Còn nhớ, cuối năm 2014, hơn 10 tấn rùa biển ước tính tương đương 7.000 cá thể được phát hiện tại sáu nhà kho ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đây được coi là vụ bắt giữ rùa biển lớn nhất từ trước đến nay. Chính vì vậy, vụ việc thu hút sự quan tâm rộng khắp của không chỉ dư luận trong nước mà cả cộng đồng quốc tế. Hai đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán rùa biển này là hai anh em Hoàng Mạnh Cường và Hoàng Tuấn Hải. Được biết, hai đối tượng này từ lâu đã được đặt trong “tầm ngắm” của lực lượng công an nhưng sau nhiều năm, các cơ quan chức năng mới triệt phá được đường dây buôn bán và chế tác rùa biển do chúng cầm đầu.
Chỉ nhìn vào 7.000 cá thể rùa biển được khám phá trong vụ bắt giữ cũng có thể thấy chắc chắn hàng chục ngàn cá thể rùa biển đã bị săn bắt, bán cho cơ sở chế biến của anh em nhà Cường trong những năm qua. Do đó, thành công của vụ bắt giữ tại Khánh Hòa là một bước tiến lớn trong nỗ lực triệt phá đường dây mua bán rùa biển trái phép lớn nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, phải một thời gian rất lâu sau vụ bắt giữ, hành vi phạm tội mới được đưa ra xét xử và đến hôm qua thì phiên tòa lại hoãn và chưa có lịch xét xử trong thời gian tới. Trao đổi quan điểm về vấn đề này, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc - Quản lý chương trình Chính sách và Pháp luật của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, các cơ quan, ban, ngành Trung ương đã hết sức quan tâm đến quá trình xử lý vụ việc và đều đã gửi văn bản đến cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa, yêu cầu nhanh chóng xử lý vụ việc theo đúng quy định pháp luật. Sau đó, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và Bộ Công an cũng đã có các văn bản trực tiếp chỉ đạo nghiệp vụ, hướng dẫn các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa xử lý vụ việc này. Vậy mà cơ quan chức năng địa phương có sự chậm trễ thật khó lý giải.
Ở góc độ pháp luật bảo vệ môi trường có thể thấy hình như rùa biển không được bảo vệ nghiêm ngặt như các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm khác. Cụ thể ngày 14/5/2015, sau khi vụ vận chuyển trái phép 31 sừng tê giác tại Nghệ An được phát hiện đối tượng đã bị bắt giữ và khởi tố; vụ việc một cá thể hổ đông lạnh nặng 120kg bị tịch thu trên địa bàn tỉnh Nghệ An tháng 12/2014 các cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố vụ án chỉ 7 ngày sau khi phát hiện...Tương tự như hổ hay tê giác, các loài rùa biển hiện đang là những loài được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam. “Tại sao vụ việc liên quan hơn 7.000 cá thể rùa biển bị sát hại lại không được các cơ quan chức năng địa phương quan tâm xử lý như vụ bắt giữ 31 sừng tê giác hay một cá thể hổ -đông lạnh?” - bà Hà đặt câu hỏi.
Nói vậy để thấy rằng, việc đảm bảo tính nghiêm minh trong thực thi các quy định của pháp luật là yếu tố quyết định để triệt phá các đường dây tội phạm về rùa biển nói riêng và các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm nói chung. Trong Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 20/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã kiên quyết chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác ngăn ngừa, đấu tranh, triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia về ĐVHD.
Tội ác lớn nhất đối với các loài ĐVHD không chỉ là hành vi săn bắt hay tiêu thụ mà còn là sự thờ ơ của các cơ quan chức năng trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ những loài này.