốc chọn để in vào cuốn sách “Tôi cảm Hàn Quốc” với số lượng lớn dành cho các du khách. “Tôi cảm Hàn Quốc” tập hợp các bài viết hay, đặc sắc, ấn tượng của 14 nhà báo và du khách đã từng tới thăm đất nước Hàn Quốc xinh đẹp. Những nhà báo, du khách tự cảm nhận về một Hàn Quốc của riêng mình và bị say mê, “cảm nắng” trước một Hàn Quốc tươi tắn, năng động nhưng cũng không kém phần tinh hoa, cổ điển, vẻ đẹp từ thiên nhiên đến con người, từ phong tục tập quán đến văn hóa nghệ thuật…
Nhà báo Thùy Dương nhận giải Khuyến khích Cuộc thi Giải Báo chí viết về Bảo hiểm năm 2020 |
“Đi một ngày đàng…”
Sáu năm sau, tháng 11/2019, đại diện Báo PLVN lại vinh dự được Tổng cục Du lịch Hàn Quốc mời sang xứ sở Kim Chi lần thứ hai. Như các cụ đã nói “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, mỗi chuyến đi đều để lại cho tôi những góc nhìn mới về Hàn Quốc với sự khám phá, trải nghiệm phong phú.
Khi đi tác nghiệp và trải nghiệm tại Công viên - Trung tâm Phức hợp “Kỹ năng an toàn” của TP Daegu (Hàn Quốc), tôi cảm thấy thú vị vì đã ghi nhận được những kiến thức có thể truyền tải đến bạn đọc để nâng cao ý thức, kỹ năng bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của mình và những người thân nếu không may tai nạn xảy đến.
Hàng chục năm qua, Chính phủ Hàn Quốc xây dựng nhiều trung tâm, công viên “Kỹ năng an toàn” để hướng dẫn người lớn và trẻ nhỏ. Tất cả những người dân Hàn Quốc có thể đăng ký học miễn phí bất cứ lúc nào. Như Công viên - Trung tâm Phức hợp về an toàn Daegu thu hút hàng triệu người tới học kỹ năng và trải nghiệm mỗi năm. Trung tâm - Công viên “Kỹ năng an toàn” có nhiều phòng tập huấn kỹ năng riêng biệt. Phòng tập huấn về hô hấp nhân tạo, phòng tập huấn kỹ năng thoát hiểm tòa nhà cao tầng, phòng tập huấn kỹ năng tránh động đất hay hỏa hoạn, sóng thần, bão lũ...
Ông Jo Seong Hwan, cảnh sát cứu hỏa kiêm chuyên viên hướng dẫn an toàn tại Trung tâm Phức hợp về an toàn cho cư dân TP Daegu cho hay: “Sau một số vụ tai nạn nghiêm trọng gần đây, người dân Hàn Quốc đã có ý thức trang bị cho mình kiến thức phòng, tránh tai nạn thương tích, tai nạn từ thiên nhiên và con người gây nên”.
Ở Trung tâm luôn học lý thuyết kèm thực hành và tổ chức học ngoại khóa. Chơi mà học, học mà chơi. Người Hàn Quốc thường lồng ghép vào các bài học sinh tồn các cuộc thảm họa hay sự cố cụ thể để người học hiểu và nhớ lâu. Các chuyên viên ở đây còn tổ chức các tình huống giả định về động đất, bão, lũ, hỏa hoạn, đuối nước, tai nạn giao thông… từ đó hướng dẫn người dân, nhất là trẻ em phương pháp ứng phó kịp thời với các tình huống nguy hiểm.
Tác nghiệp và trải nghiệm kỹ năng hô hấp nhân tạo tại Trung tâm - Công viên “Kỹ năng an toàn”, Daegu, Hàn Quốc năm 2019 |
Trải nghiệm tại Công viên “Kỹ năng an toàn” của Hàn Quốc, tôi chợt liên tưởng tới Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ 8 tháng năm 2019, mưa bão, lốc xoáy đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tính chung 8 tháng, thiên tai làm 75 người chết và mất tích, 77 người bị thương; 685 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi. Ngoài ra, tính chung 8 tháng, cả nước xảy ra 2.720 vụ cháy, nổ, làm 71 người chết và 119 người bị thương. Đó còn chưa kể, mỗi năm, hàng chục nghìn người lớn và trẻ em bị tai nạn thương tích, tử vong vì gặp nạn. Chỉ riêng trẻ em, có hơn 7.000 trẻ em bị chết vì tai nạn thương tích, trong đó có hơn 3.500 trẻ em chết vì đuối nước, gần 2.000 em chết do tai nạn giao thông mỗi năm. Còn lại là do các tai nạn khác như bom mìn, điện giật, ngã, cháy, bỏng, ngộ độc, rắn cắn, vật sắc nhọn đâm…
Sau khi trải nghiệm nước bạn, về Việt Nam, tôi đã viết nhiều bài viết, trong đó có những bài báo như “Du lịch và trải nghiệm học cách bảo vệ tính mạng mình tại Hàn Quốc” được Tổng cục Du lịch Hàn Quốc và các bộ, ban, ngành liên quan tại Việt Nam đánh giá cao. Tôi kỳ vọng những trải nghiệm của mình phản ánh qua những bài viết sẽ góp phần thúc đẩy giúp Việt Nam có nhiều Trung tâm - Công viên “Kỹ năng an toàn” dành cho những người dân, đặc biệt là trẻ em…