Khi review “giết” doanh nghiệp

(PLVN) - Chuyện review (tạm dịch là phản hồi) để phản ảnh chất lượng sản phẩm, dịch vụ đã trở thành một phần không thể thiếu trong câu chuyện “mua - bán” hiện nay. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh lao đao vì vài dòng review như thế.
Khách hàng lên mạng xã hội phản ánh shop hoa của Shark Khoa bán hoa héo cho khách

Mới đây, cơ sở kinh doanh hoa của Shark Khoa, một nhà sáng lập trẻ tuổi được hâm mộ đã đứng trước sự phản ứng của dư luận khi một khách hàng lên mạng xã hội phản ánh shop hoa của anh bán hoa héo cho khách. Lời phản ánh đầy bức xúc này kèm hình minh họa bó hoa khiến cư dân mạng cũng bức xúc theo.

Cửa hàng hoa nói trên bị “ném đá”, kêu gọi tẩy chay… Điều cần nói rõ hơn là sản phẩm hoa nói trên mua là sản phẩm sale và sau khi nhận hoa không vừa ý, khách hàng phản ánh, phía cửa hàng đã ghi nhận lỗi và hứa sẽ xem lại. Tuy nhiên, vấn đề chưa kịp xử lý thì đã lan truyền rộng trên mạng xã hội.

Trước sự việc này, Phạm Hoàng Thái Dương, người sáng lập Hoa yêu thương, một thương hiệu hoa có tiếng trên cả nước đã lên tiếng. Theo anh, mặc dù là đối thủ cạnh tranh và cũng có va chạm, nhưng công bằng mà nói, ông chủ Hoa yêu thương cho rằng, một khi doanh nghiệp kinh doanh thì những sai sót nhỏ trong quá trình phục vụ khách hàng là không thể tránh khỏi.

“Tỉ lệ Tiki cung cấp hàng cho mình cứ 2 đơn thì có 1 đơn bị sự cố... một ngày có hàng triệu sự cố về dịch vụ chẳng lẽ đều đăng hết để dìm doanh nghiệp”, anh Dương nhấn mạnh. Theo anh, những hành vi này khiến việc kinh doanh càng khó khăn.

Lời nhận định trên không phải là không có lý. Thời gian qua, nhiều vụ việc xảy ra đã chứng minh, hành động review, mạng xã hội… đã trở thành những công cụ để ghi nhận sự nỗ lực của người cung cấp dịch vụ nhưng đồng thời cũng có thể là con dao hai lưỡi giết chết một doanh nghiệp.

Bởi, bên cạnh sự phản ánh đúng đắn về chất lượng dịch vụ, không ít đối thủ cạnh tranh hay những người có mục đích xấu cố ý dìm chết người kinh doanh chỉ với vài dòng review, kêu gọi ngắn được dàn dựng hay nói quá sự thật, trong khi, cộng đồng mạng thường hành xử theo cảm tính, bộc phát chứ chưa hẳn phân biệt rõ trắng đen. 

Như trường hợp của Resort Amana Mũi Né, chỉ vì hành vi thiếu chuẩn mực của một vài cá nhân được quay vào clip, resort này dường như đã bị cộng động mạng “ép vào đường cùng” với chiến dịch tẩy chay và để lại bình luận xấu.

Không chỉ thế, hàng loạt những cơ sở kinh doanh khác có tên giống hoặc tương tự như nhà hàng, khách sạn, spa, thậm chí Trung tâm Anh ngữ cũng bị để lại đánh giá xấu vì cơn “cuồng công kích” nói trên…

Chính vì thế, có thể khẳng định, lời đánh giá của cộng đồng mạng, sự kêu gọi tẩy chay không phải lúc nào cũng đúng đắn. Rất nhiều lần, khen hay chê chỉ là dựa vào cảm tính từ những biểu hiện bên ngoài. Có thể họ tẩy chay hàng loạt, chê bài hàng loạt rồi quên ngay như một trò xôm tụ. Nhưng với người kinh doanh, đó là thảm họa, đó có thể là những cơn bão nhấn chìm con thuyền của họ.